23/01/2025

Nhận trách nhiệm rủi ro về cái chết anh Dương Châu Toàn

Chiều 25-2, Bệnh viện Thống Nhất đã gặp mặt cơ quan báo đài để thông tin về trường hợp bệnh nhân Dương Châu Toàn, 28 tuổi, ở TP.HCM, tử vong ngày 13-2, sau 25 ngày phẫu thuật khớp gối tại bệnh viện này.

 

Nhận trách nhiệm rủi ro về cái chết anh Dương Châu Toàn

 

 

Chiều 25-2, Bệnh viện Thống Nhất đã gặp mặt cơ quan báo đài để thông tin về trường hợp bệnh nhân Dương Châu Toàn, 28 tuổi, ở TP.HCM, tử vong ngày 13-2, sau 25 ngày phẫu thuật khớp gối tại bệnh viện này.

 

 

 

 

Nhận trách nhiệm rủi ro về cái chết anh Dương Châu Toàn
GS Nguyễn Đức Công, giám đốc Bệnh viện Thống Nhất (đứng), thông tin về bệnh nhân Toàn tử vong sau ca mổ khớp gối – Ảnh: Thùy Dương

GS.TS.BS Nguyễn Đức Công, giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, kể lại diễn tiến. Ngày 18-1, anh Toàn đến Bệnh viện Thống Nhất khám và điều trị với lý do đau, mất vững khớp gối trái. Trước khi nhập viện 10 ngày, anh bị tai nạn té đập đầu gối trái xuống đất dẫn đến bị đau, mất vững vùng khớp gối bên trái và vận động khó khăn.

Từ kết quả chụp MRI cộng hưởng từ, bệnh nhân được chẩn đoán “đứt dây chằng chéo trước của khớp gối bên trái, gãy mâm chày, phù nề mâm chày ngoài”. Anh Toàn có chỉ định phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước khớp gối trái, cắt lọc sụn chêm khớp gối trái.

Vẫn đang tìm nguyên nhân

17g20 cùng ngày, anh Toàn được gây tê tủy sống, sau đó các bác sĩ phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước khớp gối trái ngay chỗ bám, cắt lọc sụn chêm.

Ca phẫu thuật kết thúc lúc 19g cùng ngày và anh Toàn được chuyển từ phòng mổ ra phòng hậu phẫu, khoa ngoại theo yêu cầu. 19g15, bệnh nhân được thực hiện y lệnh thuốc sau mổ theo y lệnh của bác sĩ. Khoảng hai giờ sau, anh Toàn được thực hiện giảm đau: Mobic 15mg 1 lọ tiêm bắp thịt. Đến 4g45 sáng 19-1, anh Toàn đột ngột lên cơn gồng cứng, co giật, mạch chậm, huyết áp tụt.

Anh Toàn được hồi sức cấp cứu. Khi có mạch và huyết áp trở lại, anh Toàn rơi vào tình trạng hôn mê sâu và được chuyển khoa phẫu thuật gây mê hồi sức để tiếp tục theo dõi và điều trị. Tại khoa phẫu thuật gây mê hồi sức, anh Toàn được hội chẩn liên viện với chẩn đoán hôn mê sâu sau ngưng tim ngưng thở. Do anh Toàn bị tổn thương não không hồi phục, huyết áp giảm dần, nên gia đình xin đưa về và bệnh nhân qua đời tại nhà vào ngày 13-2.

Theo GS Công, bệnh viện vẫn cố gắng tìm nguyên nhân bệnh nhân ngưng tim ngưng thở, nhưng đây là điều khó khăn do cần giải phẫu tử thi, tuy nhiên bệnh nhân đã tử vong từ nhiều ngày trước.

Các bác sĩ cho rằng bệnh nhân không có biểu hiện của sốc thuốc vì sau hơn hai giờ tiêm thuốc khả năng bị sốc thuốc khó xảy ra. Hội đồng chuyên môn của bệnh viện đã họp và nhiều khả năng cho rằng đây là trường hợp rối loạn nhịp tim do mắc một bệnh tim tiềm ẩn, không được phát hiện trước phẫu thuật.

Bệnh viện vẫn sẽ lập lại hội đồng chuyên môn theo chỉ đạo của Bộ Y tế để tiếp tục tìm nguyên nhân và báo cáo về Bộ Y tế.

Ông Công cho biết anh Toàn là một tiếp viên hàng không, là người quen của một phó giáo sư trong bệnh viện. Chi phí của ca phẫu thuật là 249 triệu đồng, bảo hiểm y tế chi trả 189 triệu đồng, số tiền còn lại bệnh viện đã chịu do điều trị thất bại.

Sẽ tổ chức kiểm điểm 
rút kinh nghiệm

Ông Công rớm nước mắt khi cho biết trong 8 năm làm giám đốc ở Bệnh viện Thống Nhất, đây là lần đầu tiên xảy ra sự cố như vậy.

Do bệnh nhân đã tử vong sau khi điều trị tại bệnh viện nên bệnh viện nhận trách nhiệm về rủi ro này và tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm về mặt chuyên môn cũng như y đức để tránh tối đa những sự cố sau này, đồng thời xem xét trách nhiệm các nguyên nhân dẫn đến sai sót nếu có.

Còn theo người nhà bệnh nhân sau khi Toàn qua đời, gia đình đã thắc mắc với bệnh viện về nguyên nhân cái chết của Toàn nhưng bệnh viện trả lời: “Vẫn chưa tìm được nguyên nhân”. Mong muốn duy nhất của gia đình là nhận được câu trả lời về nguyên nhân dẫn đến cái chết của Toàn.

Bệnh viện quá chậm

Trong những ngày gần đây, nhiều nghệ sĩ, nhạc sĩ, diễn viên và người dùng Facebook nổi tiếng đã lan truyền với tốc độ chóng mặt hashtag (chuỗi ký tự sau dấu # trên mạng xã hội) “Chiến dịch công lý cho Toàn”.

Điều những người quan tâm chia sẻ hashtag này là đi tìm nguyên nhân dẫn đến cái chết của Toàn. Vì sao chàng trai 28 tuổi mạnh khoẻ lại ra đi sau một lần ngã xe và sau đó là ca mổ tái tạo dây chằng chéo khớp gối?

Theo nhiều bác sĩ, loại thuốc giảm đau được tiêm cho Toàn tối 18-1 sau ca mổ là loại thuốc thường được sử dụng. Muốn tìm căn nguyên tử vong phải thành lập hội đồng chuyên môn mới đánh giá được.

Chiều 24-2, ông Lương Ngọc Khuê, cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), đã yêu cầu Bệnh viện Thống Nhất khẩn trương thành lập hội đồng chuyên môn, xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan tới ca tử vong của bệnh nhân Dương Châu Toàn, báo cáo về Bộ Y tế trước ngày 4-3.

Có một đặc thù trong ngành y tế là người ngoài ngành rất khó đánh giá về sự cố y khoa, chỉ những chuyên gia y tế giỏi nhất mới có thể biết được tai biến là do đâu, do đó trong xử lý tai biến y khoa thì ngành y tế “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, rất khó khách quan nếu nguyên nhân vụ việc có gì đó bất lợi cho nhân viên y tế. Nhưng trong vụ việc này, Bệnh viện Thống Nhất và cả ngành y tế đã quá chậm trễ…

LAN ANH

THUỲ DƯƠNG ([email protected])