Mẫu thiết kế áo dài bị ‘nhái’ tràn lan
Ba nhà thiết kế áo dài hàng đầu TP.HCM hiện nay là Liên Hương, Thuận Việt và Sơn Collection bức xúc cho biết đang có ý định làm việc với luật sư để kiện những cá nhân và đơn vị đã ngang nhiên sao chép và kinh doanh trái phép những mẫu thiết kế áo dài của họ.
Mẫu thiết kế áo dài bị ‘nhái’ tràn lan
Ba nhà thiết kế áo dài hàng đầu TP.HCM hiện nay là Liên Hương, Thuận Việt và Sơn Collection bức xúc cho biết đang có ý định làm việc với luật sư để kiện những cá nhân và đơn vị đã ngang nhiên sao chép và kinh doanh trái phép những mẫu thiết kế áo dài của họ.
“Áo dài thiết kế” bán đại trà
Trong khi áo dài cách tân đang tạo nên một cơn sốt và TP.HCM đang tiến hành nhiều hoạt động để tôn vinh chiếc áo dài thì các nhà thiết kế, các thương hiệu áo dài nổi tiếng tại TP.HCM lại đang bức xúc vì mẫu thiết kế của họ vừa tung ra đã bị sao chép tràn lan.
Trước tết, nhà thiết kế Sương Nguyễn bức xúc khi hàng loạt mẫu thiết kế áo dài cách tân của chị vừa tung ra đã bị một đơn vị sao chép gần như 100%. “Họ copy hình mẫu mã trên website và vào fanpage lấy hình chụp sản phẩm ở shop tôi để đưa lên bán sỉ lẻ các kiểu. Khi tôi hỏi thì họ bảo không biết nhà mốt hay thương hiệu nào. Họ còn đóng tên công ty họ lên sản phẩm của tôi mới kinh khủng. Tôi nói mãi mà không chịu gỡ xuống. Khi tôi doạ kiện, bắt xin lỗi thì họ gỡ xuống nhưng viết phản hồi cho tôi với những lời lẽ không chấp nhận được”, Sương Nguyễn bức xúc. Dù hầu hết các mẫu thiết kế của chị đã đăng ký bản quyền, nhưng chị không biết kêu cứu ở đâu.
Điều đáng nói, nếu như sản phẩm của nhà thiết kế được thực hiện hàng tháng trời với bao tâm huyết và được đầu tư chu đáo thì các mẫu ăn cắp chỉ mất 1, 2 ngày thực hiện. Họ bán hàng loạt với giá và chất lượng chưa đến 1/10 bản gốc. Nhà thiết kế Sơn Collection nói: “Áo dài chúng ta hiện rất phong phú, đa dạng nên người dân ở mọi đối tượng, mọi lứa tuổi đang rất ưa chuộng. Vì sự phát triển này mà ngay khi mẫu nào tôi thiết kế ra, đưa lên trang web hay người mẫu mặc chụp ảnh lên báo là có đơn vị khác sao chép lại. Bức xúc hơn là chất lượng họ làm quá kém nên ảnh hưởng cả người mua lẫn tên tuổi chúng tôi”.
Việc sao chép kiểu dáng, hoạ tiết, ý tưởng của các nhà thiết kế không chỉ để thực hiện một vài mẫu mà có nơi còn thực hiện đến 30 – 40 mẫu của nhà thiết kế với giá bán chỉ vài trăm ngàn. Chị Minh Trang (ngụ Q.1, TP.HCM) kể lại: “Tôi mua chiếc áo của Thuận Việt đầu tư tỉ mỉ gần 20 triệu đồng. Mẫu thiết kế đã được biểu diễn trong một chương trình lớn và tôi chỉ mới mặc một, hai lần. Trong một lần đi dự đám cưới, tôi bỗng phát hiện một người mặc chiếc áo giống áo của tôi đến 80%. Tôi dè dặt hỏi người mặc thì được biết chị mua vải mẫu ở chợ Soái Kình Lâm rồi nhờ người ta may lên với tổng chi phí cho chiếc áo là… 800.000 đồng”.
Rất nhiều nhà thiết kế kể lại, họ từng đến các chợ vải ở Q.5, chợ Bến Thành, Tân Định, Tân Bình… thì được người bán chào mời là “mẫu copy từ Sĩ Hoàng, Liên Hương, Thuận Việt, Võ Việt Chung…”. Đó là các mẫu được nhà thiết kế thực hiện công phu hàng tháng trời và được trình diễn trong các show lớn. Các họa tiết trên áo nhìn lướt qua thấy giống đến 80% được bán đại trà với giá vài trăm ngàn hay hơn 1 triệu.
“Sao y” mẫu của… đồng nghiệp
Nhà thiết kế Liên Hương bày tỏ: “Thương cho khách hàng của mình, bỏ ra một số tiền lớn để mong có một, hai mẫu thiết kế độc quyền. Nhưng cuối cùng lại thấy khá nhiều người mặc giống mình.Không chỉ các chợ vải copy mà trong giới thiết kế áo dài hiện nay cũng có không ít người sao chép của đồng nghiệp. Đây là điều đáng buồn cần phải được lên tiếng. Về việc đăng ký thương hiệu, Liên Hương đã làm hơn 10 năm trước, nhưng mẫu mã độc quyền thì không thể cứ ra mẫu nào là đăng ký mẫu đó. Vậy nên, tình trạng ăn cắp cứ diễn ra mà không có cách nào ngăn chặn”.
Nhà thiết kế Thuận Việt thẳng thắn: “Ăn cắp ý tưởng thiết kế, nhất là về hoạ tiết trang trí trên áo dài là không tôn trọng đồng nghiệp và chính mình. Bên cạnh đó, điều làm tôi bức xúc là những bản copy đó có chất lượng quá sức tệ, làm ảnh hưởng tới uy tín chung của giới thiết kế. Đó là điều không thể chấp nhận được”.
Hành vi sao chép có thể bị xử phạt đến 500 triệu đồng
Luật sư Nguyễn Minh Thuận (Giám đốc Công ty luật Sài Gòn VN) cho biết: “Nếu muốn được pháp luật bảo vệ, điều đầu tiên là người bị xâm phạm phải đăng ký bảo vệ nhãn hiệu hoặc kiểu dáng của thiết kế theo đúng quy định pháp luật.
Trong trường hợp bị một bên khác xâm phạm thì tùy tính chất vụ việc mà bên bị xâm phạm có quyền làm đơn gửi đến Thanh tra Sở Khoa học – Công nghệ hoặc Thanh tra Sở Thông tin – Truyền thông và cơ quan quản lý thị trường để yêu cầu xử lý đối với bên vi phạm.
Khi đó, tùy theo tính chất mà bên vi phạm có thể bị xử phạt hành chính từ 500.000 đồng đến 500 triệu đồng theo Nghị định 99/2013. Ngoài việc bị phạt tiền, bên vi phạm còn có thể bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, bao gồm hàng hoá giả mạo nhãn hiệu…; đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ 1 đến 3 tháng kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành…”.
|
Dạ Ly