23/12/2024

Truyền cảm hứng, khơi gợi tình yêu nước

Xoay quanh câu chuyện một số nhà sử học có ý kiến về việc cần bổ sung giai đoạn lịch sử chiến tranh biên giới vào sách giáo khoa (SGK) phổ thông, nhiều nhà giáo, chuyên gia đã có những phản hồi.Tuổi Trẻ giới thiệu cùng bạn đọc.

 ĐƯA CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI, CHỦ QUYỀN VÀO SÁCH GIÁO KHOA:

Truyền cảm hứng, khơi gợi tình yêu nước

 

 

Xoay quanh câu chuyện một số nhà sử học có ý kiến về việc cần bổ sung giai đoạn lịch sử chiến tranh biên giới vào sách giáo khoa (SGK) phổ thông, nhiều nhà giáo, chuyên gia đã có những phản hồi.Tuổi Trẻ giới thiệu cùng bạn đọc.

 

 

 

 

 

 

Truyền cảm hứng, khơi gợi tình yêu nước
Một tiết học môn sử của học sinh lớp 12 Trường THPT Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận, TP.HCM – Ảnh: Như Hùng

* PGS-NGND Lê Mậu Hãn
 (nguyên chủ nhiệm khoa lịch sử
Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQG Hà Nội):

Thế hệ sau cần biết những tấm gương quả cảm. Đưa nội dung về chiến tranh biên giới phía Bắc vào SGK lịch sử là vấn đề khá nhạy cảm. Nhân dân VN luôn mong muốn hoà bình. Nhưng không phải vì thế mà ta bỏ qua hẳn không nhắc đến một giai đoạn lịch sử đau thương mà hào hùng của dân tộc. 37 năm là một khoảng thời gian đủ để nhìn nhận lại giai đoạn lịch sử này một cách khách quan, đúng mức.

Tuy nhiên, việc đề cập đến giai đoạn lịch sử chiến tranh biên giới phía Bắc nói riêng và các giai đoạn lịch sử VN nói chung cần phải cân nhắc, nhất là việc đưa vào SGK các cấp.

Cụ thể, với sinh viên chuyên ngành lịch sử trong các trường ĐH, nội dung chiến tranh biên giới phía Bắc, các vấn đề liên quan tới chủ quyền biên giới, hải đảo cần được mô tả chân thực, đầy đủ. Nhưng việc đưa vào SGK cho học sinh phổ thông các cấp thì cần chọn lọc.

Việc mô tả con số thương vong, tổn thất không nên đưa vào hoặc đưa vào quá nhiều, mà chú trọng đưa các câu chuyện lịch sử, giới thiệu nhân vật lịch sử để khơi dậy niềm tự hào, lòng yêu nước của thế hệ trẻ.

Riêng với chiến tranh biên giới phía Bắc, nên cân nhắc việc đưa nội dung lịch sử, làm sao để các thế hệ trẻ VN bây giờ hiểu quân và dân ta vào thời kỳ đó đã buộc phải chiến đấu để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ đất nước. Nếu học sinh hiểu được điều đó thì những tấm gương quả cảm, hi sinh tuổi thanh xuân để giữ gìn hoà bình khi đó sẽ có tác động tích cực đến các em.

GS Vũ Dương Ninh (ĐHQG Hà Nội):

“Chỉ có 12 dòng về 
chiến tranh biên giới”

Nhìn sang Trung Quốc, tôi thấy sách lịch sử của họ khai thác về “con đường tơ lụa”, về “ranh giới hình chữ U”, về “đường lưỡi bò” để thể hiện ý đồ về Biển Đông. Họ đề cập đến chiến tranh biên giới năm 1979 như một cuộc tự vệ, một đòn trừng phạt đối với VN.

Trong khi đó, SGK lịch sử lớp 12 chỉ có 12 dòng về sự kiện chiến tranh biên giới phía Bắc. Nhìn lại thập kỷ 1950-1960, trong điều kiện thiếu thốn, môn lịch sử vẫn được dạy nghiêm túc. Những tấm gương anh hùng cùng các sự kiện lịch sử hào hùng đã được tái hiện qua bài học, khiến cho lòng yêu nước, tự hào dân tộc được lan toả.

Cũng nhờ vậy mà khi đất nước lâm nguy, những thế hệ trẻ thời đó lại sẵn sàng lên đường đi cứu nước, tiếp nối truyền thống của cha anh đi trước.

Rõ ràng từ những bài học lịch sử đến việc giáo dục lòng yêu nước có liên hệ mật thiết. Và đề cập đầy đủ, đúng mức về các giai đoạn lịch sử của đất nước là việc cần phải cân nhắc, bổ sung khi ta tiến hành biên soạn chương trình – SGK mới.

Bà Nguyễn Thị Yến Thu
 (phó chủ tịch Trung ương Hội Cựu giáo chức Việt Nam, chủ tịch Hội Cựu giáo chức TP.HCM):

Đảm bảo khách quan, 
trung thực

Là một nhà giáo lâu năm, tôi cho rằng việc bổ sung các nội dung về chiến tranh biên giới phía Bắc, chiến tranh biên giới Tây Nam, về Hoàng Sa, Trường Sa vào SGK là hết sức quan trọng và cần thiết.

Đây là những vấn đề chúng ta bỏ quên quá lâu. Tôi nhớ thời Pháp thuộc, họ có đề cập đến Hoàng Sa – Trường Sa trong chương trình dạy về địa lý Đông Dương. Nhưng đến khi chúng ta làm lại SGK thì lại bỏ quên nội dung này. Hãy nói sự thật lịch sử cho toàn dân biết, toàn dân hiểu bởi bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm của toàn dân.

Tôi mong Bộ GD-ĐT tính toán kỹ lưỡng, chọn người viết sách cho chuẩn mực, chính xác, có hệ thống và có tính thuyết phục. Mức độ nội dung nói trên đưa vào sách của từng cấp lớp ra sao phải cân nhắc. Phải viết làm sao để vừa truyền được cảm hứng, khơi dậy lòng yêu nước cho thế hệ trẻ, vừa đảm bảo khách quan, trung thực.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển:

“Nội dung về chiến tranh biên giới, chủ quyền còn ngắn gọn, chưa đầy đủ”

SGK lịch sử hiện hành cũng đã đưa nội dung về chiến tranh biên giới Việt – Trung, chiến tranh biên giới Việt Nam – Campuchia và một số nội dung liên quan tới chủ quyền ở quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa vào sách. Tuy nhiên nội dung này còn tương đối ngắn gọn, chưa đầy đủ.

Nhận thức về tầm quan trọng của việc giáo dục chủ quyền lãnh thổ, giáo dục lòng yêu nước, truyền thống tự hào của dân tộc, những năm qua trong nhiệm vụ năm học của các bậc học, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các nhà trường linh hoạt lồng ghép các nội dung trên vào các môn học lịch sử, địa lý, ngữ văn, giáo dục quốc phòng.

Bộ GD-ĐT khuyến khích các cơ sở giáo dục, giáo viên sử dụng thêm các tài liệu đã được thẩm định liên quan tới chủ đề trên để xây dựng các chuyên đề dạy tích hợp hoặc tổ chức các hoạt động giáo dục cho học sinh.

Trên thực tế, nhiều địa phương, nhiều nhà trường đã chủ động làm tốt việc này, như tổ chức cho học sinh trải nghiệm thực tế trong bảo tàng, di tích lịch sử; cung cấp các hình ảnh, dữ liệu tái hiện các giai đoạn lịch sử đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, các nhân vật lịch sử…

Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang triển khai việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới, theo tinh thần nghị quyết 29 của trung ương. Để chuẩn bị cho việc này, trong thời gian qua Bộ GD-ĐT đã tổ chức nhiều hội thảo, diễn đàn, lắng nghe góp ý của các nhà giáo dục, nhà khoa học, các thầy cô giáo… về việc điều chỉnh, bổ sung, khắc phục các bất cập trong chương trình – SGK hiện hành.

Có nhiều ý kiến của các nhà sử học cũng đã nêu lại việc cần phải đưa vào chương trình – SGK phổ thông nội dung chiến tranh biên giới phía Bắc với dung lượng phù hợp hơn. Các ý kiến góp ý đều quý báu và là cơ sở để ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông tiếp thu, hoàn thiện dự thảo.


VĨNH HÀ – MAI HƯƠNG ghi