23/01/2025

Quản lý lễ hội bằng “bàn tay sắt có văn hoá” được không?

Đến hẹn lại lên, mỗi mùa lễ hội chúng ta lại buồn bã, đau đầu rồi tuyệt vọng nhìn không ít lễ hội lớn nhỏ ngày càng bộc lộ nhiều chướng tai gai mắt. Đủ thứ nạn làm lễ hội trở nên xấu xí!

 

Quản lý lễ hội bằng “bàn tay sắt có văn hoá” được không?

 

 

Đến hẹn lại lên, mỗi mùa lễ hội chúng ta lại buồn bã, đau đầu rồi tuyệt vọng nhìn không ít lễ hội lớn nhỏ ngày càng bộc lộ nhiều chướng tai gai mắt.  Đủ thứ nạn làm lễ hội trở nên xấu xí!

 

 

 

 

Quản lý lễ hội bằng "bàn tay sắt có văn hóa" được không?
Lễ hội chém lợn tại khu phố Thượng (P.Khắc Niệm, TP Bắc Ninh) năm nay diễn ra nơi kín đáo. Trong ảnh: “Ông ỉn” được rước quanh làng, sau đó làm lễ khai đao – Ảnh: N.Khánh

“Nếu thật sự chúng ta muốn quản lý lễ hội bằng bàn tay sắt có văn hoá của mình thì không khó. Xin hãy công khai, minh bạch, đưa mọi thứ ra bàn luận với các bậc thức giả vì cộng đồng.

Xin hãy xử lý nghiêm minh kẻ xấu như ở chùa Hương. Xin hãy cấm tuyệt đối cảnh nhét tiền lẻ vào tượng, hãy học cách của sư bà Thích Đàm Chính, tuyệt đối không ghi công đức, tuyệt đối không đặt hòm công đức như ở chùa Tiêu, tỉnh Bắc Ninh

Mùa lễ hội đang diễn ra và sẽ còn gây ồn ào trong đời sống và dư luận. Chuyện xô bồ, chen chúc, bạo lực đã được nói đến nhiều năm. Lễ hội đang rất xấu xí trong mắt người đọc. Nhưng xấu đến đâu, tại sao, và có cách gì để thay đổi? 

Thử mổ xẻ lễ hội mùa tháng giêng “ăn chơi”, Tuổi Trẻ lần lượt đăng các ý kiến với những góc nhìn khác nhau để đi tìm một câu trả lời.

Đến hẹn lại lên, mỗi mùa lễ hội chúng ta lại buồn bã, đau đầu rồi tuyệt vọng nhìn không ít lễ hội lớn nhỏ ngày càng bộc lộ nhiều chướng tai gai mắt.

Cờ bạc, bói toán, bạo lực, chen lấn, hát rong, xin tiền, xôi thịt, bảo kê, “chặt chém”, xả rác, lừa đảo, móc túi, mê tín dị đoan… Đủ thứ nạn làm lễ hội trở nên xấu xí.


Muốn là làm được

Ví dụ với nạn chèo kéo, đeo bám khách đi chùa Hương. Năm nào cũng thế, từ Hà Đông, tức là cách chùa 50km, khách đã bị bám theo, gạ gẫm. Ồn ào, hỗn hào.

Nạn ấy được dẹp khi các trinh sát hình sự bắt các nhóm người kia. Tại sao hàng chục năm qua chúng ta chưa làm? Đến giờ làm một cái là êm.

Ví dụ nạn cờ bạc, bói toán, ăn xin, hát rong ở chợ Viềng, Nam Định. Mùa lễ hội 2016 này, địa phương huy động 400 công an đến quản lý nhưng các vấn nạn kia vẫn tái diễn.

Họ bày mặt họ ra đường để hát, dụ dỗ du khách, thì nghĩa là họ phải công khai ở chỗ đông người nhất chứ, sao nói là họ “lẩn lút” không xử lý được?

Nhiều người cũng từng kiến nghị lên lãnh đạo UBND TP Hà Nội về nạn xả thịt thú rừng và muông thú nói chung ở cửa Phật chùa Hương.

Ai bán hàng ở đó phải nộp bao nhiêu tiền, một kiôt đem lại siêu lợi nhuận cho nhà quản lý và người bán hàng ra sao, quý vị cứ đọc trên báo và đến hỏi người bán hàng thì sẽ rõ.

Vì cái lợi ích nhóm rất nhiều tiền đó (có vị trí bán hàng, thuê mặt bằng tiền tỉ một mùa hội) nên đến hẹn lại lên, “thảm nạn” cứ tái diễn.

Lúc đầu là máu me tràn lan, treo cổ cả hươu nai cầy cáo lên rồi hứng chậu chọc tiết, từng tảng thịt cả lông, cả đầu lâu con thú còn trợn mắt được cắt ra bán.

Sau này báo chí lên tiếng thì sau vài năm “tranh biện”, họ mới lùi vào… bày trong tủ kính.

Các ban quản lý lễ hội cũng có quyền phạt các hành vi phản cảm của du khách. Ví dụ, hút thuốc lá, phóng uế không đúng nơi quy định, bán thực phẩm không an toàn. Cả nước có chế tài rồi.

Mặc quần áo không kín đáo vào cửa Phật, cửa Thánh, nhiều chùa đình có bảng biển quy định rồi. Nhắc nhở và đề nghị những người khoe thân ra khỏi khu vực linh thiêng ngay.

Ai cài tiền lẻ, nhắc nhở, cài xong thu ngay. Nhìn đống tiền lẻ vung vãi nơi cửa Phật, có du khách còn thẳng thừng: cứ giao quyền cho mấy ông xe ôm, có bao nhiêu tiền lẻ có quyền thu hết bỏ túi, đảm bảo sạch bách!

Là nói vui vậy. Nhưng những người quản lý, cả các vị “trụ trì” di tích họ cũng còn tiêng tiếc, thì… tiền ai chả muốn thu. Có chùa một năm mười mấy xe tải chở tiền lẻ về cất cơ mà.

Các lễ hội biến tướng làm đau đầu dư luận, như cướp giò hoa tre, cướp phết quá “bạo lực”. Có khó để ngăn chặn?

Lực lượng công an ngăn đua xe trái phép, ngăn tụ tập đông người gây rối rất triệt để. Tại sao không cấm được cảnh vác gậy choảng nhau dã man, chửi tục chửi thề ầm ĩ trong lễ “cướp lộc” lấy phước?

Ngay cả việc một khu vực cướp phết được rào giậu, kiểm soát toàn bộ người vào khu hội, đảm bảo không mang vũ khí gậy gộc. Có gì khó để không làm được?

Cũng có tín hiệu vui

Phủ Tây Hồ đầu năm 2016 hết cảnh “chặt chém” khi gửi xe, vì được miễn phí gửi xe. Có lẽ không việc nào dễ như việc này, nếu chúng ta muốn làm thật sự.

Bằng chứng là Hà Nội đã làm được. Thuê mấy ông bảo vệ, lương vài triệu đồng/tháng, họ có trách nhiệm giữ xe ăn lương trọn gói, khỏi thu vé. Hàng nghìn cơ quan đã làm việc này. Tại sao bấy lâu nay không ai làm?

Là vì “11 tháng mài dao, 1 tháng chém”, lúc thu vé, nâng giá vé, thu bộn tiền, là họ đấu thầu rồi. Tiền ấy vào túi đủ các hạng người nên họ không dễ gì nhả ra.

Ai đã giúp lễ hội làng Ném Thượng có một cái lễ chém lợn được bà con tín tâm hoan hỉ và giá trị nhân văn vẫn được giữ gìn?

Tiếc thay, không phải là nhà văn hóa hay nhà quản lý nào, mà là người của các tổ chức bảo vệ động vật. Họ đã đến, chứng kiến và họ đã kiến nghị vì các giá trị nhân văn của cộng đồng.

Họ không muốn người ta, nhất là giới trẻ, bị “chai lì” với cảnh bạo lực máu me ở nơi quan trọng và ở dịp quan trọng đến thế.

Chúng ta không thể nhân danh lịch sử hàng trăm năm, không thể cấm bà con “hành lễ” với giá trị tâm linh từ thượng cổ. Cái gì đã trường tồn thì nó đều có cái lý, với lễ hội nó thường là cái lý tuyệt vời. Vậy thì bà con vẫn hành lễ, vẫn chặt đầu chú ỉn, nhưng vào chỗ linh thiêng “mật thất” kín đáo hơn.

Người quản lý, người du xuân vãn cảnh lễ lạt cùng buông xả, bớt tham sân si, thì lễ hội sẽ được trả về đúng nghĩa của nó ngay!

Giống như chúng ta hãy vận động ai đi lễ chùa Hương cũng không cần chen lấn, cứ coi nhường nhịn người khác là gieo quả phúc đức đầu xuân đi.

Và, thay vì bổ ngửa cầu cúng mâm cao cỗ đầy, hãy tin rằng khi bạn hiểu được thế nào là “thỏ thẻ rừng mơ chim cúng trái/lững lờ khe Yến cá nghe kinh” thì có nghĩa là bạn đang “khách tang hải giật mình trong giấc mộng” để được đón một năm mới đại phúc đi.

Thánh, Phật vốn không cầu kỳ, không ở xa chúng ta, chỉ cần bạn có “tâm” là mọi nguyện cầu của bạn đã được chứng thực rồi.

 

Nhà báo, NGUYỄN THỊ THANH TÂM