Cảnh báo “hậu kháng sinh”
Kháng sinh là thuốc đặc biệt được dùng chữa các bệnh nhiễm khuẩn, loại bệnh thường nghiêm trọng có thể đe doạ tính mạng người bệnh.
Cảnh báo “hậu kháng sinh”
Kháng sinh là thuốc đặc biệt được dùng chữa các bệnh nhiễm khuẩn, loại bệnh thường nghiêm trọng có thể đe doạ tính mạng người bệnh.
Người dân sử dụng thuốc kháng sinh cần tuân thủ theo kê đơn của bác sĩ – Ảnh minh họa: Châu Anh |
Thời gian gần đây có khái niệm gọi là “hậu kháng sinh” được dùng chỉ việc dùng thuốc loại đặc biệt này.
Nếu trước “hậu kháng sinh” có thêm chữ “tác dụng” thì làm người ta vui, còn thêm chữ “thời kỳ” hay “kỷ nguyên” thì làm người ta buồn lo quá đỗi. Vì sao như vậy?
Từng là chuyện vui
Trước hết, hãy nói chuyện vui. Trong sử dụng kháng sinh, nếu các thầy thuốc biết và sử dụng nhuần nhuyễn “tác dụng hậu kháng sinh” sẽ thu lợi rất nhiều.
Điều ai cũng biết, mục tiêu của việc dùng kháng sinh là trị bệnh nhiễm khuẩn hiệu quả. Tức dùng nó tiêu diệt hẳn vi khuẩn gây bệnh, hoặc không tiêu diệt cũng ức chế sự phát triển của vi khuẩn để sức đề kháng cơ thể tiêu diệt chúng.
Muốn làm được điều vừa kể, ta phải dùng kháng sinh đúng cách (uống, tiêm chích đúng cách, đúng liều…) để nồng độ kháng sinh đạt được trong máu người bệnh đủ tiêu diệt hoặc ức chế vi khuẩn.
Trong đó, nồng độ kháng sinh trong máu người bệnh đạt được phải cao hơn “nồng độ ức chế vi khuẩn tối thiểu” (gọi tắt MIC, tức nồng độ thấp nhất gây hại vi khuẩn). Nếu dùng kháng sinh mà nồng độ thấp hơn MIC thì công cốc, vi khuẩn không hề hấn gì, bệnh không được chữa và nặng thêm. Ta phải dành quyền chỉ định này cho các thầy thuốc.
Sau một thời gian rất dài dùng kháng sinh, nay các nhà chuyên môn y dược phát hiện có nhiều kháng sinh nếu biết dùng đúng cách thì sau khi tiếp xúc với vi khuẩn, nồng độ kháng sinh có trong máu mặc dù rất thấp, thấp hơn cả MIC chúng vẫn cho tác dụng trị vi khuẩn hiệu quả. Những kháng sinh cho tác dụng kỳ lạ đó được gọi kháng sinh có “tác dụng hậu kháng sinh”.
Hậu kháng sinh trong “tác dụng hậu kháng sinh” có nghĩa sau khi dùng một liều kháng sinh đúng cách, kháng sinh đó gây hại vi khuẩn đến độ có dư hậu, sau một thời gian nồng độ của nó giảm dần trong máu thấp hơn cả MIC nó vẫn tiếp tục gây hại vi khuẩn. Điều rất vui khi phát hiện có những kháng sinh có “tác dụng hậu kháng sinh”, cách sử dụng chúng thay đổi và đem nhiều lợi ích cho người bệnh.
Đối với các kháng sinh có “tác dụng hậu kháng sinh” tốt , thay vì dùng liều thấp nhiều lần trong ngày như trước thì nay nên dùng liều cao ít lần trong ngày. Với cách dùng mới này, “tác dụng hậu kháng sinh” phát huy rất tốt.
Lúc đầu, khi nồng độ kháng sinh đạt đỉnh điểm thì những vi khuẩn cứng đầu bị tiêu diệt, sau đó nồng độ giảm xuống thấp hơn cả MIC nhưng vẫn để lại dư âm “hậu kháng sinh” tiêu diệt những vi khuẩn còn lại.
Đối với các kháng sinh không có hoặc ít “tác dụng hậu kháng sinh” như nhóm beta-lactam (các penicillin, các cephalosporin…), nhóm macrolid (erythromycin, clarithromycin…) nên dùng thuốc nhiều lần trong ngày thì tốt hơn.
Nhưng cũng rất đáng lo
Chuyện vui về “hậu kháng sinh” được kể ở trên là thế. Còn chuyện buồn lo thì sao?
Hiện nay, các nhà chuyên môn, đặc biệt là các giới chức của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đã dùng mấy chữ “thời kỳ hậu kháng sinh” hay “kỷ nguyên hậu kháng sinh” trong phát biểu với thái độ buồn lo không thể tả.
Bởi sau thời gian dài gọi là thời kỳ vàng son của kháng sinh, việc dùng kháng sinh đã vượt qua tầm kiểm soát, tiến sát đến thời kỳ mà đề kháng kháng sinh hết thuốc chữa. Đề kháng kháng sinh là gì mà ghê gớm quá vậy?
Nói nôm na, đề kháng kháng sinh là với liều dùng thông thường, kháng sinh bị lờn, chẳng có tác dụng gì với vi khuẩn trước đây nó tỏ ra rất hiệu quả.
Đề kháng kháng sinh xuất hiện rất sớm, gần như song hành với sự xuất hiện và sử dụng kháng sinh. Kháng sinh đầu tiên là penicillin được sản xuất và chính thức dùng trong điều trị bệnh nhiễm khuẩn vào năm 1945 thì vào năm 1948, người ta phát hiện vi khuẩn Staphylococcus aureus đề kháng (tức lờn) với kháng sinh này.
Vài năm sau đó, con người chống lại S. aureus đề kháng bằng cách tìm ra kháng sinh mới là nhóm methicillin. Nhưng đến năm 1961, S.aureus lại đề kháng methicillin để được gọi tên MRSA. Khi đó, muốn chống lại MRSA phải dùng vancomycin là kháng sinh quý hiếm, dự trữ sau cùng. Đến năm 1997, tai họa lại đến là vì MRSA đề kháng được cả vancomycin để nghiễm nhiên mang tên VRSA.
Hiện các kháng sinh đề kháng được gọi là “siêu mầm bệnh” hoặc “vi khuẩn siêu đề kháng” bởi không chỉ có VRSA mà gần đây, có thêm vi khuẩn rất nguy hiểm đã đột biến gen mang gen tiết ra enzym New Dehli Metallo beta-lactamase (NDM-1) đề kháng các kháng sinh thuộc nhóm carbamenem là nhóm kháng sinh rất mạnh, thuộc loại dự trữ sau cùng chỉ dùng khi bị nhiễm khuẩn rất nặng.
Người ta ghi nhận chính việc sử dụng kháng sinh bừa bãi, không đúng cách, không đủ liều sẽ làm vi khuẩn không bị tiêu diệt hết, một số có khả năng thích ứng, đặc biệt có sự đột biến gen trên nhiễm sắc thể kiểm soát sự nhạy cảm đối với kháng sinh, số này tồn tại, phát triển thành “chủng” vi khuẩn mới mà kháng sinh đã sử dụng không còn tác dụng với chúng nữa.
Chúng ta vẫn còn thời gian. “Hậu kháng sinh” rất đáng buồn lo sẽ không xảy ra khi mọi người cam kết dùng kháng sinh an toàn và hợp lý. Người dân chỉ sử dụng kháng sinh khi được thầy thuốc kê đơn. Còn các thầy thuốc chỉ định dùng kháng sinh cho người bệnh với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Gần đây nhất, người ta phát hiện ở Trung Quốc xuất hiện “vi khuẩn siêu đề kháng” đề kháng cả colistin (kháng sinh rất ít dùng và trước đây chẳng có vi khuẩn nào có thể đề kháng). Vi khuẩn đáng sợ này có chứa gen kháng thuốc MCR-1, và gen này được dự đoán có thể giúp vi khuẩn đề kháng với tất cả kháng sinh hiện có. Nếu đúng thế thì con người sẽ đối diện với khoảng trống mênh mông phía trước vì không còn vũ khí kỳ diệu gọi là kháng sinh nữa. Tình trạng khủng khiếp đó WHO gọi là “thời kỳ hậu kháng sinh”, đồng nghĩa với việc con người có thể chết do bất kỳ bệnh nhiễm khuẩn thông thường nào! |