24/12/2024

Niềm tin hỗn loạn thì hành vi lệch chuẩn

Theo TS Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo, những lễ hội lộn xộn hiện tập trung ở miền Bắc và ông đã trả lời phỏng vấn Thanh Niên về vấn đề này.

 

Niềm tin hỗn loạn thì hành vi lệch chuẩn

 

Theo TS Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo, những lễ hội lộn xộn hiện tập trung ở miền Bắc và ông đã trả lời phỏng vấn Thanh Niên về vấn đề này.





Tranh lộc tại chùa Phúc Khánh, Đống Đa, Hà Nội - Ảnh: Ngọc Thắng

 

Tranh lộc tại chùa Phúc Khánh, Đống Đa, Hà Nội – Ảnh: Ngọc Thắng


Hội đền Trần, chen nhau tranh lộc. Hội cướp phết, trai tráng đánh nhau lả người. Chùa Phúc Khánh hỗn loạn cướp lộc sau lễ cầu an… Điểm nóng lễ hội đều tập trung ở phía bắc. Liệu đó có phải là một nhận định chủ quan hay không, thưa ông?
Chính xác. Miền Trung và miền Nam không có sự lộn xộn kiểu tranh cướp như vậy. Tôi nghiên cứu điền dã, cũng đã dự nhiều hội làng, hội chùa. Hôm nay cũng dạo lướt qua một số chùa ở Sài Gòn, không thấy cảnh chen lấn xô đẩy. Đọc tin trên một số báo tường thuật một số hội ở phía bắc, thấy đáng kinh ngạc với văn há “cướp” lộc.
 
 
Niềm tin hỗn loạn thì hành vi lệch chuẩn - ảnh 1
Lỗi nằm ở sự thiếu giáo dục về cái thiêng – tôn giáo cho thế hệ trẻ của người già, người nghiên cứu. Có thể nhận xét thế này: khi niềm tin hỗn loạn thì hành vi lệch chuẩn

Niềm tin hỗn loạn thì hành vi lệch chuẩn - ảnh 2
 
 
 
Nhưng có nghiên cứu nào cho thấy mọi sự lộn xộn của lễ hội đều rơi vào miền Bắc không, vì nói như vậy rất có thể rơi vào tình trạng phân biệt vùng miền.
Thực ra chỉ có một số hội nổi lên sau những năm đổi mới mới bị biến tướng thôi.
Phải nói cái gốc các hội miền Bắc là cực kỳ trang nghiêm. Trước năm 1945, các hội làng rất quy củ, có trình tự, nghi thức trang nghiêm. Người dự hội đến với nhau là cộng cảm vào thời điểm thiêng, không gian thiêng. Bao nhiêu mâu thuẫn và thù hận được cởi bỏ, vì cái thiêng đã hoá giải, đã xã hội – quy phạm hoá hành vi cá nhân.
Các trò diễn trong hội làng ngày xưa có tính biểu trưng, kể cả một số hội có cảnh diễn “cướp” lấy khước các linh vật đã qua tế lễ. Cảnh cướp lộc giờ đây chỉ thấy sự vô tổ chức, không diễn ra theo kịch bản cổ xưa. Xưa nghiêm là thế, nhưng từ sau đổi mới đến giờ, khi phục hồi lại lễ hội không có định hướng, không có kiểm soát. Bản thân cộng đồng cũng không hiểu ý nghĩa văn hóa của lễ hội thì nó sinh ra thế thôi.
Các cụ từng có câu “tả tơi đi xem hội”, tức là hội cũng đã tơi tả từ ngày xưa.
Tính biểu trưng của hội rất cao. Ngay cả cái tơi tả đó cũng mang tính trình diễn chứ không phải là đánh nhau giẫm đạp, tục tằn thô lậu như bây giờ. Nó là một trò diễn trong một hội tổng thể. Xưa bên Phù Đổng có hội cướp chiếu. Gọi là cướp nhưng mỗi người chỉ lấy một sợi chiếu buộc vào cổ tay lấy may chứ không phải đánh nhau làm linh tinh mọi chuyện.
Phải nói hai chặng, một là trước 1945 thì hội miền Bắc giữ được chuẩn mực theo đúng quy định của nhà nước quân chủ. Nhưng sau năm 1945 có một khoảng trống mà nhà nước mới không coi sóc, thậm chí là từ 1954 – 1980 còn coi hội mang tính lạc hậu, người ta thậm chí còn định hủy. Chính người dân có nhu cầu tâm linh nên nhà nước đã nhìn nhận lại. Vì thế, khi trở lại, có những khoảng trống về đạo đức và hành vi.
Có ý kiến cho rằng để giáo dục ý thức khi dự lễ hội, rất nên nhờ các cơ sở tôn giáo. Theo ông thì sao?
Trong chùa vẫn có việc giảng pháp. Ngay cả cách đi lại việc giảng pháp cũng có nói tới. Những phần tử tranh giành cướp lộc nếu có đến chùa thì cũng hoàn toàn không tiếp thu giáo lý của Phật giáo. Chứ các thầy dạy đàng hoàng lắm.
Tôi đang làm bước chuyển đổi cho 40 tăng ni sẽ làm cao học tôn giáo học. Những đề tài đều theo hướng làm sao giúp phật tử, người dân khi tới chùa, tới cơ sở thờ tự giữ được thái độ đúng mực và nghiêm trang; bày tỏ chất văn hoá và tâm linh cao.
Sự hỗn loạn ở lễ hội cho thấy điều gì, thưa ông?
Sự hỗn loạn cho thấy những người tham gia tranh cướp đó chẳng có niềm tin tôn giáo gì cả. Họ hành xử theo tâm lý đám đông, ganh đua, đố kỵ mà thôi. Nó mới sinh ra trò cướp giật ấy chứ. Lỗi nằm ở sự thiếu giáo dục về cái thiêng – tôn giáo cho thế hệ trẻ của người già, người nghiên cứu. Có thể nhận xét thế này: khi niềm tin hỗn loạn thì hành vi lệch chuẩn.
GS Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu văn hoá VN, đưa ý kiến: “Lễ hội miền Bắc có lẽ ít nhiều lộn xộn hơn miền Nam. Lý do là ở miền Bắc có nhiều di tích và nhiều lễ hội cổ truyền hơn. Nhất là hiện nay kinh tế phát triển, nhiều người bị hụt hẫng tinh thần. Đồng thời nếp sống của nhiều người và thanh niên cũng bị thả nổi, gây ra hụt hẫng. Tôi nghĩ đó là mù trí tuệ tâm linh. Khi mù như thế, họ chỉ nghĩ đến cá nhân mình thôi. Mà trí tuệ tâm linh lại đòi hỏi người ta có thiện tâm, nghĩ đến người khác. Lại sẵn tính hung bạo thì càng cướp lấy được”.

Trinh Nguyễn