16/11/2024

Giám đốc sở mật phục, “trị” cấp dưới vì để xe quá tải

Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Gia Lai đã “mật phục” thực tế nhiều ngày để thu thập hình ảnh, clip về xe quá tải làm chứng cứ xử lý cán bộ thanh tra giao thông.

 

Giám đốc sở mật phục, “trị” cấp dưới vì để xe quá tải

 

 

Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Gia Lai đã “mật phục” thực tế nhiều ngày để thu thập hình ảnh, clip về xe quá tải làm chứng cứ xử lý cán bộ thanh tra giao thông.

 

 


 

Giám đốc sở mật phục, "trị" cấp dưới vì để xe quá tải
Ông Nguyễn Hữu Quế kiểm tra, yêu cầu xử lý đoàn xe quá tải “qua mặt” thanh tra giao thông để chạy về nhà máy đường – Ảnh: B.D.

Trước tình hình xe quá tải gia tăng trở lại, ông Nguyễn Hữu Quế – giám đốc Sở GTVT tỉnh Gia Lai – đã nhiều lần dùng xe biển số trắng trực tiếp tuần tra đường.

Hình ảnh những đoàn xe chở gỗ, nông sản cõng hàng chạy nghênh ngang được đặt lên bàn cho lực lượng thanh tra giao thông trong cuộc họp của đơn vị này sáng 22-2.

Tại cuộc họp này, câu hỏi được giám đốc sở đặt đi đặt lại nhiều lần cho chánh thanh tra là “Tại sao?”.

Với cách trả lời thiếu thuyết phục, ông Tạ Quang Hùng – chánh thanh tra Sở GTVT Gia Lai – đã bị đình chỉ công tác, một đội trưởng đội tuần tra giao thông bị “trảm” cho xuống làm thanh tra viên.

“Mật phục” chụp hình 
xe quá tải

Từ cuối tháng 11-2015, nông dân ở các vùng nguyên liệu mía, mì bước vào chính vụ thu hoạch nông sản. Cũng thời điểm này, nhiều tuyến đường ở tỉnh Gia Lai như quốc lộ 14, quốc lộ 19, đường Trường Sơn Đông… gồng mình gánh từng đoàn xe quá tải.

Đi dọc đường Trường Sơn Đông từ thị xã Ayun Pa qua khu vực Nhà máy đường An Khê (tỉnh Gia Lai) dễ dàng chứng kiến từng đoàn xe chở mía, mì chạy ì ạch trên đường. Ông Nguyễn Hữu Quế cho biết đã trực tiếp nghe nhiều người dân, cán bộ bức xúc về việc này.

Theo ông Quế, đỉnh điểm của việc xe quá tải hoành hành trên các trục đường là cuối năm 2015, ông nhận được nhiều lời kêu ca phàn nàn từ chính các thanh tra viên thuộc thanh tra Sở GTVT.

“Họ nói với tôi rằng rất muốn làm nhưng thấy xe quá tải đi mà không cách gì làm được”, ông Quế nói.

Vậy là từ cuối tháng 11-2015, ông Quế đã nhiều lần tự dùng xe biển số trắng đi khảo sát trên các trục đường, các trạm chốt chặn liên ngành để kiểm tra thực tế lẫn việc thi hành nhiệm vụ của cán bộ chức trách.

Ngày 2-12-2015, trong một đợt đi “mật phục” như vậy, chứng kiến nhiều xe tải ùn ùn cõng mía vun thùng đi vào Nhà máy đường Ayun Pa (thị xã Ayun Pa), ông Quế ghé vào trạm liên ngành do thanh tra giao thông và CSGT phụ trách trước.

Chứng kiến bốn xe tải đi qua trạm có dấu hiệu quá tải nhưng không bị tuýt còi, ông Quế yêu cầu cho dừng bốn xe này lại, đưa vào bàn cân. Kết quả cả bốn xe đều vượt tải 10-30%.

Những ngày trước và trong Tết Nguyên đán, ông Quế tiếp tục đi trên các trục đường qua Gia Lai. Hình ảnh những đoàn xe quá tải và nhiều dấu hiệu bất thường được ông Quế dùng máy ảnh, máy quay phim ghi lại.

Rạng sáng 20 và 21-2-2016, hàng chục xe mía đi từ Gia Lai về Kon Tum cũng đã được ông ngồi trong xe lặng lẽ ghi làm bằng chứng.

Giám đốc sở mật phục, "trị" cấp dưới vì để xe quá tải
Giám đốc Sở GTVT Gia Lai Nguyễn Hữu Quế (bìa phải) đột xuất kiểm tra thi hành công vụ tại một trạm cân liên ngành của tỉnh Gia Lai – Ảnh: B.D.

“Không làm thì xin 
nghỉ đi”

Sáng 22-2, cuộc họp nội bộ của Sở GTVT tỉnh Gia Lai nóng lên với nhiều ý kiến tâm tư của các thanh tra viên.

Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ từ cuộc họp, sau khi nghe báo cáo về tình hình thực thi công vụ, chánh thanh tra sở Tạ Quang Hùng giãi bày rằng lực lượng quá mỏng, trong khi tỉnh có nhiều tuyến đường nên anh em “làm đuối”.

“Quả thực là rất khó anh ơi” – ông Hùng than vãn. Ông Nguyễn Hữu Quế đã cắt lời: “Các ông là thanh tra, có công vụ trong tay và được giao nhiệm vụ đi kiểm tra xe quá tải mà lại kêu khó à? Tôi không cần biết, tôi cũng là dân nên cứ đi ra đường thấy xe quá tải là điên rồi”.

Chia sẻ với PV Tuổi Trẻ sau khi kết thúc cuộc họp, ông Quế kể rằng ông đã đặt nhiều câu hỏi để đối chất thanh tra, từ đó truy trách nhiệm cụ thể:

“Tôi đi trên đường thấy có điều rất lạ là hầu như xe chở mía, nông sản đi từ Gia Lai về Bình Định, Kon Tum thì bị kiểm tra, mà hầu hết xe trên đường này chở đúng tải. Vậy thì thanh tra tuần tra trên đường đó để làm gì?

Trong khi điều hết sức khó hiểu là xe chở mía ùn ùn vào Nhà máy đường An Khê (thị xã Ayun Pa) hầu như xe nào cũng vượt tải trọng, tại sao các ông không tập trung kiểm tra đi?”.

Dẫn chứng lời mình nói, ông Quế dùng máy tính chiếu lại toàn bộ dữ liệu mình trực tiếp ghi hình được, hình ảnh những đoàn xe ùn ùn chất lút thùng đi vào Nhà máy đường An Khê.

Trong khi đó thời điểm từ giữa đêm đến rạng sáng các ngày 20 và 21-2-2016, có tổng cộng 36 lượt xe tải chở mía chạy từ Gia Lai theo quốc lộ 14 về tỉnh Kon Tum được ông quay hình lại, tất cả các xe này đều chở đúng tải nhưng thanh tra lại tập trung xử lý trên khúc đường này.

Ông Quế nói với Tuổi Trẻ: “Trong cuộc họp tôi cũng nói thẳng luôn, cái này là do thiếu trách nhiệm, làm không tới nơi tới chốn hoặc là nghiệp vụ quá kém chứ chẳng thể đổ lỗi gì được.

Tôi giao cho thanh tra phải trực tết, tuần tra giám sát xe quá tải nhưng trực tiếp xuống đường đi kiểm tra thì thấy từ ngày 29 tết đến mùng 3 tết không có một bóng thanh tra nào trên đường.

Trong khi đó đến mùng 4 tết ra quân thì trên đường chỉ được đúng hai người. Tôi không chấp nhận kiểu làm việc xìu xìu ển ển vậy được, không làm thì xin nghỉ đi”.

Kết thúc cuộc họp sáng 22-2, ông Quế đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với chánh thanh tra Tạ Quang Hùng, cách chức đội trưởng đội tuần tra số 2, cho xuống làm thanh tra viên đối với ông Nguyễn Hữu Trọng.

Ông Quế cho biết bước đầu chưa xác định các cán bộ này có dấu hiệu tiêu cực nhưng với tư cách là lãnh đạo đứng đầu đơn vị, ông Trọng và ông Hùng đã thiếu trách nhiệm, để xe quá tải gia tăng, không truyền đạt được nhiệt huyết để anh em trong đơn vị dồn tâm huyết vào công việc.

“Đợt xử lý cán bộ này cũng là cách để tôi nói với cán bộ cấp dưới bỏ ngay kiểu làm việc bao cấp đi, đừng có xìu xìu ển ển rồi làm thế nào cũng xong.

Nhiều anh em cũng nói thẳng trong cuộc họp là tình hình xã hội bây giờ đã khác rồi, làm ra làm chứ không có chuyện này nọ như trước đây nữa” – ông Quế nói với Tuổi Trẻ.

Xe quá tải 50%!

Ông Nguyễn Hữu Quế (45 tuổi), trình độ thạc sĩ, được bổ nhiệm làm giám đốc Sở GTVT tỉnh Gia Lai vào cuối năm 2015.

Trước khi làm giám đốc sở, ông Quế đã trải qua những vị trí công tác như cán bộ trường lái xe, phòng tổ chức Sở GTVT tỉnh Gia Lai, phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Gia Lai.

Trong hàng lãnh đạo các đơn vị tại tỉnh Gia Lai, ông Quế là một trong những lãnh đạo trẻ, được đào tạo chuyên ngành bài bản và được đánh giá là có nhiều tâm huyết.

Về việc xử lý hai cán bộ cấp phòng của mình, ông Quế và văn phòng sở này khẳng định việc xử lý này là đúng thẩm quyền của giám đốc sở.

Ông Quế cho biết khi đi thực tế ở trước cổng Nhà máy đường An Khê, ông ghi nhận lượng xe từ các trục đường về nhà máy có dấu hiệu quá tải nằm dày đặc.

“Lượng xe tải chở mía hầu hết có tải trọng 10 – 12 tấn nhưng các xe quá tải đều vượt 20-40%, có xe lên tới 50%, nghĩa là cho phép 10 tấn nhưng chở tới 13-15 tấn. Các xe này nhìn bên ngoài rất cồng kềnh, bằng mắt thường dễ dàng nhận ra dấu hiệu vượt khổ vượt tải” – ông Quế nói.

“Coi đó là gương để lo làm việc tốt”

Trả lời PV Tuổi Trẻ về việc bị tạm đình chỉ công tác để xem xét xử lý kỷ luật liên quan đến lĩnh vực mình phụ trách, chiều 22-2 chánh thanh tra Sở GTVT Gia Lai Tạ Quang Hùng nói:

“Tôi cảm thấy buồn lắm, tôi không có ý kiến gì về quyết định xử lý mình cả. Sáng 22-2, sau khi họp sở xong tôi triệu tập anh em trong phòng lại và cũng tâm tư, dặn dò hết rằng việc đến cơ sự này trước tiên là do lỗi của mình.

Giờ tôi là người đứng đầu mà đã bị đình chỉ công tác thì các anh em ở lại phải coi đó là gương để lo làm việc cho tốt, đừng để một người bị kỷ luật rồi kéo theo người khác nữa.

Tôi đã 58 tuổi rồi, thú thật là thời gian gần đây tôi cũng yếu nên ít đi ra đường hơn, do đó quán xuyến việc chưa tốt. Cái này mình phải thừa nhận”.

Ông Hùng còn nói thêm: “Đến nước này thì tôi cũng nói thẳng là có quá nhiều cái khó cho tôi, mang tiếng là thanh tra sở có 19 người nhưng 13 người đã bố trí công việc khác, chỉ còn 6 anh em tuần tra ở tất cả các tuyến đường trong tỉnh, lắm lúc cũng đuối lắm.

Trong 6 người này thì có một nửa là chuyên môn yếu, không tốt nghiệp chuyên ngành ra nên cũng rất khó cho tôi trong quá trình điều hành.

Lãnh đạo muốn làm được việc thì bộ máy phải ngon lành. Nhiều khi anh em làm không tốt nhưng tính tôi cũng hiền quá nên dẫn đến sự thể như thế này. Tôi chấp nhận hình thức kỷ luật”.

Ông Hùng giãi bày thêm: “Còn một lý do khác nữa mà tôi đã giãi bày trực tiếp cho hội đồng sở trong sáng 22-2 là việc tôi tập trung thanh tra ở các tuyến đường mà hầu hết xe đều chở đúng tải, cái này không phải tôi muốn mà do lãnh đạo sở phụ trách trực tiếp tôi yêu cầu làm như thế. Tôi là cấp dưới thì phải chấp hành thôi chứ đâu cãi lại được!”.

Lấy lại tiền cho hành khách giữa đêm

Sở GTVT tỉnh Gia Lai cho biết thông qua số điện thoại cá nhân của ông Nguyễn Hữu Quế được công bố trên mạng và Facebook cá nhân, từ sau Tết Nguyên đán đến nay nhiều hành khách đã nhắn tin trực tiếp cho ông Quế phản ảnh việc bị nhà xe thu vượt tiền vé đi xe, nhồi nhét, buộc phải ăn cơm trên đường với giá đắt đỏ.

Sau khi phản ảnh, tất cả các trường hợp khách đi đường đều được trả lại tiền, nhiều nhà xe bị xử lý.

Khuya 20-2, một hành khách đi trên xe khách từ Gia Lai về TP.HCM lấy được số điện thoại của ông Quế và nhắn tin.

Ông Quế ngay lập tức nhắn lại để giữ an toàn cho hành khách, đề nghị hành khách cho biết thông tin cụ thể. Ngay trong đêm, toàn bộ hành khách đi trên xe này được tài xế trả lại 120.000 đồng tiền vé bị thu vượt so với giá quy định.

“Có nhà xe nào hay đơn vị nào trong lĩnh vực tôi quản lý làm ăn lèm nhèm cứ nhắn cho tôi. Tôi cam đoan sẽ xử đẹp và báo cáo lại cho hành khách, người dân, không có một chút khuất tất nào” – ông Quế nói.

THÁI BÁ DŨNG ([email protected])