25/12/2024

Những kiểu từ chối… trời ơi

Dân mạng đã và đang bàn chuyện rôm rả về chủ đề ‘những kiểu từ chối’ trên nhiều diễn đàn, fan page.

 

Những kiểu từ chối… trời ơi

 

Dân mạng đã và đang bàn chuyện rôm rả về chủ đề ‘những kiểu từ chối’ trên nhiều diễn đàn, fan page.





Hãy chọn cách từ chối khéo léo thay vì bịa chuyện - Ảnh: shutterstock

 

Hãy chọn cách từ chối khéo léo thay vì bịa chuyện – Ảnh: shutterstock


Đem chuyện xui xẻo, kiêng kỵ đổ lên người thân
Trên trang Facebook, thành viên Lê Thuý Dương kể lại chuyện rủ bạn đi ăn, bạn từ chối với lý do “đang bị bệnh nặng nằm viện không đi được”. “Nhưng ngay sau đó vô tình thấy bạn ấy đang uống cà phê ngoài quán. Đâu cần phải tự bịa lý do bị bệnh để từ chối như vậy chứ”. Câu chuyện này thu hút nhiều người bình luận.
Nhiều fan page liền chia sẻ một câu chuyện để cùng khảo sát: “Có bao giờ bạn cũng kiếm cớ từ chối như thế này chưa?”. Kết quả bất ngờ là hành vi này không của riêng ai, hàng ngàn thành viên đã thú thật: “Mình cũng từng như thế”, “Sao giống tôi quá vậy”… Họ thừa nhận mỗi khi muốn từ chối lời mời, tránh né những lời mượn tiền, nhờ đỡ… đã thường sử dụng chiêu “bịa chuyện kiểu ghê gớm”, “nghiêm trọng hoá vấn đề”: gia đình đang cãi nhau, bố vừa gặp tai nạn, người thân vừa qua đời, anh trai đang bị bệnh hiểm nghèo, chú ruột vừa bị xe tông…
Theo thành viên Hồng Tú, những kiểu từ chối như vậy là không nên. “Chỉ vì muốn chối từ một lời mời, rủ rê nào đó mà nhiều người sẵn sàng “cho” cả dòng họ, người thân mắc bệnh hiểm nghèo, gặp chuyện tai quái như thế là quá đáng. Ai có thói quen này hãy dừng lại”. Ý kiến này được nhiều người bấm like đồng tình. “Cớ sao lại như vậy chứ? Đừng ích kỷ và làm điều đó. Vì lợi ích của bản thân, muốn từ chối điều gì đó mà thản nhiên nói người thân mình đang gặp chuyện xui rủi dù họ đang yên lành là điều tối kỵ”, thành viên Bảo Phan nói thêm.
Tuy nhiên, vẫn có những bình luận cho rằng: “Cớ sao lại lên án những lý do từ chối như vậy. Bịa chuyện kệ họ, đâu có ảnh hưởng gì đâu mà lo” (?!).
Hãy chọn cách từ chối khéo léo
Trao đổi với Thanh Niên về vấn đề này, nhiều chuyên gia tâm lý thừa nhận đây là hiện tượng có thật. Nhiều người có thói quen này, cố tình viện cớ để từ chối một vấn đề nào đó là điều không khó gặp trong cuộc sống. Và để tăng “sức nặng” cho những cái cớ ấy, một số người đã dùng đến những câu chuyện rất hãi hùng.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Duy, Trung tâm đào tạo và chăm sóc tinh thần Ý tưởng Việt (TP.HCM), kể thỉnh thoảng vẫn gặp kiểu từ chối dạng như vậy. Hay chuyên gia tâm lý Huỳnh Anh Bình cũng nói, một lý do từ chối mà ông nghe nhiều nhất đó là: “người thân bị tai nạn”.
Theo ông Bình, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc này, đó là vì họ muốn từ chối và né tránh một chuyện mà họ không thích. Cũng có thể người ấy đã nói theo kiểu đó rất nhiều lần, họ coi những chuyện đó là rất đỗi bình thường, chẳng nghĩ ngợi gì cả, và nghĩ nói như vậy cũng không ảnh hưởng tới ai, không chết ai cả.
“Cứ có thói quen như vậy là hoàn toàn sai. Muốn từ chối, tránh né một việc gì đó mà lôi chuyện người thân bị tai nạn, ba mẹ nằm viện, người thân vừa qua đời hay anh chị em gặp chuyện xấu… là quá đáng”, ông Bình nói thêm.
Thạc sĩ Duy thì nhìn nhận, việc dùng những lý do mang tính bịa chuyện, gian dối, đặc biệt là liên hệ đến những người thân là không tốt, vì ít nhiều nó sẽ làm giảm uy tín cá nhân, hao hụt niềm tin của người khác đối với mình. Thậm chí dẫn đến những hiểu lầm tai hại làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người xung quanh. Và điều này lặp lại nhiều lần làm hình thành thói quen không mấy tốt đẹp.
Trên Facebook, thành viên An Hoà đặt câu hỏi: “Vậy cách từ chối thế nào là khôn khéo, vừa từ chối được mà không mất lòng người khác?”.
Giải đáp điều này, thành viên Hoàng Bình khuyên: “Đừng vì muốn từ chối, né tránh điều gì đó mà trù dập, nói những lời không hay, không may với người thân mình. Có nhiều cách từ chối, hãy khéo léo chọn một cách thích ứng với hoàn cảnh mà nêu ra và nói không với kiểu từ chối trời ơi đất hỡi”.
Ông Duy cũng cho rằng từ chối cũng là một kỹ năng cần có cho mỗi người. Và để việc từ chối diễn ra hiệu quả chúng ta cần lưu ý một số vấn đề như: tính chất của mối quan hệ giữa người mời và người từ chối, xác định rõ đặc điểm của lời mời với khả năng thực hiện của bản thân, có thái độ lắng nghe và trân trọng lời mời, nên bắt đầu lời từ chối bằng những câu như: Nhưng tôi rất tiếc vì…, thật là đáng tiếc nhưng… Những lý do được đề cập đến nên xuất phát từ chính bản thân và tránh thổi phồng vấn đề để gây ra những hiểu lầm đáng tiếc.
Bình luận
“Tất cả mọi người ai cũng muốn nói những lời tốt đẹp cho người thân mình thì tại sao lại đem những chuyện xui xẻo, kiêng kỵ đổ lên người họ”. (Thanh Nhàn/Facebook)
“Khi họ từ chối như vậy, chắc chắn tôi sẽ tin là thật. Bởi không có bất cứ lý do gì để nghi ngờ về kiểu từ chối đó, chẳng lẽ họ đem tính mạng của người thân ra đùa giỡn chỉ qua một câu nói”. (huynh_phanvu/ vietclan.com.vn)
“Nên nhớ là “một lần bất tín, vạn lần bất tin”. Chân thành là chìa khoá vàng cho mọi mối quan hệ”. (Duy Nguyen/Facebook)
“Có bao giờ các bạn nghĩ chuyện mình bịa ra như vậy sẽ bị lộ tẩy, bị phát hiện không. Nếu như bị phát hiện mọi người sẽ nghĩ như thế nào về bạn. Và nếu như xui xẻo vào một ngày nào đó người thân bạn bị như vậy thiệt, họ còn tin bạn nữa không”. (Trần Thủy/Facebook)

Xuân Phương