27/12/2024

“Rồi đất nước này sẽ về đâu?”

Xã hội những năm gần đây, những vụ án tồi tệ liên tục xảy ra: đánh tráo thực phẩm, che giấu sản phẩm lỗi, kết toán ảo… đến chuyện lập quỹ đen, các sự thật đáng buồn liên tiếp bị lộ tẩy về những người được gọi là công bộc của dân; rồi ở gia đình thì đầy các vụ án bi thảm…

 

“Rồi đất nước này sẽ về đâu?”

Xã hội những năm gần đây, những vụ án tồi tệ liên tục xảy ra: đánh tráo thực phẩm, che giấu sản phẩm lỗi, kết toán ảo… đến chuyện lập quỹ đen, các sự thật đáng buồn liên tiếp bị lộ tẩy về những người được gọi là công bộc của dân; rồi ở gia đình thì đầy các vụ án bi thảm… 

 

“Rồi đất nước này sẽ về đâu?”
Kazuo Inamori và quyển sách của ông bản tiếng Việt do Nguyễn Đỗ An Nhiên dịch, Nhà xuất bản Trẻ ấn hành.

Và trước những chuyện như vậy hẳn sẽ nghe đâu đó tiếng thở dài “rồi đất nước này sẽ về đâu?”.

“Rồi đất nước này sẽ về đâu?”, bạn có biết đó là lời thở dài của một con người, mà theo nhiều thước đo hiện đại là mẫu người thành công – Inamori Kazuo, người sáng lập Công ty Kyocera, Công ty KDDI, nguyên chủ tịch Japan Airlines.

Người đàn ông 75 tuổi này phải nói lên những lời đau buồn ấy trong lời nói đầu của tập sách Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế, như lý giải lý do ông tha thiết muốn viết cuốn sách này.

Tác giả chỉ ra nguyên nhân “chính tâm hồn đang ngày càng lụn bại đã làm người Nhật xấu xí đi. Và nó cũng là nguyên nhân chính tạo nên sự hỗn loạn trong xã hội Nhật ngày nay”.

Những cuốn sách được dịch ra tiếng Việt khác của Inamori Kazuo như Cách sống; Nuôi dưỡng tâm hồn, mở rộng kinh doanh; Ước mơ của bạn nhất định thành hiện thực; Thách thức từ số 0.

Nghe thật giật mình, cường quốc đứng thứ hai thế giới mà như thế ư? Và nhìn người, ngẫm lại mình, có bao giờ là bài học thừa (ví dụ như đắng lòng với bản tin “6 ngày tết, hơn 3.400 người nhập viện vì đánh nhau” – cứ như thời chiến tranh).

Inamori Kazuo đưa người đọc tìm về Saigo Takamori – võ sĩ samurai chân chính nước Nhật thời kỳ Minh Trị Duy Tân, người mà theo tác giả chính cách sống, cách nghĩ đã khơi nguồn cho vẻ đẹp và sự cao quý vốn có của người Nhật.

Những trang sách đi từ chính những câu chuyện về cuộc đời gian truân của Saigo Takamori với những lời di huấn của võ sĩ này, cùng với đó là những liên hệ sự nghiệp kinh doanh của bản thân, so sánh chuyện nhân tình thế thái, Inamori Kazuo thủ thỉ sẻ chia một đạo đức sống: muốn thành công, phải bằng sự tử tế.

Sự thành công ấy trước tiên là chính bản thân mỗi người, sau đó ở tầm doanh nghiệp mà đứng đầu là ông chủ và ở tầm quốc gia, ấy là chính phủ. Tất cả đều phải nhắc nhau chung một điều: xây dựng sự tử tế bằng một tấm lòng thành.

Bởi lần theo lịch sử, không khó để chia sẻ chung cách nhìn của Inamori Kazuo rằng: khi người dân chăm chỉ nỗ lực thì quốc gia tiến tới phát triển, tăng trưởng và ngược lại, khi người dân buông tuồng thì quốc gia suy thoái.

Con người ta (hay quy mô doanh nghiệp) khi chưa có điều mình muốn thì thường dễ dàng chấp nhận đánh đổi giá trị sống của bản thân, từ nịnh nọt, luồn cúi đến đâm chọt người khác.

Con người ta khi chưa có quyền lực thường suy nghĩ những điều thiện, điều nghĩa…, nhưng khi có quyền lực (thường đi đôi với quyền lợi) cũng dễ tặc lưỡi thỏa hiệp rồi dần dà đánh mất chính mình.

Cái thành công ấy nào đi kèm hạnh phúc!

Và để doanh nghiệp hay chính phủ thành công, theo Inamori Kazuo, điều quan trọng nằm ở chỗ dùng người. Con người, từ vị trí nhân viên đến lãnh đạo, điều quan trọng trước tiên là phẩm chất.

Tưởng thưởng cho người gặt hái một thành quả nào đó bằng tiền bạc hay bằng chức vụ là điều phải hết sức cân nhắc, bởi nếu không sẽ đặt người nhầm ghế.

Con người ấy nếu không tu thân bằng việc rèn luyện mỗi ngày cũng rất có thể bị bản năng dẫn đi sai đường lạc lối.

Như với Inamori Kazuo là việc đứng trước gương mỗi sáng, hồi tưởng những sự việc hôm qua… để rút kinh nghiệm, để tự vấn mình coi chừng đã cao ngạo, để nhắc nhở mình đừng suy nghĩ kiểu cảm tính…

Gần 200 trang sách là những bài học đầy giá trị, đầy sức nặng kinh nghiệm của một người thành công đã trải qua biết bao thăng trầm của cuộc đời.

Ấy vậy mà, trong những dòng cuối sách, tác giả vẫn khiêm tốn nói rằng mong gợi lên ở người đọc cái suy nghĩ rằng điều gì quan trọng nhất với chúng ta – những con người đang sống ở thời hiện đại.

Xin thưa ông Inamori Kazuo, còn gì nữa, nếu không là sự tử tế.