27/12/2024

“Ai không xếp hàng, lớn nhỏ gì tôi cũng nói’

Bàn tiếp câu chuyện về thói quen xếp hàng của người Việt, nhiều ý kiến cho rằng cần phải sử dụng sức mạnh cộng đồng phản ứng với thói xấu này thì mới mong sớm có sự thay đổi.

 

“Ai không xếp hàng, lớn nhỏ gì tôi cũng nói’

 

 

Bàn tiếp câu chuyện về thói quen xếp hàng của người Việt, nhiều ý kiến cho rằng cần phải sử dụng sức mạnh cộng đồng phản ứng với thói xấu này thì mới mong sớm có sự thay đổi.

 

 

 

 

"Ai không xếp hàng, lớn nhỏ gì tôi cũng nói'
Dịp Tết Bính Thân khách đến chùa Hương khoảng 5-6 vạn người/ngày, dù đông nhưng tại khu vực cáp treo lên động Hương Tích vẫn được duy trì trật tự – Ảnh: Xuân Long

* Anh Nguyễn Minh Tâm (Q.Bình Thạnh, TP.HCM):

Chen ngang vì không ai phản ứng

Tôi vào thăm người quen điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Đến giờ thăm bệnh buổi trưa, rất nhiều người đứng xếp hàng theo một lối đi được rào lại bằng những thanh inox để chờ tới lượt được đi thang máy.

Khi ấy, một phụ nữ trạc 40 tuổi tranh thủ lúc bảo vệ quay mặt đi chỗ khác đã nhanh chóng chèn vào đoạn giữa hàng trước cái nhìn khó chịu của những người xung quanh, tuy nhiên chẳng ai chịu lên tiếng phê bình người phụ nữ đó. Thấy vậy, vài người khác cũng bắt chước chen lên.

Nhưng khi người phụ nữ ấy tiếp tục chen lên lần nữa thì bị bảo vệ phát hiện và bị yêu cầu phải quay lại xếp hàng từ đầu.

Trước thái độ quyết liệt của nhân viên bảo vệ, người phụ nữ gượng gạo quay trở lại xếp hàng từ đầu. Lúc này trong đám đông mới có tiếng vọng ra: “Nãy giờ cứ chen ngang, ai cũng gấp, cũng muốn nhanh mà sao không chịu xếp hàng đàng hoàng như người ta”.

Qua câu chuyện trên tôi nhận thấy nếu người bị người phụ nữ chen lên trước mặt phản ứng với hành động này hoặc nhiều người cùng lên tiếng như vậy thì chắc người phụ nữ đó không dám chen lên.

Chính thái độ thiếu quyết liệt của những cá nhân, đám đông đối với cách hành xử không hay đôi khi sẽ dung dưỡng cho những tật, tính xấu, đây cũng là bài học tôi rút kinh nghiệm đối với bản thân mình.

* Chị Liêu Ngọc Mỹ 
(25 tuổi, ở TP.HCM):

Đừng im lặng 
với thói xấu

Ở siêu thị hay những cửa hàng thức ăn nhanh, tôi vẫn thường bị người phía sau chen lên đòi thanh toán hoặc lấy đồ ăn trước. Người chen lấn thì đủ cả, từ những người trung niên đến những bạn tuổi teen.

Cảm giác khi ấy của những người đứng xếp hàng như tôi là cực kỳ khó chịu nhưng hầu như không ai nói gì. Tôi cho rằng chính vì thế người ta cứ “dày mặt” mà chen hoài, không thấy xấu hổ gì cả. Chen được một lần thì lần sau lại chen nữa.

Tôi thì không thể yên lặng được. Gặp những người như vậy, dù là người lớn tôi cũng đề nghị họ phải xếp hàng.

Có người xin lỗi, có người yên lặng lỉnh đâu mất, nhưng cũng có người vẫn cố chen lên bằng được. Nhưng lời nhắc nhở của tôi cũng đã “báo động” cho nhân viên thu ngân, phục vụ biết là người khách đó chen ngang, không chịu xếp hàng. Vậy là họ từ chối phục vụ. Phải kiên quyết như vậy mới tập được thói quen xếp hàng cho những người khách kỳ quặc đó.

Ý thức và thói quen xấu là điều khó thay đổi. Để giúp những người khó thay đổi đó nhận thức lại, tôi nghĩ đừng ai im lặng khi nhìn thấy những điều xấu, có như vậy mới giúp họ trở nên tốt hơn.

* Bà Đặng Hồng Linh (trưởng phòng văn hoá – gia đình Sở Văn hoá và thể thao TP.HCM):

Lấy cộng đồng 
để điều chỉnh

Thói quen chen ngang không xếp hàng thể hiện sự không tôn trọng bản thân mình và người khác trong cách hành xử nơi công cộng. Nguyên nhân có thể từ trong nề nếp giáo dục của gia đình, nhà trường chưa thẩm thấu vào con người nên cách sống nhanh, sống vội, sống thực dụng chỉ nghĩ đến bản thân mình mà không có sự sẻ chia với người khác.

Về góc độ cán bộ quản lý văn hoá, chúng tôi thấy cần có sự vun đắp, giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội, làm sao cho trẻ phát huy được những đức tính tốt đẹp của người VN như: kính trên nhường dưới, văn minh, lịch sự nơi công cộng.

Ngay cả các cơ quan truyền thông cũng phải vào cuộc, bên cạnh việc nêu gương những hành vi, ứng xử văn minh, nghĩa tình thì cũng cần lên án những cách ứng xử kém văn minh của một bộ phận người, tức lấy vai trò của cộng đồng để điều chỉnh hành vi chưa chuẩn về văn hóa.

Sở Văn hóa và thể thao thời gian qua đã biên soạn ba bộ sách về văn hoá giao tiếp ứng xử trong gia đình, nơi công cộng và hành chính công.

Trong giai đoạn sắp tới sẽ tiếp tục soạn những tài liệu văn hoá ứng xử cho phù hợp, làm sao xây dựng lối sống văn hoá trong từng con người, trong gia đình để từ đó xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư của TP.HCM. Việc xây dựng những tài liệu này được xem như là một khuôn khổ để người dân xem đó như là chuẩn mực thực hiện ở nơi công cộng.

Xếp hàng ở thung lũng Tình Yêu

Thung lũng Tình Yêu (TP Đà Lạt) vào ngày lễ tình nhân trùng ngày nghỉ cuối cùng của kỳ nghỉ tết nên nườm nượp du khách.

Ngoài cung đường tình yêu tràn ngập hoa và hình trái tim thì bến thuyền thiên nga (đạp vịt) là điểm thu hút du khách mọi lứa tuổi. Khách nhiều trong khi số lượng thiên nga hạn chế nên bến thuyền đông đặc người, cho dù đã 12g trưa. Nhưng tuyệt nhiên không hề có cảnh chen lấn, xô đẩy, giành giật nhau!

Có hai lý do của tình trạng đông-đúc-nhưng-trật-tự này, vốn là cảnh hiếm trong mùa lễ hội ở xứ mình. Thứ nhất, ban quản lý bến thuyền sử dụng sêri trên vé làm số thứ tự. Nhân viên phục vụ đọc đến số nào thì chủ nhân tấm vé đó lên thuyền, không có ngoại lệ. Vậy là dòng người kiên nhẫn và yên tâm chờ đợi đến số của mình.

Thứ hai là ý thức của du khách. Ai cũng muốn được nhanh chóng đặt chân lên thiên nga để thả mình trên mặt hồ phẳng lặng, đắm chìm trong không gian thoáng đạt, yên ả của thung lũng Tình Yêu.

Tuy nhiên, trước thái độ kiên quyết không phục vụ những người phá hàng trước sự kiên nhẫn của hàng trăm du khách đang xếp hàng đợi dưới trời trưa nắng, gần như không ai dám chen lấn để trở thành “quái vật” trong con mắt của đồng loại.

Số thứ tự của chúng tôi là 69, ngồi kế bên là cặp vợ chồng trẻ và cậu con trai chừng 5 tuổi mang vé có số 73. Ái ngại vì thấy em bé chờ lâu, sốt ruột, chúng tôi nhỏ nhẹ lên tiếng với bà mẹ trẻ với thiện chí đổi vé cho họ để bé sớm được lên thuyền.

Thật kinh ngạc, cả hai vợ chồng cảm ơn và nói rằng họ sẽ chờ đến lượt mình rồi lên, xin không nhận “biệt đãi” kia.

Người mẹ giải thích thêm rằng vợ chồng chị từ TP.HCM đưa con đi du lịch đồng thời cũng là đi học, mà bài học xếp hàng giữa trời trưa nắng như thế này chắc chắn sẽ sinh động và “dễ thuộc” hơn nhiều lần so với những lời rao giảng trong sách vở mà con chị vẫn học hằng ngày.

Câu chuyện của chị gợi lại cho tôi đúng một năm trước khi đang ở TP San Jose, bang California, Mỹ. Trong khi xếp hàng chờ thanh toán tiền ở một siêu thị, đứng ngay sau tôi là một cô bé, trên tay cầm mấy món đồ chơi.

Phản ứng “kính già nhường trẻ” xuất hiện ngay lập tức, tôi đứng né sang một bên, nhường cho bé lên trước. Tuy nhiên, ba của cô bé đứng liền ngay phía sau không chịu, ông ra hiệu tôi cứ lên tính tiền khi đến lượt…

Sẵn sàng không nhận những gì không thuộc về mình – nhân cách này hóa ra được dạy một cách đơn giản nhưng sinh động ngay từ bé và ngay trong bài học giản dị mang tên “xếp hàng”. Từ bé được dạy dỗ tử tế như vậy, lớn lên khó có thể chen lấn, phá hàng; càng khó có thể vơ vét, thu vén những thứ không phải của mình, không thuộc về mình.

Và xét ở một phạm vi lớn hơn, khó có thể có những hành vi như tham ô, tham nhũng. Vì có những lúc mình hoàn toàn có thể lấy những thứ mà không ai hay nhưng trời biết, đất biết và chính mình biết.

Chính cái “chính mình” đó sẽ ngăn mình lại, sẽ là quan tòa phán quyết, chặn đứng hành vi đó. Khởi thuỷ của vị quan toà đặc biệt này có lẽ phần nào mang dấu ấn của bài học thời ấu thơ: xếp hàng!

SƠN THỊNH (TP.HCM)

PGS -Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn:

Xã hội cần thể hiện thái độ đối với hành xử chưa văn minh

Thói quen không xếp hàng có nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân sâu xa xuất phát từ nền văn minh lúa nước, tùy ứng, cái gì tiện là làm, đôi khi các tiện cho mình gây bất tiện cho người khác. Thói quen này hình thành từ lâu đời nên khó có thể sửa một thời gian ngắn.

Giải pháp cho vấn đề này nói gì thì nói cũng phải bắt đầu từ giáo dục. Ở các trường mầm non, tiểu học, việc dạy và hướng dẫn việc xếp hàng rất tốt nhưng thực tế thời gian qua khi học sinh bước qua bậc trung học trở lên vấn đề này dường như ít được quan tâm hơn, có thể cho rằng đây là những chuyện giản đơn nên không quan trọng và hành vi này không còn được xem là một yêu cầu chuẩn mực về văn hóa nữa.

Đây là quan niệm sai, bởi vì thói quen văn minh cũng cần được duy trì lâu dài. Hiện nay một số trường đại học nghĩ ra những cách định hướng văn hóa xếp hàng này bằng những ngôn từ, hình ảnh vui tươi, dí dỏm tạo sự ấn tượng như những câu slogan: “Xếp hàng hòa cả làng”… nên người khác vui vẻ để thực hiện.

Một giải pháp khá quan trọng, trong giáo dục tại các trường cần có chương trình tôn vinh những hành vi văn minh của con người một cách liên tục. Song song đó, chúng ta cũng nên quan tâm giáo dục ở gia đình, cha mẹ vẫn là người làm gương, chuẩn hành vi cho con em từ lúc nhỏ và duy trì trong một thời gian dài. Bản thân cha mẹ phải phân tích và thể hiện thái độ rõ ràng, rạch ròi đối với những hành vi tiêu cực.

Về phía xã hội cũng cần quan tâm việc giáo dục ý thức cộng đồng, hành vi văn minh, cần thể hiện thái độ rõ ràng đúng hoặc sai đối với những hành vi không văn mình nơi công cộng.

Người nước ngoài khi chứng kiến những hình ảnh không xếp hàng họ phản ứng rất rõ ràng, nghiêm túc nhưng người Việt của mình thì hay cho qua, có tâm lý cả nể xí xóa. Việc tỏ thái độ nghiêm túc rõ ràng, thậm chí có hình thức chế tài đối với những ứng xử tiêu cực sẽ giúp người ta điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với văn minh nơi công cộng.

QUANG KHẢI – MAI HOA ghi