19/11/2024

Tết đánh nhau nhiều gấp 6 lần đụng xe

Bảy ngày nghỉ tết, gần 4.000 người Việt nhập viện vì đánh nhau. Mặc dù số người vào viện vì lý do lãng xẹt này có giảm so với tết năm ngoái nhưng số tử vong tăng vọt.

 

Tết đánh nhau nhiều gấp 6 lần đụng xe

Bảy ngày nghỉ tết, gần 4.000 người Việt nhập viện vì đánh nhau. Mặc dù số người vào viện vì lý do lãng xẹt này có giảm so với tết năm ngoái nhưng số tử vong tăng vọt. 

 

Tết đánh nhau nhiều gấp 6 lần đụng xe
Một vụ đánh nhau sau khi rượu vào – Ảnh: T.T.D.

Đáng chú ý, số vụ đánh nhau trong dịp Tết Bính Thân nhiều hơn 6 lần so với số vụ tai nạn giao thông trong cùng thời gian…

Những con số này lặp đi lặp lại hằng năm, khiến ngày tết cổ truyền vốn là dịp đoàn tụ, là khởi đầu quan trọng của năm trở thành nỗi buồn đối với nhiều gia đình. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hoàng Bá Thịnh (ĐH KHXH&NV Hà Nội) nói:

Có thể thấy, cứ mỗi dịp tết đến xuân về thì hàng ngàn người nhập viện vì đánh nhau đã trở thành chuyện “không có gì bất thường”.

Cứ nhìn con số thống kê mấy tết gần đây thì rõ: tết 2012 gần 4.000 trường hợp nhập viện vì đánh nhau, dịp tết 2013 cả nước có hơn 4.700 trường hợp, tết 2015 cả nước có 6.200 trường hợp và tết 2016 cả nước có gần 4.000 trường hợp.

Rõ ràng, đây là một hiện tượng xã hội đáng lo ngại về hành vi ứng xử của con người.

* Theo ông, đâu là lý do dẫn đến tình trạng này?

– Có những ý kiến cho rằng các ngày tết người dân được dịp nhậu nhẹt thả dàn, rượu bia uống tràn nhiều hơn ngày thường nên dễ dẫn đến nói chuyện với nhau bằng tay chân, thậm chí cả bằng dao, bằng gậy.

Đúng là một khi đã uống rượu quá đà, khó mà kiểm soát lời ăn tiếng nói, dễ xúc phạm nhau và nổi khùng, xảy ra xô xát, bạo lực. Nhưng xem xét hiện tượng cứ mỗi dịp xuân về lại có vài ngàn người đón tết trong bệnh viện vì đánh nhau, hàng chục người mất tết vì tử vong, cần nhìn hiện tượng này từ quan điểm văn hoá.

Thứ nhất, văn hoá rượu bia và nam tính. Người Việt Nam từ xưa có văn hoá “chén rượu xã giao” để mở đầu câu chuyện dường như đã bị lạm dụng và hiểu không đúng.

Nam giới không uống rượu không đáng mặt là đàn ông, bị gán nhãn là “đàn ông mặc váy”, hoặc phải “ngồi xuống mâm dưới”.

Vì thế, những người ham bia rượu lẫn người không ham rượu bia cũng lợi dụng câu nói trên để khích bác nhau, thách thức nhau thể hiện tửu lượng của mình, uống nhiều mới đáng mặt anh hào, mới xứng đáng là đấng nam nhi.

Trong khi ý nghĩa thật sự của câu nói ấy không phải biết uống rượu mới đáng mặt đàn ông, mà cha ông ta nhắc nhở cháu con rằng là nam giới phải cứng rắn, mạnh mẽ vì ngày xưa chỉ những người mạnh mẽ mới dùng rượu.

Uống chỉ đến mức phấn chấn, suy nghĩ những điều có lợi cho hạnh phúc gia đình và cho đất nước, đó mới thật sự là người sành rượu.

Thứ hai, văn hoá tuổi tác. Người Á Đông và người Việt có xu hướng “trọng tuổi” (đề cao tuổi tác), mối quan hệ ứng xử theo tuổi “kính trên nhường dưới” vốn là một nét văn hoá đẹp nhưng cũng bị hiểu sai và lạm dụng.

Những bậc cha chú, thường cậy mình là bề trên lên giọng dạy dỗ con cháu, trong những bữa nhậu ngày tết vẫn không bỏ được thói gia trưởng, rượu vào nặng lời xúc phạm đến con, đến cháu và trong số đó có những cháu, con không chịu nổi đã vặc lại dẫn đến xô xát, đánh chửi, đâm chém nhau.

Liên quan đến tuổi tác, có thể nhận thấy đa số các vụ đánh nhau trong dịp tết đều do thanh thiếu niên gây ra. Họ vừa là thủ phạm đồng thời cũng là nạn nhân của tuổi trẻ bồng bột, hiếu thắng và sĩ diện với bạn bè, người khác.

* Kỹ năng sống là điều mà thanh thiếu niên hiện nay rất thiếu, các bạn trẻ ngày nay trở nên yếu mềm, khó tự lập hơn so với thế hệ trước. Ông nghĩ thế nào về quan điểm này?

– Thật ra không phải là thiếu hoàn toàn kỹ năng sống, mà một bộ phận người Việt Nam, nhất là thanh thiếu niên, thường thiếu nhân văn trong cách ứng xử, không có kỹ năng xử lý tình huống. Nhiều khi chỉ là những va chạm nhỏ cũng đẩy lên thành xung đột dẫn đến bạo lực.

Điều này cho thấy nếu được trang bị cách xử lý tình huống khi có va chạm, xung đột thì sẽ giảm được rất nhiều vụ đánh nhau không chỉ vào dịp tết mỗi năm, và các bệnh viện sẽ không bị quá tải vì phải cấp cứu, chữa trị cho những ca chấn thương vì đánh nhau mỗi dịp tết đến xuân về.

* Muốn hạn chế những câu chuyện đáng buồn này, theo ông, cần làm gì?

– Chúng tôi nói ở trên là nhìn hiện tượng đánh nhau ngày tết từ chiều cạnh văn hoá, những gì hay, đẹp trong truyền thống vì chưa được hiểu đúng và toàn diện đã dẫn đến những bất cập trong ứng xử, trong lối nghĩ của nhiều người.

Và khi rượu vào thì lời ra và dễ dẫn đến xô xát. Mỗi gia đình, mỗi cộng đồng nên có cách giáo dục lớp trẻ của riêng mình, bên cạnh những quy định của quốc gia về cấm hay hạn chế tác hại bia rượu, mỗi thanh niên biết thời gian tuổi trẻ của mình là rất đáng quý và xung quanh các bạn có rất nhiều thứ hay, đẹp cần khám phá chứ không chỉ là triền miên bên chén rượu cốc bia mới là thể hiện bản lĩnh… thì tôi cho rằng sẽ dần hạn chế tình trạng xấu này.

* Ông nói giới trẻ không phải thiếu kỹ năng sống mà là thiếu kỹ năng ứng xử nhân văn. Nhưng muốn được như vậy, phải bắt đầu từ đâu?

– Tôi cho là bên cạnh việc giáo dục, nhất là thanh thiếu niên, hiểu  đúng về văn hóa rượu bia, cần tăng cường trang bị kỹ năng sống cho giới trẻ, giáo dục các em trau dồi tri thức, cách ứng xử đậm chất nhân văn, thể hiện mình qua những việc làm có ích cho cộng đồng, xã hội…

Những ngày giá lạnh kỷ lục vừa qua ở miền Bắc, rất nhiều bạn trẻ đã tự tổ chức những chuyến tình nguyện lên vùng cao để đem quần áo đến cho trẻ em nghèo.

Những bạn trẻ đã tổ chức được những hành trình nhân văn như vậy tôi cho là sẽ ít để xảy ra chuyện đánh nhau chỉ vì muốn thể hiện bản thân hoặc vì con gà tức nhau tiếng gáy.

 

Các bạn trẻ hãy nhớ hành vi bạo lực gây thương tật cho người khác là vi phạm luật pháp, đồng thời làm tổn thương đến người thân, gia đình và bạn bè. Mà quan trọng hơn là tổn thương con người và hình ảnh của chính các bạn.