Càng khoe thông tin cá nhân, càng dễ bị tấn công
Càng “khoe” thông tin cá nhân, đời sống riêng tư nhiều trên mạng xã hội, bạn càng dễ bị tội phạm mạng, trộm cướp, lừa đảo “ghé thăm”.
Càng khoe thông tin cá nhân, càng dễ bị tấn công
Càng “khoe” thông tin cá nhân, đời sống riêng tư nhiều trên mạng xã hội, bạn càng dễ bị tội phạm mạng, trộm cướp, lừa đảo “ghé thăm”.
Tội phạm mạng luôn rình rập người dùng mọi lúc mọi nơi. – Ảnh minh hoạ |
Theo khảo sát của các công ty bảo mật, đông đảo người dùng hiện nay chưa ý thức được rằng thông tin cá nhân của mình có thể bị công khai qua những kênh thông tin trên mạng, đặc biệt là mạng xã hội phổ biến như Facebook.
Điều này đang tạo cơ hội cho tội phạm mạng, những kẻ trộm cắp, lừa đảo ngoài đời thật dễ dàng tìm hiểu thông tin, theo dõi tìm cách tấn công.
Làm gì cũng “khoe”
Công ty bảo mật Kaspersky Lab vừa công bố một khảo sát với kết quả gần 1/3 (30%) người dùng mạng xã hội hiện nay chia sẻ bài viết, check-in và các thông tin cá nhân không chỉ cho bạn bè của mình, tức là để ở dạng công khai (public) cho bất kỳ ai cũng xem được.
Trong khi thực tế ngay cả nhiều người chỉ chia sẻ thông tin, đời sống cá nhân cho vài người bạn trên Facebook cũng có thể bị lộ ra bên ngoài thông qua các lỗ hổng bảo mật.
“Người dùng mạng xã hội đang chơi một trò chơi nguy hiểm khi thiếu hiểu biết về mạng và chủ yếu là cho người lạ dễ dàng truy cập vào thông tin cá nhân và thông tin riêng tư của mình. Với hồ sơ mạng xã hội bao gồm một khối lượng lớn thông tin từ sinh nhật đến địa chỉ và kế hoạch kỳ nghỉ, sẽ chẳng mất quá nhiều công sức để tội phạm mạng tìm và khai thác thông tin có giá trị, hoặc ăn cắp danh tính của bạn. Điều này thậm chí còn dễ dàng hơn khi bạn vô tình kết bạn với chúng”. |
Nếu chịu khó theo dõi trang Facebook của một người thường xuyên chia sẻ các thông tin, hình ảnh cá nhân, cuộc sống hằng ngày của mình, chúng ta sẽ không khó hiểu rõ được đời sống cá nhân, công việc, cách thức sinh hoạt của họ. Với kẻ xấu, đây là những căn cứ rất hữu ích cho “kế hoạch kiếm chát” của chúng.
Thế nhưng người dùng lại rất chủ quan, 9% số người trả lời khảo sát không nghĩ rằng những người ngoài danh sách bạn bè có thể nhìn thấy trang và các bài viết của mình, khiến thông tin cá nhân của họ dễ dàng rơi vào tay kẻ xấu, hoặc thậm chí bị tội phạm sử dụng để trộm danh tính và gian lận tài chính.
Nghiên cứu cũng cho thấy người dùng đang tự đặt mình vào nguy hiểm khi thêm bạn bè một cách dễ dãi.
Chẳng hạn 12% số người được khảo sát chấp nhận thêm bất cứ ai vào danh sách bạn bè mà không quan tâm mình có biết người đó hay không. 1/3 (31%) số người dùng cũng sẽ kết nối với những người mình không biết nếu họ có bạn chung.
Việc này có thể tiết lộ bản thân với nhiều người lạ, thậm chí là công ty quảng cáo hay tội phạm mạng, kẻ lừa đảo.
Về sự tin tưởng “bạn bè”, ¼ (26%) số người được khảo sát sẽ không do dự kích chuột vào một liên kết được gửi từ một người bạn mà không hỏi đó là gì, cũng không tính đến khả năng tài khoản của người gửi đã bị hack.
Lừa đảo tràn lan
Chính những kẻ hở trên đã khiến nhiều người dùng Facebook tại Việt Nam đang trở thành đối tượng của những kẻ tấn công mạng, săn thông tin cá nhân, tiến hành các hành vi lừa đảo, hoặc của bọn trộm cướp theo dõi để chọn thời điểm ra tay.
Trong năm qua, chúng ta đã từng nghe về rất nhiều vụ lừa đảo, tấn công xuất phát từ các thông tin chia sẻ trên mạng xã hội: mua hộ thẻ cào, thông báo trúng thưởng, trộm cướp…
Theo tổng kết tình hình an ninh mạng Việt Nam năm 2015 của Công ty an ninh mạng Bkav, 93% người sử dụng Facebook tại Việt Nam cho biết thường xuyên gặp phiền toái với tin nhắn rác, nội dung đồi truỵ hay liên kết giả mạo có cài mã độc trên Facebook.
Theo các chuyên gia của Bkav, không chỉ quấy rối, “rác” trên mạng xã hội còn mang theo nguy cơ “móc túi” người dùng với các nội dung lừa đảo như trúng thưởng khủng, khuyến mãi hấp dẫn…
Thống kê từ hệ thống giám sát của Bkav cũng cho thấy, mỗi tháng lại có thêm hơn 1.000 trang giả mạo Facebook được lập ra nhằm đánh cắp tài khoản của người sử dụng. Sau đó tài khoản bị đánh cắp sẽ được sử dụng để tiếp tục phát tán mã độc hoặc để lừa đảo, phổ biến nhất là chat với bạn bè của nạn nhân lừa nạp thẻ điện thoại.
Nên thiết lập riêng tư trên Facebook Để đảm bảo việc chia sẻ trên mạng xã hội không gặp nguy hiểm, Kaspersky Lab khuyên người dùng Internet nên thận trọng về người mà họ kết bạn và trang web truy cập vì mọi thứ không như vẻ bề ngoài. Nếu nghi ngờ, đừng chấp nhận yêu cầu kết bạn hoặc nhấp chuột vào một liên kết mà bạn không muốn. Đặc biệt, việc thiết lập riêng tư trong các tài khoản mạng xã hội là rất cần thiết, để đảm bảo chỉ có bạn bè thực sự của bạn mới có thể cập nhật được trạng thái bạn chia sẻ. Các chuyên gia cũng Bkav khuyến cáo khi tham gia mạng xã hội, người sử dụng cần chủ động xác minh lại các thông tin nhận được và không làm theo hướng dẫn trên các website chưa tin cậy. |