24/12/2024

Tránh ngộ độc mùa lễ hội

Độc tố tự nhiên trong thực phẩm “lạ”, lạm dụng đồ uống có cồn, bồi bổ không đúng cách… là những yếu tố gây ngộ độc có thể gặp trong mùa tết và lễ hội.

 

Tránh ngộ độc mùa lễ hội

 

Độc tố tự nhiên trong thực phẩm “lạ”, lạm dụng đồ uống có cồn, bồi bổ không đúng cách… là những yếu tố gây ngộ độc có thể gặp trong mùa tết và lễ hội.





Dùng thực phẩm an toàn là niềm vui cho cả nhà	- Ảnh: Shutterstock

 

Dùng thực phẩm an toàn là niềm vui cho cả nhà – Ảnh: Shutterstock

Sự cố từ “tẩm bổ” đón tết

Bệnh nhân nam 53 tuổi (quê Quảng Ninh) đang điều trị tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) do bị viêm gan, suy gan cấp sau khi uống thuốc bắc để bồi bổ sức khoẻ. “Tôi đang bình thường nhưng vẫn đi cắt thuốc bắc để uống, tăng cường sức khỏe đón tết. Nhưng sau một đợt uống bỗng thấy người chán ăn, mệt mỏi nên lên khám tại Trung tâm chống độc. Tại đây xét nghiệm cho biết tôi bị nhiễm độc do lưu huỳnh”, bệnh nhân kể. Các bác sĩ nhận định, hoá chất này được tẩm ướp trong các vị thuốc để chống nấm mốc, nhưng có thể do nồng độ quá cao khiến bệnh nhân uống phải gây viêm gan.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm chống độc tư vấn: nếu cơ thể đang khoẻ mạnh bình thường thì không cần thiết phải bồi bổ, nên có chế độ ăn uống tập luyện để duy trì sức khoẻ, đặc biệt là không nên tự ý bổ sung các chất, các vị thuốc mà không biết rõ tác dụng.
Bác sĩ cũng cho biết thêm, dịp cuối năm, mùa lễ tết là thời điểm ghi nhận bệnh nhân nhập viện sau khi nuốt mật cá trắm để tăng cường sức khoẻ, trị bệnh mãn tính. “Chưa có nghiên cứu khoa học nào xác định mật cá trắm các tác dụng bổ dưỡng hay trị bệnh. Ngược lại, nhiều bệnh nhân đã nhập viện do viêm gan, suy gan, suy thận cấp sau khi nuốt mật cá trắm”, bác sĩ Nguyên lưu ý.
Ngộ độc do độc tố tự nhiên
“Gần đây có xu hướng thích lựa chọn sản phẩm độc đáo, lạ để thưởng thức ngày tết. Tuy nhiên, rất cần cẩn trọng với các loại thực phẩm như vậy. Bởi nếu đó không phải là sản phẩm từng được sử dụng phổ biến, có thể chúng tồn tại độc tố tự nhiên mà chưa được phát hiện”, bác sĩ Nguyên lo ngại. Theo chuyên gia này, các sản phẩm độc đáo, lạ cũng có nguy cơ bị ô nhiễm các vi sinh vật, nấm trong môi trường, có độc tố tự nhiên. Nhiều độc tố không mất đi trong quá trình chế biến sẽ gây độc cho cơ thể. Tuỳ mức độ khác nhau, có thể gây tiêu chảy đau bụng dữ dội, nôn, thậm chí một số chất gây độc thần kinh biểu hiện tê môi, co giật. Ngộ độc nặng có thể tử vong.
Với món ăn thông dụng nhất như măng, các chuyên gia cũng lưu ý khi chế biến bởi măng tre có độc tố tự nhiên là xianua khiến người ăn bị ngộ độc. “Nên dùng măng đã muối chua, trước khi chế biến làm món ăn cần luộc kỹ, chắt bỏ nước để loại bỏ thành phần có thể gây ngộ độc”, bác sĩ Nguyên tư vấn.
Ngộ độc rượu
Theo Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, ngộ độc rượu do lạm dụng, uống quá nhiều, uống triền miên, đang tăng trong các tuần gần đây. Tình trạng uống rượu “quên” ăn dẫn đến hạ đường huyết, mất não, tử vong là nguy cơ có thể gặp ở bệnh nhân lạm dụng rượu quá mức.
Đặc biệt nguy hại với trường hợp ngộ độc do rượu giả (chứa cồn công nghiệp methanol). Methanol là hoá chất cấm sử dụng trong thực phẩm. Rượu chứa cồn công nghiệp ban đầu có thể gây say như rượu thông thường với biểu hiện buồn nôn, đau đầu nhưng sau đó gây độc rất mạnh cho thần kinh khiến người uống có thể bị mù, suy gan, suy thận và nguy cơ tử vong rất cao. “Chỉ nên sử dụng rượu có nguồn gốc rõ ràng. Nhưng với rượu được công bố chất lượng cũng cần uống có kiểm soát”, bác sĩ Nguyên đặc biệt lưu ý.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, để giảm thiểu nguy cơ ngộ độc rượu, mỗi người không nên uống quá hai đơn vị cồn/ngày với nam giới; một đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá 5 ngày trong một tuần. Một đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai/lon bia 330 ml (5%); 1 ly rượu vang 100 ml (13,5%); 1 cốc bia hơi 330 ml hoặc 1 chén rượu mạnh 30 ml (40%).
“Thực phẩm nấu xong nếu để trong ngăn mát tủ lạnh, thì không tuyệt đối ăn toàn, bởi ở nhiệt độ đó chỉ kìm hãm vi khuẩn phát triển chứ không thể ngăn chặn. Ngăn mát không thể giúp bảo quản thực phẩm dài ngày. Nếu thực phẩm để bên ngoài thì không nên quá 2 giờ. Đáng lưu ý, thực phẩm giàu protein như cá, thịt rất dễ ô nhiễm và là môi trường rất thuận lợi để vi khuẩn phát triển. Một số vi khuẩn có độc tố mạnh, lỡ ăn những thực phẩm này có thể bị đau bụng dữ dội, nôn, tiêu chảy gây mất nước, mất điện giải, sốt”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm chống độc – Bệnh viện Bạch Mai cho biết.

Liên Châu