24/12/2024

Karaoke đâu phải lúc nào cũng vui!

Chưa ai thống kê xếp hạng chính thức, nhưng dám chắc VN có thể được liệt vào top các quốc gia thích hát karaoke nhất thế giới. Về đại thể, hát karaoke lúc nào cũng vui, nhưng đôi khi cũng lắm chuyện buồn.

 

Karaoke đâu phải lúc nào cũng vui!

 

Chưa ai thống kê xếp hạng chính thức, nhưng dám chắc VN có thể được liệt vào top các quốc gia thích hát karaoke nhất thế giới. Về đại thể, hát karaoke lúc nào cũng vui, nhưng đôi khi cũng lắm chuyện buồn.





Minh họa: DAD

Minh hoạ: DAD


Nhà nhà hát karaoke – người người hát karaoke

Không biết karaoke du nhập vào VN khi nào, chỉ biết rằng nó đã được một người có tên Inoue Daisuke phát minh vào năm 1971 ở TP.Kobe, thuộc vùng Kansai phía nam Nhật Bản. Tôi có đến vùng này của Nhật Bản và cảm nhận một điều: mật độ các quán karaoke tại đây không dày đặc như ở nhiều thành phố của VN, nhất là Sài Gòn. Điều đó chứng tỏ người Việt rất thích hát karaoke. Ngày nay, sau một chầu liên hoan, tiệc tùng vui vẻ, đa phần đều rủ nhau đi “tăng hai”, không phải đi uống bia ôm mà là đi hát karaoke. Theo lời một số bợm nhậu, sau khi uống thấy… tưng tưng, trước khi về nhà, ghé vào tiệm karaoke làm một vài bài “hùng tráng” đại loại như 5 anh em trên một chiếc xe tăng cho nó hả hơi. Nghe cũng có lý. Bên cạnh karaoke, phòng trà và những tụ điểm “hát với nhau” cũng mọc lên như nấm.
Nói người Việt yêu ca hát “có hạng” trên thế giới chắc cũng không ngoa. Cứ xem các chương trình trên truyền hình thì ắt hiểu: Vietnam Idol, Vietnam Got Talent, Giọng hát Việt, The Voice Kids, Tiếng hát mãi xanh, Bài hát yêu thích, Vầng trăng cổ nhạc, Thay lời muốn nói, Solo cùng bolero, Thần tượng âm nhạc, Thần tượng bolero, Vợ chồng mình hát… Hồi xưa bán kẹo kéo làm gì có ai hát hò, nhưng giờ đã khác, mấy anh chàng bán kẹo kéo dạo mỗi tối phải lấy lời hát thay cho lời rao, thường là những bài bolero sướt mướt nghe rất “đã”. Phải thừa nhận phần lớn trong số họ hát khá mùi. Nếu được phép, tôi sẽ không ngần ngại bổ sung vào chương trình truyền hình thực tế của VN show “Tiếng hát những người bán kẹo kéo” hoặc “Tiếng hát ca sĩ đường phố”, đại loại vậy. Cho dù ca hát ở VN có khá nhiều dạng, nhưng nếu xét về tính phổ biến và tiện dụng, karaoke vẫn là loại hình giải trí được ưa chuộng nhất hiện nay.
Về lý thuyết, những người yêu ca hát đa phần đều sống vui vẻ với cái tâm trong sáng và tấm lòng cởi mở. Thế nhưng trong thực tế cuộc sống không phải lúc nào cũng y như vậy. Thậm chí có anh chàng tên Phạm Đình Nghĩa (19 tuổi) vào một buổi tối nọ cùng với nhóm bạn đến tiệm của ông Võ Minh Nhật ở TX.Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hoà) gọi cửa để vào hát karaoke. Vì đã quá giờ quy định, chủ tiệm từ chối. Bực bội vì không được hát hò, Nghĩa đã làm một điều ít ai dám nghĩ đến: phóng hỏa đốt quán karaoke của ông Nhật. Kẻ đốt quán karaoke sau đó bị tòa án tuyên phạt 12 tháng tù giam về tội huỷ hoại tài sản. Rất may vụ đốt quán ấy không gây thiệt hại về nhân mạng.
Hát hò ra án mạng
Tôi có nhóm bạn toàn nhà báo thường gặp nhau định kỳ hằng tháng để hát karaoke tại một địa điểm tao nhã, lịch sự ở Q.3, TP.HCM. Khi đã có mặt đông đủ, đến khi chọn bài thì người này đẩy qua người kia, không ai chịu hát trước. Có người tự thú mình hát không hay, nên nhường cho “ca sĩ thứ thiệt” hát trước. Còn “ca sĩ thứ thiệt” thì biện minh rằng: phải làm vài ve hát mới có hơi, mới có hồn, chứ chưa làm chai bia nào hát nghe… dở ẹc. Đồng nghiệp của tôi dễ thương ở chỗ đó, thiệt tình, không màu mè và biết nhường nhịn. Nếu cuộc sống này ai cũng đều dễ thương như vậy thì chẳng có gì phải bàn.
Chuyện nhường nhau hát trước không phải logic trong cuộc sống hiện đại, vì cũng có trường hợp không ai chịu nhường ai, đến sau hát trước, đến trước hát sau thế là sinh chuyện. Đó là tình cảnh của hai nhóm bạn 3 người gồm: Đinh Khắc Quý, Đinh Khắc Phương, Đinh Khắc Thuần và nhóm 2 người gồm: Đinh Hữu Phong, Vũ Văn Thức, cùng ngụ H.Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng hẹn nhau đến hát hò tại một quán karaoke ở xã Lập Lễ, H.Thủy Nguyên. Trong lúc chọn bài, nhóm của Phong cho rằng nhóm của Quý đến sau nhưng lại giành hát trước nên xảy ra mâu thuẫn, cự cãi, rồi lao vào choảng nhau bằng dao và gậy gộc. Hậu quả: nhóm 3 người có Đinh Khắc Phương bị đâm chết, Đinh Khắc Quý và Đinh Khắc Thuần trọng thương; nhóm kia tẩu thoát.
Tôi có đám bạn “4 nhà”: nhà giáo, nhà báo, nhà văn, nhà thơ tuần nào cũng gặp nhau định kỳ ở quán ăn trong con hẻm nhỏ trên đường Lương Hữu Khánh, Q.1, TP.HCM. Điều đặc biệt là chúng tôi chỉ ngồi đúng bàn số 13, không ngồi bàn khác, hơn chục năm nay đều ngồi y như vậy. Đó âu cũng là thói quen. Còn nếu đi hát karaoke ở Q.3 như đã nói ở phần trên, thì dứt khoát chọn phòng số 10. Phòng này có nội thất không khác gì so với mấy chục phòng khác, nhưng có lẽ do dàn loa và âm thanh “chuẩn không cần chỉnh” nên hát nghe “phiêu” hơn mấy phòng kia. Thói quen ấy định hình tự hồi nào không nhớ, chỉ biết rằng hễ rủ nhau đi hát karaoke thì biết chắc là hát ở địa điểm đó, vào phòng số 10.
Không biết có phải do thói quen giống vừa nói hay không mà nhóm bạn gồm: Nguyễn Hữu Tấn (24 tuổi), Trần Thanh Thắng và Nguyễn Vỹ (cùng 22 tuổi) đều trú thôn Hoà Đại, xã Cát Hiệp, H.Phù Cát, tỉnh Bình Định đang hát karaoke ở một tiệm nọ thì có nhóm thanh niên khác ở xã Cát Lâm bước vào phòng rồi “phán” một câu nghe lạnh xương sống: “Phòng này của tụi tao, tụi mày qua phòng khác hát!” Tức khí trước thái độ ngang ngược ấy, nhóm của Nguyễn Hữu Tấn lập tức đuổi đánh nhóm thanh niên “đòi phòng” kia. Lúc “chiến sự” đang diễn ra ác liệt, không biết trời xui đất khiến thế nào mà anh Nguyễn Văn Tập (19 tuổi, sinh viên một trường cao đẳng ở TP.HCM, quê ở xã Cát Hiệp, H.Phù Cát) tình cờ đi xe máy đến. Nhóm của Nguyễn Hữu Tấn tưởng chàng sinh viên là thành viên của nhóm kia nên xúm lại nện cho anh này một trận chết tươi. Nhóm giết người lãnh tổng cộng 40 năm tù đồng thời bồi thường cho gia đình anh Tập 114 triệu đồng.
Hát một mình cũng chưa chắc ăn
Đến tiệm karaoke hát hò sao thấy bất an quá, thôi ngồi ở nhà… hát một mình vậy. Một mình một cõi, chẳng liên lụy đến ai, đó là trường hợp của anh Nguyễn Văn Tín (45 tuổi, ngụ tỉnh Tây Ninh). Tối nọ, anh Tín được đưa đến cấp cứu ở bệnh viện trong tình trạng mặt tím, đồng tử giãn, bỏng lồng ngực, tim ngừng đập, ngưng thở. Sở dĩ thân thể bi đát như vậy là do sau khi đi nhậu về, anh Tín bật dàn máy karaoke ở nhà để hát. Chẳng biết có kịp hát được bài nào chưa, mãi đến 30 phút sau mới có người phát hiện anh nằm bất động đè lên cái micro. Mặc dù được đưa đi cấp cứu nhưng anh Tín đã tử vong do điện giật. Nếu lúc đó có thêm một vài người nữa hát chung, có lẽ tính mạng của anh Tín đã khác.
Tuy nhiên tìm người hát chung cũng chưa chắc đã ổn. Tại sao ư? Thì đây…
Kẻ liều mạng… “có hạng”
Buổi sáng đẹp trời nọ, có 2 người đàn ông đến một tiệm karaoke trên đường Đống Đa, P.Thị Nại, TP.Quy Nhơn (Bình Định). Sau khi chọn phòng, 2 vị khách kêu chủ tiệm mang bia, mồi và yêu cầu điều… 2 tiếp viên nữ vào hát chung cho thêm phần khí thế. Mọi yêu cầu của “thượng đế” được đáp ứng đầy đủ. Cuộc vui kéo dài đến 4 giờ chiều cùng ngày với tổng chi phí 1,14 triệu đồng. Lúc tính tiền, cả 2 vị khách đều “đứng hình” vì “mất khả năng chi trả”. Khi được đưa đến công an phường, kẻ “chủ xị” khai tên Nguyễn Quang Thường (39 tuổi, quê Hải Phòng) cho biết mình không nghề ngỗng gì ráo, đang sống… lang thang, thuê anh Đỗ Văn Trung (44 tuổi, chạy xe ôm) chở đi dạo phố biển rồi mời đến tiệm hát karaoke luôn cho chuyến “city tour” thêm phần trọn vẹn, mặc dù không có một xu dính túi. Chuyện dở khóc dở cười này chưa dừng lại ở đó.
Chỉ 4 ngày sau “sự cố” trên, Nguyễn Quang Thường tiếp tục rủ một người chạy xe ôm cùng hát karaoke ở một tiệm trên đường Phan Đình Phùng, cũng tại TP.Quy Nhơn. Sau khi cuộc vui kết thúc, lúc tính tiền 661.000 đồng, “chủ xị mặt dày” tái diễn cảnh “đứng hình”, báo hại anh xe ôm phải vét hết tiền trong túi được 300.000 đồng đưa cho chủ tiệm karaoke, coi như thanh toán 50% phần của mình. Khi rời tiệm karaoke, kẻ “chịu đấm ăn xôi” tên Nguyễn Quang Thường đã bị nhóm thanh niên lạ mặt chặn đường… đấm cho một trận bầm dập, phải nhập viện cấp cứu, may là chưa tắt thở, qua hôm sau sức khoẻ mới dần hồi phục. Công an sau đó buộc phải trục xuất tên Thường ra khỏi địa phương do những “thiệt hại kinh tế” lẫn “tổn thương tình cảm” mà hắn gây ra cho nhiều người. Đúng là “rảnh rỗi sinh nông nỗi”.
Vậy đó, đâu phải karaoke lúc nào cũng vui!

Đoàn Xuân Hải