23/01/2025

Mở rộng tri thức về lễ tết

Đang có nhiều hoạt động trong các trường học, bảo tàng, địa điểm văn hoá… tại Hà Nội hướng đến việc giúp người trẻ hiểu biết về những phong tục, tập quán trong dịp tết cổ truyền VN.

Mở rộng tri thức về lễ tết

 

Đang có nhiều hoạt động trong các trường học, bảo tàng, địa điểm văn hoá… tại Hà Nội hướng đến việc giúp người trẻ hiểu biết về những phong tục, tập quán trong dịp tết cổ truyền VN.





Trẻ nhỏ được học cách gói bánh chưng - Ảnh: Ngọc Thắng

 

Trẻ nhỏ được học cách gói bánh chưng – Ảnh: Ngọc Thắng


GS Ngô Đức Thịnh, Uỷ viên Hội đồng di sản quốc gia từng nhiều lần đề nghị với Bộ VH-TT-DL cần có những chiến dịch truyền thông, mở rộng tri thức về lễ tết, lễ hội, tín ngưỡng cho dân chúng không phải bằng thuyết giảng mà qua những hình ảnh, trải nghiệm thực tế.
Nhiều người chưa rõ tục bày bàn thờ…
“Nguồn tri thức rất quan trọng về lễ hội, phong tục, nghi lễ mà mấy chục năm qua có lúc bị cho là phong kiến, mê tín dị đoan, nên đã cấm đoán, không cho hoạt động. Bởi vậy, thế hệ sau, nhất là thế hệ trẻ hiện nay, bị đứt đoạn không nối tiếp được truyền thống. Đây là những hoạt động rất cần thiết bởi thông qua đó, người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, hiểu được ý nghĩa của những phong tục, tập quán và biết cần làm cái gì cho đúng, cái gì nên làm”, GS Ngô Đức Thịnh nhìn nhận.
Chẳng hạn, ngay như việc bày bàn thờ ngày tết tưởng như là việc đơn giản, nhưng nhiều người cũng không hiểu rõ phong tục và làm không đúng. “Bàn thờ gắn với tầng trời, các đấng thần linh, không được để lên đấy những thứ trần tục như tiền hay đồ mặn. Những thứ đó cần phải đặt lên bàn khác phía trước”, nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền giải thích.
Không chỉ là những phong tục, tập quán, người trẻ còn cần hiểu biết về giá trị văn hoá của những ngày tết. Theo GS Ngô Đức Thịnh, giá trị quan trọng nhất chính là sum họp. “Người trong cùng một gia đình, một dòng tộc, một làng cùng sum vầy và đây cũng là dịp sum vầy của toàn dân tộc thông qua những nghi lễ liên quan đến Quốc tổ. Sum vầy không chỉ giữa những người sống mà còn giữa những người đang sống với người đã khuất”, ông cho hay.
Theo GS Thịnh, sum vầy còn có những ý nghĩa rất sâu xa: “Sum vầy là để đoàn kết. Đoàn kết như một cứu cánh của dân tộc chúng ta, nhất là trước sự đe doạ của giặc ngoại xâm. Đoàn kết cũng là tinh thần đứng hàng đầu trong những khẩu hiệu, tư tưởng. Đoàn kết để xây dựng đất nước phát triển, đoàn kết để giữ nước”.
Văn hoá cần được tiếp nối
Hoạ sĩ Trang Thanh Hiền đã khởi xướng dự án Cùng bé sáng tạo – Khám phá tranh tết, vừa diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật VN với nhiều hoạt động như giúp trẻ tự tay in tranh Đông Hồ, vẽ tranh Hàng Trống… Đó là những dòng tranh dân gian mà người Việt xưa thường treo mỗi độ tết đến xuân về, giống như lời cầu chúc cho một năm mới an khang, thịnh vượng. “Tôi muốn thực hiện dự án này với các bậc phụ huynh và các em nhỏ, như thế văn hóa được tiếp nối, trao truyền qua nhiều thế hệ. Tình yêu văn hoá dân tộc đang mai một dần sẽ được khơi dậy trở lại”, hoạ sĩ Trang Thanh Hiền chia sẻ. Bà cho rằng: “Nếu không nuôi dưỡng những tâm hồn trẻ thơ với nghệ thuật truyền thống thì lớn lên chúng sẽ dễ bị cuốn theo cuộc sống hiện đại, khó quay lại với những gì thuộc về truyền thống dân tộc”.
Theo GS Ngô Đức Thịnh, giữa bối cảnh hội nhập, toàn cầu hoá rất mạnh, việc giữ gìn truyền thống là điều càng trở nên quan trọng. Ông lý giải: “Trên cơ sở truyền thống đó, chúng ta mới có cái “vốn” để đóng góp với mọi người khi hội nhập. Bạn bè quốc tế cũng rất thích những nét truyền thống đó. Giữ truyền thống còn có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi khi ta đánh mất ta rồi thì kẻ thù nào đến cũng dễ dàng cai trị ta. Còn khi ta ý thức ta khác với họ thì không ai có thể thống trị ta. Ý thức giữ gìn bản sắc quan trọng bởi nó có ý nghĩa sống còn với một đất nước”.
GS Thịnh cho rằng, những hoạt động để người trẻ hiểu về ngày lễ tết, lễ hội, tín ngưỡng cần được thực hiện kiên trì, lâu dài, ít nhất phải kéo dài trong 10 năm liên tục. “Khi người ta đã hiểu ý nghĩa của một việc gì đó thì người ta sẽ làm đúng hơn và người ta không bị lợi dụng, biến dạng, đồng thời giữ gìn được văn hoá truyền thống”, ông nói.
Học những điều tưởng chừng đơn giản
Chương trình tết Việt kéo dài từ ngày 29.1 – 3.2 tại Bảo tàng Hà Nội, trong đó có buổi trò chuyện của nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền về cách bày bàn thờ ngày tết, nghệ nhân Ánh Tuyết hướng dẫn cách chuẩn bị mâm cỗ tết cổ truyền…
Chương trình hội xuân (diễn ra từ 29.1 – 29.2) tại Hoàng thành Thăng Long, chương trình Khám phá tết Việt vừa diễn ra tại Bảo tàng Dân tộc học VN cũng tổ chức hướng dẫn làm bánh chưng, nấu mâm cỗ cổ truyền, trình diễn thư pháp, nặn tò he, in tranh Đông Hồ, trình diễn âm nhạc dân tộc… Khi tết đang đến gần, tại nhiều trường học từ mầm non cho đến đại học có tiết học đặc biệt: gói bánh chưng.

Ngọc An