23/01/2025

TP.HCM muốn tăng tốc 100km/giờ nhưng…

“Về cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, TP.HCM mong muốn tăng tốc đến 100 km/giờ mà thực tế chỉ chạy được chừng 20 km/giờ”

 

TP.HCM muốn tăng tốc 100km/giờ nhưng…

 

 

“Về cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, TP.HCM mong muốn tăng tốc đến 100 km/giờ mà thực tế chỉ chạy được chừng 20 km/giờ”

 

 

 

 

 

TP.HCM muốn tăng tốc 100km/giờ nhưng...
Ông Lê Hoài Trung, phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM – Ảnh: Tự Trung

Ông Lê Hoài Trung, phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, thẳng thắn chia sẻ như vậy với Tuổi Trẻ về những trở lực trong quá trình cải cách hành chính, xây dựng đội ngũ để đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển TP.HCM.

Theo ông Trung: ”Nhiều thứ muốn làm mà “chạy” không nổi vì còn nhiều trở lực, bị kéo ngang, kéo lùi đủ kiểu”

Ông Trung nói: tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, trong bài tham luận được đánh giá là “đầy quyết tâm”, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã nhấn mạnh cần quy hoạch minh bạch, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho địa phương.

Nhà nước không làm thay thị trường mà phải tạo môi trường thông thoáng để thị trường phát triển lành mạnh. Tôi cho rằng đây là vấn đề quan trọng có ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của TP.

Những người tham mưu, đề xuất xây dựng chính sách ở các bộ, ngành không có thực tiễn địa phương. Nhiều người đi học nước ngoài về, có bằng cấp mà không kinh qua thực tiễn nên đề xuất làm chính sách, làm luật mà không gắn với địa phương

Ông LÊ HOÀI TRUNG

Bộ máy chưa tương xứng

* Thưa ông, phải chăng từ trước đến nay, câu chuyện tổ chức bộ máy, phân cấp quyền hạn và trách nhiệm cho địa phương vẫn còn nhiều vấn đề 
chưa thỏa đáng?

– Về nguyên tắc, bộ máy nhà nước được hình thành từ cơ sở kinh tế. Sự tác động của Nhà nước vào kinh tế phải phù hợp thực tiễn của địa phương.

Cuộc sống luôn vận động phát triển, Nhà nước cũng phải vận động phát triển theo. Kinh tế đòi hỏi tổ chức bộ máy nhà nước phải phục vụ kinh tế – xã hội, tác động cho kinh tế – xã hội phát triển. Ngược lại, tổ chức bộ máy không phù hợp sẽ kìm hãm sự phát triển kinh tế.

Cứ lấy dẫn chứng thực tế, theo quy định hiện nay, cấp sở, cấp phòng có tổ chức bộ máy thống nhất, giống nhau trên toàn quốc. Sở nội vụ của TP.HCM và Hà Nội chỉ khác sở nội vụ của các tỉnh là được quyền có bốn phó giám đốc sở. Các tỉnh được có ba phó giám đốc.

Cấp phòng ở TP.HCM có ba phó phòng, còn ở các tỉnh có hai phó phòng. Đây là điểm khác biệt duy nhất. Tổ chức bộ máy như vậy chưa tương xứng với điều kiện kinh tế – xã hội, quy mô dân số.

Năm 2015, TP.HCM thu ngân sách 275.000 tỉ đồng. Bộ máy để điều hành TP buộc phải khác rất nhiều so với một tỉnh thu ngân sách mỗi năm chỉ vài ngàn tỉ đồng.

* Có vẻ như chúng ta đang làm theo một “quy trình ngược”, thay vì phân cấp mạnh hơn thì lại đang hướng đến tập trung quyền lực về một mối?

– Gần đây, có xu hướng từ luật đến nghị định đều được xây dựng trên tinh thần tập trung và tập quyền, tất cả đều phải xin ý kiến trung ương, dẫn đến chậm trễ nhiều việc, không phát huy được tính năng động, sáng tạo của địa phương.

Đơn cử một chuyện rất nhỏ như chuyện xét tuyển công chức không qua thi. Thạc sĩ loại giỏi trở lên thì được xét tuyển qua hai bài kiểm tra sát hạch. Khi chấm bài mà đạt thì TP phải trình Bộ Nội vụ thẩm định, mà thời gian chờ bộ thẩm định thì vô chừng.

Điển hình như vừa rồi có hai em cùng học một trường ở nước ngoài về. Một em tốt nghiệp loại giỏi được tham gia kiểm tra sát hạch.

Em kia chỉ tốt nghiệp loại khá, phải tham gia thi công chức, em này thi đậu và được TP bổ nhiệm ngạch xong rồi, trong khi em loại giỏi thì hồ sơ vẫn đang chờ Bộ Nội vụ thẩm định.

Tôi cho rằng đã đến lúc cần phải nhìn nhận nghiêm túc quan điểm phân cấp rõ ràng quyền hạn và trách nhiệm một cách có hệ thống. Cần mạnh dạn tháo bỏ những cơ chế “trói tay” địa phương. Phường, xã làm nhiệm vụ của phường, xã.

Tương tự, phân cấp quyền và trách nhiệm cho quận huyện, TP và trung ương, không đổ dồn từ trên xuống như lâu nay nữa.

Chứ như bây giờ thì cứ nhập nhèm, chuyện làm được thì ai cũng có thành tích, còn khi xảy ra hậu quả không tốt thì cấp dưới lãnh hết hay đem một cá nhân nào đó ra chịu. Như vậy là không công bằng.

Sẽ thí điểm cho người dân bầu chủ tịch phường

* Do đâu có tình trạng nhiều quy định cấp trên lại gây khó khăn cho cấp dưới trong triển khai thực hiện, kìm hãm sự năng động, sáng tạo?

– Hiện nay, tình trạng nhiều quy định của trung ương không phù hợp, “trói tay” địa phương có nguyên nhân là những người tham mưu, đề xuất xây dựng chính sách ở các bộ ngành không có thực tiễn địa phương.

Nhiều người đi học nước ngoài về, có bằng cấp mà không kinh qua thực tiễn nên đề xuất làm chính sách, làm luật mà không gắn với địa phương. Kiến nghị của địa phương không cảm nhận được, không hiểu được, dẫn đến không lắng nghe, 
không điều chỉnh.

Quy trình xây dựng pháp luật của chúng ta còn nhiều khâu phụ thuộc các bộ chủ quản, trong khi vai trò của đại biểu Quốc hội chuyên trách còn mờ nhạt.

Xu hướng tới đây cần phải tăng cường số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách, am hiểu sâu về nhiều lĩnh vực để quy trình xây dựng pháp luật được chặt chẽ, khách quan, sát thực tiễn hơn.

* Trong thời gian chờ đợi trung ương có những phân cấp sâu hơn cho TP, bản thân TP.HCM sẽ tự “cởi trói” bằng những sáng 
kiến nào?

– Trong nhiệm kỳ mới, chúng tôi quyết tâm thực hiện một số đột phá, mô hình, cách làm mới. Chẳng hạn, sắp tới sẽ tổ chức thí điểm cho người dân bầu chủ tịch phường, xã.

Ngoài ra, đang đề xuất tổ chức định kỳ sát hạch kiểm tra nguồn lực và xây dựng cơ chế thi để kiểm tra trình độ, 
năng lực cán bộ.

Hiện đánh giá công chức, viên chức theo nghị định của Chính phủ là chủ yếu định tính chứ chưa định lượng. Cứ thấy anh nào dễ thương, hiền lành, đi họp nhiều, không mắc khuyết điểm thì đánh giá “xuất sắc”.

Lý ra phải đo lường được kết quả thực tiễn anh làm được bao nhiêu. Cụ thể, anh có bao nhiêu đề án, đề xuất sáng kiến phục vụ tốt cho dân, giải quyết được bao nhiêu hồ sơ chính xác, đúng hẹn cho dân.

Mới đây, Sở Thông tin và truyền thông TP đã trình đề án thí điểm người dân đánh giá cán bộ công chức qua mạng – người dân sẽ ngồi ở nhà đánh giá từ ông chủ tịch quận huyện, ông giám đốc sở cho tới nhân viên – cái này trước đây đã thí điểm, bây giờ mở rộng ra thêm và tiến tới cho áp dụng đại trà.

* Ông Diệp Văn Sơn (chuyên viên cao cấp):

“Cái áo” cơ chế chung đã quá chật

Tôi nghĩ trung ương nên cho TP.HCM cơ chế tự chủ nhất định mà trong đề án về chính quyền đô thị đã đề cập. Nước ta có hai siêu đô thị là Hà Nội và TP.HCM, trong khi Hà Nội đã có Luật thủ đô, TP.HCM vẫn phải chịu chung một khung quy định với 62 tỉnh thành khác.

Cái áo cơ chế chung quá chật cho nhu cầu phát triển của TP nên nó đã kìm hãm sự phát triển của TP.

Ở đây có nhiều chuyện tế nhị, ví dụ như các bộ không muốn phân quyền cho TP, nên việc gì cũng phải xin – cho. Ví dụ như chuyện thi chuyên viên chính: TP.HCM đủ sức tổ chức thi và đánh giá nhưng ngành nào cũng phải khăn gói ra trung ương dự kỳ thi do các bộ tổ chức.

Theo tôi, trung ương nên phân cấp mạnh hơn cho TP.HCM, tạo cho TP một sân chơi rộng rãi, các bộ vẫn còn quyền kiểm tra, kiểm soát những lĩnh vực mình phụ trách. Đối tượng quản lý tại TP đã thay đổi thì khung pháp lý cũng phải thay đổi theo cho hợp lý.

Việc TP.HCM phát triển cũng là thành tựu chung của cả nước, phát triển vì cả nước, đóng góp 1/3 ngân sách cho trung ương hằng năm, là đầu tàu để hỗ trợ các địa phương khác.

D.N.HÀ ghi

MAI HƯƠNG thực hiện ([email protected])