23/01/2025

Nơi sách có một không gian riêng

Chính thức khai trương từ ngày 9.1, Đường sách TP.HCM (tại đường Nguyễn Văn Bình, Q.1) đã nhanh chóng thu hút đông đảo người tham quan trong và ngoài nước.

 

Nơi sách có một không gian riêng

 

 

Chính thức khai trương từ ngày 9.1, Đường sách TP.HCM (tại đường Nguyễn Văn Bình, Q.1) đã nhanh chóng thu hút đông đảo người tham quan trong và ngoài nước.





Nơi sách có một không gian riêng


Báo Thanh Niên đã có dịp trò chuyện cùng ông Lê Hoàng (ảnh), Phó chủ tịch Hội Xuất bản VN, đồng thời cũng là một thành viên quan trọng trong Ban Điều hành Đường sách TP.HCM.
Ông có thấy hài lòng không khi ước mơ của những người làm sách đã thành hiện thực?
Lucy Nguyễn

       

Không phải hài lòng mà là quá hài lòng, quá vui. Từ khi Sở TT-TT cùng Hội Xuất bản VN (2 đơn vị chủ lực thực hiện đường sách này) và cá nhân tôi nảy sinh ý tưởng, đề xuất với lãnh đạo TP để xin cung đường này, phối hợp với nhau thực hiện các quy trình, các công đoạn, đã trải qua không ít khó khăn. Nhưng với thời gian chuẩn bị chưa đầy một năm, chúng tôi đã đưa đường sách này đi vào hoạt động. Từ khi không gian văn hóa đọc này đi vào hoạt động thì thấy nó thực sự xứng đáng với công sức của hai đơn vị thực hiện và của những người cùng tham gia. Và mới chỉ qua 2 tuần hoạt động, đường sách đã thành công ngoài sự mong đợi.

Đã có nhiều người đến đây không chỉ để mua sách, để ngắm nhìn, để tham dự các cuộc giao lưu về sách mà còn đến để chụp hình cưới, chụp hình mẫu, thư giãn chụp ảnh cuối tuần, quay truyền hình phỏng vấn, thưởng thức báo xuân… Ông có ngạc nhiên không khi đường sách đã trở thành một điểm giải trí đa dạng, vượt ra ngoài không gian về sách?
Thực ra tôi không ngạc nhiên vì đã nghĩ tới tương lai của đường sách sẽ diễn ra như vậy khi đặt vào con đường Nguyễn Văn Bình này. Là một cư dân TP.HCM, tôi hiểu nhu cầu sách của người dân nơi đây thực sự lớn. Đường Nguyễn Văn Bình là nơi có xu hướng thu hút khách cả trong lẫn ngoài nước bởi nhu cầu mua sắm, giải trí. Vào những sáng thứ bảy, chủ nhật, các bạn sẽ thường thấy các gia đình cùng đưa con cái tới tìm sách. Đây là một nhu cầu tích cực. Đường sách cũng tạo ra không gian nghỉ ngơi, hưởng thụ vì đây là cung đường gắn liền với các công trình văn hoá, gắn với cây xanh, thoáng mát, họ có thể ngồi đọc sách hàng giờ, trải nghiệm.
Với gần 20 hoạt động giao lưu tác giả – tác phẩm đã diễn ra tại đường sách vừa qua, ông đánh giá ra sao?
Các hoạt động này đều có hiệu quả, hiệu ứng tích cực vì độc giả có thể gặp trực tiếp những người mà họ vốn chỉ biết qua sách vở. Những vấn đề mà người đọc chưa lĩnh hội hết trong tác phẩm sẽ được giải tỏa tại cuộc giao lưu đó. Người ta chăm chú lắng nghe, trao đổi trong suốt các cuộc giao lưu của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, nhà nghiên cứu văn hoá Vương Trí Nhàn, Giáo sư sử học Mỹ Larry Berman…
Có vẻ giới xuất bản nước ngoài cũng hứng thú với đường sách?
Đúng vậy. Từ cuộc giao lưu nước ngoài đầu tiên Sách Việt kết nối khu vực giữa Chibooks và đại diện xuất bản Malaysia (23.1), ban tổ chức cũng nhận được đăng ký xin tổ chức giao lưu với các đơn vị xuất bản nước ngoài khác đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesia… Đường sách TP.HCM cũng là đường sách đầu tiên tại Đông Nam Á nên được các đơn vị xuất bản trong khu vực rất quan tâm, mong muốn sang tìm hiểu học tập và áp dụng. Vì vậy sắp tới có thể chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức nhiều cuộc giao lưu khác với các nhà văn, đại diện xuất bản nước ngoài tại đường sách.
Bên cạnh những cái được, xem ra đường sách vẫn còn một số vấn đề cần giải quyết như thiếu nhà vệ sinh, thiếu bãi giữ xe, âm thanh bị chồng chéo…?
Ban tổ chức đã khắc phục kịp thời những thiếu sót trên, như kết hợp với nhà hàng McDonald’s ngay bên hông đường sách để khắc phục ngay về việc cung ứng nhà vệ sinh. Về bãi giữ xe cũng có đủ ở hai đầu đường, đồng thời có bảng hướng dẫn kỹ về các bãi giữ xe xung quanh khu vực đường sách phòng trường hợp bãi chính đã kín chỗ. Còn về chuyện âm thanh chồng chéo trong 2 cuộc giao lưu giữa Công ty sách First News và Phương Nam vào chiều 24.1 qua, là do 2 đơn vị này đã tự ý thay đổi giờ thực hiện, không tuân thủ đúng giờ mà ban tổ chức đã sắp xếp lệch nhau. Hiện chúng tôi đã điều chỉnh và giám sát chặt chẽ hơn việc tổ chức giao lưu của các đơn vị.
Lần đầu tiên đường báo xuân đặt vào đường sách, ông có cảm nhận ra sao?
Tôi có xem và có mua báo tết tại khu vực đường báo xuân này. Đặc biệt khu trưng bày của Báo Thanh Niên, Báo Tuổi Trẻ… đều rất đẹp và thu hút. Nhiều đơn vị báo khác đã tiếc nuối gọi điện xin ban tổ chức cho được triển lãm bổ sung, nhưng đã không còn chỗ. Điều này càng chứng tỏ không gian đường sách đã hoà nhập được không gian báo chí và có khả năng tổ chức rộng hơn, sâu hơn, để dẫn đến một hiệu ứng xã hội cao hơn. Đường sách sẽ là nơi giao thoa nhiều hoạt động văn hoá văn nghệ khác. Sau đường báo xuân sẽ có nhiều triển lãm khác tiếp tục tổ chức tại đây như thiệp xuân, chợ xuân…
Để đường sách trở thành một điểm sáng văn hoá của thành phố, theo ông còn cần thêm gì?
Cần chung tay chung sức làm thật tốt những gì đã đặt ra, làm ra các chương trình thật chất lượng, thật chuyên nghiệp, mang đậm phong thái văn minh… Chúng tôi sẽ tăng thêm các bồn cây xanh, ánh sáng, những ánh sáng chủ đề để làm cho con đường này đẹp hơn. Phải giữ gìn vệ sinh sạch đẹp hơn, không cho phép một mẩu giấy vụn nào rơi trên con đường này mà không kịp nhặt. Hiện chúng tôi đang áp dụng quy trình cứ nửa tiếng cho quét vệ sinh một lần. Chúng tôi rất cảm kích vì văn hoá đọc và ngành xuất bản đã có được một không gian để phát triển, để làm nghề. Chính vì vậy chúng ta cần giữ gìn và phát triển đường sách cho ngày càng đẹp và phong phú hơn nữa.
 

Lucy Nguyễn 
(thực hiện)