Có những phản ánh nhiều khi cả tháng chưa đến được cuộc họp giao ban của ngành chức năng thì nay chỉ cần đăng bài trên nhóm Facebook Quản lý đô thị Đà Nẵng, những bức xúc sẽ được giải quyết gần như ngay lập tức.
Quản lý đô thị qua… Facebook
Có những phản ánh nhiều khi cả tháng chưa đến được cuộc họp giao ban của ngành chức năng thì nay chỉ cần đăng bài trên nhóm Facebook Quản lý đô thị Đà Nẵng, những bức xúc sẽ được giải quyết gần như ngay lập tức.
Nhiều người dân tại TP.Đà Nẵng hẳn không xa lạ gì với nhóm Facebook Quản lý đô thị Đà Nẵng với sự tham gia của hơn 17.000 thành viên là người dân trong và ngoài địa phương. Năm 2015, có hơn 450 phản ánh được xử lý thông qua các kênh thông tin thì có đến 1/3 phản ánh được giải quyết thông qua nhóm này. Ông Nguyễn Văn Duy, Phó phòng Quản lý đô thị TP.Đà Nẵng, cho biết nhóm được thành lập vào tháng 4.2013 xuất phát từ một đề tài nghiên cứu. “Tại những kỳ họp HĐND TP, người dân chất vấn rất nhiều vì bức xúc của họ không được xử lý kịp thời dẫn đến dồn ứ lại. Thế thì tại sao không giải quyết ngay khi người dân có phản ánh để tránh bị động? Từ đó, tôi đã lập nên nhóm này và kêu gọi anh em của phòng tham gia”, ông Duy kể.
Phá băng trấn lột nhờ… “phây”
Với tôn chỉ hoạt động “chung tay góp sức xây dựng một TP.Đà Nẵng tiện nghi – xanh – sạch – đẹp”, nhóm ra đời là để tiếp nhận ý kiến của người dân trên 3 phạm vi chính. Phạm vi kiến trúc hạ tầng đô thị có mục tiêu ghi nhận và xử lý những vấn đề khiến TP “chưa tiện nghi”, từ chiếc nắp cống bị mất gây nguy hiểm cho đến việc tưởng chừng rất “vặt” như dây điện lòng thòng giữa phố… Phạm vi đời sống tinh thần đô thị để làm TP văn hoá, thân thiện và văn minh hơn do các cán bộ thuộc Sở VH-TT-DL trực tiếp phụ trách. Tham gia nhóm này còn có những cán bộ công an tiếp thu phản ánh và xử lý thông tin về phạm vi an ninh trật tự đô thị. Ông Duy kể vào dịp lễ 30.4 – 1.5.2013, một tuyến phố ở TP bị tràn nước lênh láng. Một vị lãnh đạo Sở Xây dựng trực tiếp chứng kiến đã phản ánh qua nhóm Facebook. Ngay sau đó, ông Duy đã chuyển thông tin cho đơn vị phụ trách khắc phục. “Thông qua nhóm, có lần người dân phản ánh ngay tại khu vực cầu vượt Hoà Cầm của TP có một số đối tượng trấn lột tài sản. Các anh công an nhận được tin báo đã chat với nhau và rồi triệt phá thành công băng trấn lột này vào ngày hôm sau”, ông Duy tiếp lời.
Là người trực tiếp điều hành nhóm đã gần 4 năm qua, ông Duy cho hay, những thông tin được người dân đăng trên nhóm rất chính xác và không thể là thông tin một chiều nhờ sự công khai, nhiều người biết.
Hai nhân vật “Đô” và “Thị” – Ảnh: Hoàng Sơn
Lãnh đạo 4 sở cùng điều hành
Hình tượng hoá “Đô” và “Thị”
Hiện nhóm đang hướng đến lứa tuổi trẻ em để tác động nhận thức xây dựng TP.Đà Nẵng thông qua việc hình tượng hóa “Đô” và “Thị” thành hai nhân vật hoạt hình dễ thương (đã đăng ký quyền tác giả tại Cục Bản quyền tác giả). Trước Tết Nguyên đán, nhóm đã in hàng vạn bao lì xì có hình ảnh cô “Thị” nhắc nhở trẻ em xếp hàng và anh “Đô” khuyên không vứt rác bừa bãi. Khi người lớn mừng tuổi trẻ em bằng những bao lì xì sẽ tác động đến ý thức của các em bằng hình ảnh trực quan được in trên đó.
Đầu năm 2016, quản trị viên (admin) Duy Nguyễn (ông Nguyễn Văn Duy) đã công bố danh sách 10 quản trị viên khác của nhóm. Trong đó, có 4 quản trị viên là lãnh đạo 4 sở của Đà Nẵng gồm ông Vũ Quang Hùng (Giám đốc Sở Xây dựng), ông Bùi Hồng Trung (Phó giám đốc Sở GTVT), ông Trần Chí Cường (Phó giám đốc Sở VH-TT-DL) và ông Nguyễn Quang Vinh (Phó giám đốc Sở TN-MT). Điều này đã gây ra sự bất ngờ vì trong suy nghĩ nhiều người lâu nay nhóm Facebook chỉ có những chuyên viên, những cán bộ trực tiếp “tác chiến” tham gia. Ông Duy cho hay, lãnh đạo các sở đã tham gia khi nhóm cán mốc 10.000 thành viên. Việc nhắc lại tên các admin kèm theo tên Facebook cá nhân là để những thành viên mới gia nhập nhóm tiện theo dõi và tag những người phụ trách lĩnh vực vào khi có phản ánh. Bên cạnh đó còn có các cán bộ khác cũng điều hành nhóm như: Trưởng phòng Tổng hợp Văn phòng UBND TP, Thư ký Chủ tịch UBND TP, Phó trưởng ban Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch…
“Nếu trước đây những việc như cây xanh gãy, trụ điện ngã… được đưa ra những cuộc họp hằng tháng, hằng tuần để bàn cách khắc phục thì nay người dân có thể tag tên những người phụ trách mảng mà chúng tôi gọi là “táo” để phản ánh trực tiếp. Khi đó anh thủ lĩnh của mỗi mảng sẽ phân công xuống để sửa chữa ngay”, ông Duy nói và lấy ví dụ, có lần một đơn vị dựng trước trường tiểu học một trạm biến áp gây nguy hiểm cho trẻ em. Thấy bức xúc, phụ huynh đã chụp ảnh và đăng lên Facebook của nhóm. Nhận được tin, ông Duy đã tag tên “táo điện lực” vào đề nghị kiểm tra. Dù là ngày chủ nhật nhưng khi hay tin, lực lượng chức năng đã đến hiện trường khảo sát và yêu cầu hạ ngầm.
Ông Nguyễn Văn Duy cho rằng việc xử lý là công việc thường xuyên của nhóm nhưng việc xây dựng nhận thức của người dân thông qua nhóm mới quan trọng. Trong nhóm ngoài những người tích cực tham gia xây dựng TP cũng có không ít người tiêu cực, “không mấy thiện cảm với chính quyền” và thậm chí có người còn đi chệch tôn chỉ của nhóm. “Chỉ một click là tôi có thể “đá bay” thành viên tiêu cực nhưng tôi không bao giờ làm điều đó. Ngược lại, tôi luôn có gắng thuyết phục để họ hiểu và xây dựng TP”, ông Duy cho biết.