23/01/2025

Sẽ có Hội Bảo vệ quyền lợi nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc

Chuyên gia bản quyền âm nhạc của Nhật Bản cho hay sự ra đời của điện thoại thông minh tạo nên hướng thưởng thức âm nhạc mới khiến các chuyên gia bản quyền… không theo kịp.

 

Sẽ có Hội Bảo vệ quyền lợi nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc

 

 

Chuyên gia bản quyền âm nhạc của Nhật Bản cho hay sự ra đời của điện thoại thông minh tạo nên hướng thưởng thức âm nhạc mới khiến các chuyên gia bản quyền… không theo kịp. 

 

 

 

 

Sẽ có Hội Bảo vệ quyền lợi nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc
Sự ra đời của Hội bảo vệ quyền lợi nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc VN sẽ bảo vệ quyền của người biểu diễn trong lĩnh vực âm nhạc – Ảnh: T.T.D.

Ngày 28-1, hội thảo Hệ thống tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan do Cục Bản quyền tác giả VN phối 
hợp với Cơ quan văn hoá Nhật Bản tổ chức diễn ra tại TP.HCM. Tham gia hội thảo là đại diện các tổ chức bảo vệ quyền tác giả VN và Nhật Bản.

Hiện nay, trong nước có các tổ chức tập thể đại diện quyền tác giả như Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC), Hiệp hội Công nghiệp ghi âm VN (RIAV), Trung tâm Quyền tác giả văn học VN (VLCC), Hiệp hội Quyền sao chép (VIETRRO).

Tuy nhiên, hiện nay chưa có tổ chức nào bảo vệ quyền của người biểu diễn (diễn viên, ca sĩ, nhạc công… thuộc đối tượng quyền liên quan). Cho nên hội thảo được xem là cơ hội trao đổi với các chuyên gia Nhật Bản để tiến tới việc thành lập Hội Bảo vệ quyền lợi nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc VN (APPA).

Nhạc sĩ Lê Quang cho biết dự định hội sẽ ra mắt tháng 2-2016, do NSND Thanh Hoa làm chủ tịch hội, còn anh là trưởng đại diện phía Nam.

“Trước mắt, hội chúng tôi chỉ bảo vệ quyền của người biểu diễn trong lĩnh vực âm nhạc. Ở VN có khoảng 5.000 người là ca sĩ, nhạc công… có hoạt động biểu diễn thuộc đối tượng bảo vệ của hội. Do mới thành lập, chưa tổ chức được bộ máy nên dự định trước mắt chúng tôi vẫn nhờ vào bộ máy của VCPMC” – nhạc sĩ Lê Quang tâm sự.

Anh cũng cho hay trong tương lai các tổ chức Nhật Bản sẽ hỗ trợ APPA trong việc xây dựng hệ thống dữ liệu, đào tạo, trao đổi kinh nghiệm thực tế…

Cũng ở hội thảo, ông Yasushi Kusumoto – trưởng phòng bản quyền và hợp đồng của Hiệp hội Ghi âm Nhật Bản (RIAJ) – chia sẻ khó khăn với các đồng sự VN trước những thách thức trong việc thu tiền bản quyền trên internet hiện nay.

Ông cho hay tiền thu bản quyền âm nhạc của Nhật Bản cũng giống như tình trạng chung của thế giới, đạt ngưỡng cao những năm 2008-2009. Nhưng từ năm 2010 đến nay, số tiền này của Nhật Bản và thế giới bị mô tả là “suy thoái”.

Nguyên nhân được ông Y. Kusumoto cho biết là sự ra đời của điện thoại thông minh tạo nên hướng thưởng thức âm nhạc mới khiến các chuyên gia bản quyền không theo kịp.

Mặc dù Nhật Bản là quốc gia có những phần mềm phát hiện mọi vi phạm trên thế giới nhưng hiện nay có quá nhiều cách chia sẻ âm nhạc vi phạm bản quyền trên internet…

Để ứng phó, Nhật Bản tăng mức phạt về vi phạm bản quyền âm nhạc trên internet lên đến mức truy tố hình sự 10 năm tù, hoặc bị phạt tối đa 10 triệu yen.

Nhưng theo ông Y. Kusumoto: “Đa số người sử dụng sản phẩm âm nhạc miễn phí vi phạm ở Nhật là người trẻ, vì vậy chúng tôi phải giáo dục họ ý thức bảo vệ tác quyền”.

Cách làm của Nhật Bản là công bố các trang web sử dụng âm nhạc bất hợp pháp, dán panô, apphich ở trường học và các shop bán băng đĩa, làm những video kêu gọi bảo vệ tác quyền chiếu ở rạp chiếu phim toàn quốc…

Theo thống kê gần nhất năm 2014, tổng thu của VCPMC là hơn 67 tỉ đồng, của RIAV là hơn 8,5 tỉ đồng, của VIETRRO là hơn 1,5 tỉ đồng. Riêng VLCC đã thống kê được con số tổng thu năm 2015 là hơn 645 triệu đồng.

Q.THI