CSGT được dừng xe kiểm soát trong 5 trường hợp
Bộ trưởng Bộ Công an vừa ban hành thông tư số 01/2016/TT-BCA (có hiệu lực kể từ ngày 15-2-2016) về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát (TTKS) giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông (CSGT).
CSGT được dừng xe kiểm soát trong 5 trường hợp
Bộ trưởng Bộ Công an vừa ban hành thông tư số 01/2016/TT-BCA (có hiệu lực kể từ ngày 15-2-2016) về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát (TTKS) giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông (CSGT).
Một CSGT dừng xe vi phạm ở ngã tư Nguyễn Kiệm – Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận (TP.HCM) – Ảnh: Thuận Thắng |
Theo đó, CSGT thực hiện nhiệm vụ TTKS được dừng xe để kiểm soát trong các trường hợp sau:
– Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ;
– Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch TTKS của Cục trưởng Cục CSGT (C67) hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên;
– Thực hiện kế hoạch tổ chức TTKS và xử lý vi phạm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của Trưởng phòng TTKS giao thông đường bộ cao tốc thuộc C67, Trưởng phòng CSGT hoặc Trưởng công an cấp huyện trở lên;
– Có văn bản đề nghị của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra; Văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp.
– Trường hợp cuối cùng là dừng xe để kiểm soát dựa trên tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.
Thông tư này cũng quy định cán bộ TTKS giao thông đường bộ có quyền hạn như:
– Được dừng các phương tiện đang tham gia giao thông đường bộ; kiểm soát phương tiện, giấy tờ của phương tiện; kiểm soát người và giấy tờ của người điều khiển phương tiện, giấy tờ tuỳ thân của người trên phương tiện đang kiểm soát, việc thực hiện các quy định về hoạt động vận tải đường bộ theo quy định pháp luật.
– Xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, an ninh, trật tự, an toàn xã hội và các vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước khác theo quy định của pháp luật.
– Được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm cho việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; tạm giữ giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe và giấy tờ khác có liên quan đến phương tiện, người điều khiển phương tiện hoặc những người trên phương tiện khi có hành vi vi phạm pháp luật, giấy tờ liên quan đến hoạt động vận tải để bảo đảm cho việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
– Đồng thời cán bộ TTKS giao thông đường bộ được yêu cầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết tai nạn giao thông; ùn tắc, cản trở giao thông hoặc trường hợp khác gây mất trật tự, an toàn giao thông. Được trưng dụng các loại phương tiện giao thông; phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển, sử dụng các phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật.