Quy hoạch lại phố ông đồ và hoạt động cho chữ ngày tết không chỉ là câu chuyện quy củ hóa môi trường và tác nghiệp của các ông đồ thời hiện đại, mà còn góp phần giữ vững truyền thống hiếu học
Quy hoạch… ông đồ
Quy hoạch lại phố ông đồ và hoạt động cho chữ ngày tết không chỉ là câu chuyện quy củ hóa môi trường và tác nghiệp của các ông đồ thời hiện đại, mà còn góp phần giữ vững truyền thống hiếu học
Phố ông đồ Nhà văn hoá Thanh niên – Ảnh: NVHTN cung cấp
Ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, khẳng định tết năm nay Hà Nội kiên quyết không để các ông đồ tràn ra vỉa hè quanh Văn Miếu – Quốc Tử Giám như nhiều năm trước.
“Việc cho chữ trên vỉa hè chật chội, gây cản trở giao thông là điều không thể chấp nhận được”, ông Tiến nói và lưu ý người dân nếu muốn xin chữ nên tới khu vực Hồ Văn (nằm trong khu Văn Miếu – Quốc Tử Giám), nơi đã được quy hoạch là địa điểm để các ông đồ cho chữ, vì “ở đền chùa cũng có những ông ngồi viết chữ, treo lên. Sở không thể với hết được tất cả các nơi trên địa bàn thành phố để đảm bảo chất lượng chữ ở những nơi đó”.
Hà Nội dựng “lều văn”, sát hạch ông đồ
Việc thu xếp khu viết chữ trật tự như vậy cũng tránh được việc tự phát mua bán chữ, bất chấp hiểu biết của người cho chữ
TS Phạm Quang Ánh, Viện Nghiên cứu văn học
Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Văn Miếu, cho biết tết này có khoảng 130 ông đồ tham gia viết chữ tại đây. Ban tổ chức dựng 100 lều văn cho các ông ngồi viết. Người xin chữ tốt nhất vào đúng nơi quy hoạch, với biển tên rõ ràng để tránh nạn “ông đồ chui”. Ban tổ chức cũng mời “thần bút” Lê Quốc Việt làm khách mời của hội chữ.
Ông Kiêu cho biết có những ông đồ còn rất trẻ, có người mới đại học năm thứ nhất nhưng tài bút đã có thể viết được hoành phi. Đó cũng chính là người đã đỗ đầu trong kỳ thi sát hạch năm ngoái. Người đi xin chữ có thể tham khảo chữ của các ông đồ triển lãm thư pháp ngay tại Văn Miếu để chọn người có nét chữ hợp với thẩm mỹ của mình.
TS Phạm Quang Ánh, Viện Nghiên cứu văn học, đánh giá rất cao việc tổ chức một khu viết chữ, nối tiếp truyền thống “bày mực tàu giấy đỏ” mỗi độ xuân về. “Việc thu xếp khu viết chữ trật tự như vậy cũng tránh được việc tự phát mua bán chữ, bất chấp hiểu biết của người cho chữ”, TS Ánh nhìn nhận.
Tay bút Trần Quốc Chí, Trưởng ban giám khảo sát hạch để tuyển chọn những ông đồ đủ điều kiện “cho chữ” trong Văn Miếu năm nay, không thể quên được hai thí sinh đặc biệt. “Họ cũng đều sáu mươi, bảy mươi tuổi rồi. Đề thi chúng tôi phát ra chữ in máy tính rõ ràng. Chữ cũng đã được giải thích, chỉ cần viết đúng lại thôi. Thế mà cả hai đều không viết đúng lại được. Có cụ còn xin đến ba tờ giấy, viết hỏng cả ba”, ông Chí kể lại. Cả hai thí sinh này sau đó đều trượt. Ông Chí cũng cho biết nhiều thí sinh vẫn viết chữ Hán Nôm theo kiểu học hình rồi tô lại. Họ phần lớn là những người thường viết sớ ở đền chùa. Người nhờ viết cũng không biết chữ nên không biết họ viết sai.
Năm nay, trong số người tham gia cho chữ có những tay bút được nhiều người biết đến. Họ đến từ các CLB thư pháp, trong đó có CLB thư pháp UNESCO mà ông Chí là chủ tịch. Cũng có những tay bút tài hoa trẻ như nhà nghiên cứu Trần Quang Đức, nhà nghiên cứu Nguyễn Sử. Họ không chỉ luyện bút mà còn rất hiểu những câu chữ mà tiền nhân để lại.
Sài Gòn mở “phố ông đồ trẻ”
Trong khi đó, ở TP.HCM trước đây có một số điểm ông đồ cho chữ tự phát, lấn chiếm lề đường nên bị cơ quan chức năng xử lý. Từ khi các phố ông đồ được cấp phép ở Cung văn hoá Lao động và Nhà văn hoá Thanh niên hoạt động, việc viết chữ của các ông đồ lại nhộn nhịp, bài bản hơn.
Gần 10 năm nay, phố ông đồ của Cung văn hoá Lao động trên đường Nguyễn Thị Minh Khai thu hút rất đông bạn trẻ, du khách vào dịp tết. Theo ông Trần Hoàng Vũ, Phó phòng Văn hoá nghệ thuật, thì: “Năm nay, phố ông đồ sẽ hoạt động từ ngày 31.1 (22 âm lịch) tới 7.2 (29 âm lịch). Dự kiến sẽ có 35 ông, bà đồ thuộc Câu lạc bộ Thư pháp chữ Việt sẽ túc trực phục vụ khách ở đây mỗi ngày”.
Phố ông đồ ở Nhà văn hoá Thanh niên (góc Phạm Ngọc Thạch – Nguyễn Thị Minh Khai) cũng vừa hoàn thành con đường với hoa mai vàng khoe sắc thắm. Ông Nguyễn Hồng Phúc, Phó giám đốc Nhà văn hoá Thanh Niên, hồ hởi: “Các ông đồ đa phần đều trẻ, có người chỉ mới 16 tuổi nhưng viết chữ rất đẹp. Chúng tôi tập trung cho các ông đồ viết chữ Việt theo dạng thư pháp, chỉ có duy nhất ông đồ Mai Trợ (88 tuổi, quê Quảng Nam) là người nhiều kinh nghiệm đảm nhận khâu chữ Hán, bảo đảm đúng chất lượng và bài bản”.
Bà Quách Thu Nguyệt, thành viên ban điều hành Đường sách TP.HCM, cũng cho biết trong khuôn viên Đường báo Xuân 2016 vừa khai mạc ngày 25.1 (đường Nguyễn Văn Bình), ban tổ chức đã bố trí cho ông đồ một vị trí thuận tiện để trổ tài, gây nhiều ngạc nhiên và thích thú cho khách tham quan.
Ông Lê Tôn Thanh, Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM, cho rằng: “Phố ông đồ giữa Sài Gòn là điều rất hay, một sự hoài cổ tích cực, tạo thành nét chấm phá cho những ngày tết cổ truyền của dân tộc thêm phần ý nghĩa”.