23/01/2025

Có chỉ tiêu cứ tuyển dù không có nhu cầu!

Việc thực hiện cử tuyển không sát với thực tế không những tạo ra gánh nặng cho chính người được đi học mà nhà nước cũng tốn rất nhiều tiền để đào tạo mà không hiệu quả.

 
Lãng phí đào tạo cử tuyển: Có chỉ tiêu cứ tuyển dù không có nhu cầu!
 
 
 
 
 
Việc thực hiện cử tuyển không sát với thực tế không những tạo ra gánh nặng cho chính người được đi học mà nhà nước cũng tốn rất nhiều tiền để đào tạo mà không hiệu quả.








Triệu Tòn Chiêu học hệ cử tuyển ngành quản trị kinh doanh đến nay chưa được bố trí việc làm  - Ảnh: Nam Anh

 

Triệu Tòn Chiêu học hệ cử tuyển ngành quản trị kinh doanh đến nay chưa được bố trí việc làm – Ảnh: Nam Anh

 


Lấp đầy chỗ trống

Theo quy định, quy trình tổ chức cử tuyển được tiến hành như sau: UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ vào định hướng phát triển kinh tế – xã hội và nhu cầu của địa phương đề xuất chỉ tiêu cử tuyển theo ngành nghề, trình độ đào tạo với Bộ KH-ĐT, Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB-XH. Các đơn vị này phối hợp xem xét và giao chỉ tiêu cử tuyển cho UBND các tỉnh. UBND cấp tỉnh tổ chức tuyển chọn, đặt hàng đào tạo theo chế độ cử tuyển với các cơ sở giáo dục và quyết định cử người đi học theo đúng đối tượng, tiêu chuẩn quy định và chỉ tiêu được giao.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Xuân Sơn, Trưởng phòng Giáo dục H.Văn Yên (tỉnh Yên Bái), mỗi năm tỉnh sẽ phân bổ chỉ tiêu cử tuyển về cho các huyện, huyện sẽ phân bổ cho các xã. Nếu xã này không có người đi học thì chỉ tiêu đó được dồn cho xã khác. Các xã sẽ thông báo cho học sinh nộp hồ sơ xét tuyển. Chỉ tiêu này thường được phân bổ từ nhiều trường ĐH với các chuyên ngành khác nhau, trong đó có cả những ngành mà địa phương không có nhu cầu tuyển dụng. Khi tiến hành xét tuyển, nhiều nơi, chính quyền làm theo kiểu “lấp đầy chỗ trống”, nghĩa là có chỉ tiêu nào tuyển bằng hết chứ không trả lại cho tỉnh. Do vậy, có những ngành địa phương đang cần như y, luật, lâm nghiệp, nông nghiệp…, nhưng có những ngành chưa cần đến như quản trị kinh doanh, kế toán, ngân hàng…
Ông Thái Văn Cương, Trưởng phòng Giáo dục H.Định Hoá (tỉnh Thái Nguyên), cho hay việc đào tạo cử tuyển hiện đang gặp vấn đề. Nhu cầu tuyển cán bộ từ giáo dục cho đến kinh tế, xã hội đang chững lại. Ví như ở H.Định Hoá, trước năm 1998 thì nhu cầu tuyển giáo viên tăng, do số lượng học sinh tăng đáng kể. Nhưng từ giai đoạn 1999 – 2007, số lượng học sinh các cấp giảm mạnh, mỗi năm huyện mất mấy chục lớp cho nên thừa giáo viên. Ngoài ra, một số ngành nghề khác như y dược, giao thông vận tải, xây dựng… cũng đã đầy ắp nhân sự. Trong khi đó, nhà nước lại đang có chủ trương cắt giảm biên chế, tiến hành thi tuyển công chức, người nào có năng lực thì ở lại, không thì trượt.
Chất lượng nguồn tuyển có vấn đề
Theo một cán bộ nội vụ H.Định Hoá (tỉnh Thái Nguyên), có nhiều nguyên nhân khiến sinh viên cử tuyển không xin được việc. Trong đó đáng kể nhất là chất lượng của những sinh viên hệ cử tuyển không theo kịp hệ chính quy. Cũng theo vị cán bộ này, hiện có nhiều văn bản pháp luật hướng dẫn việc thực hiện tuyển công chức, bao gồm cả đối tượng cử tuyển.
Trong đó, đáng lưu ý nhất là chế độ thi tuyển công chức và tinh giản biên chế. Ở chế độ thi tuyển công chức, đa phần sinh viên tốt nghiệp cử tuyển thường hụt hơi trong cuộc đua giành “tấm vé” việc làm với sinh viên tốt nghiệp hệ chính quy.
Còn ở chủ trương tinh giản biên chế thì… rất vất vả thực hiện. Bởi đã nói tinh giản biên chế rồi thì làm sao có thể tuyển thêm người được nữa. Thêm vào đó, chế độ tinh giản biên chế và thi công chức là nhằm mục đích sàng lọc để chọn ra cán bộ chất lượng cao phục vụ đất nước. Theo vị này, đây là những vướng mắc mà nhà nước cần phải xem xét lại.
Còn theo GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, chính quyền các địa phương có người đi học cử tuyển nên sắp xếp việc làm trước cho các đối tượng này. Sau khi họ làm quen với công việc rồi mới tiến hành thi tuyển công chức. Về nguyên tắc, đã cử con em các dân tộc miền núi đi học cử tuyển thì phải bố trí việc làm cho họ sao cho sát với tình hình thực tế. Còn xét về chất lượng của đối tượng cử tuyển, có thể chưa bằng sinh viên hệ chính quy nhưng cái quan trọng nhất là họ gần gũi với dân chúng, với bà con dân tộc. Cho nên việc đưa con em họ đi đào tạo là để thay đổi tư duy về mọi mặt, sau này khi trở về quê hương những người này sẽ truyền lại tư duy, cảm hứng phát triển và hướng dẫn bà con vùng cao phát triển kinh tế, xã hội.
Một số sinh viên cử tuyển cho rằng trong bối cảnh hiện nay, nếu như họ được đào tạo nghề sẽ tốt hơn học ĐH. “Nếu làm như thế chắc chắn sẽ tốt hơn là đưa vào ĐH, đào tạo lý thuyết xong rồi về chẳng bao giờ dùng đến”, một sinh viên kiến nghị.
Không được bố trí việc làm, sẽ không hoàn kinh phí đào tạo
Cử tuyển là việc tuyển sinh không qua thi tuyển để đào tạo cán bộ, công chức, viên chức cho các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn và các dân tộc thiểu số chưa có hoặc có rất ít cán bộ đạt trình độ ĐH, CĐ, TC.
Nghị định số 49/2015/NĐ-CP, chính quyền địa phương nơi cử con em đi học phải bố trí việc làm chậm nhất là 12 tháng kể từ ngày ra trường. Việc phân bổ việc làm này không nhất thiết phải là cơ quan nhà nước mà cả những công ty, tổ chức cá nhân đấu mối với địa phương. Sau thời gian này, nếu chính quyền địa phương không bố trí được việc làm thì sinh viên có thể nộp hồ sơ đến các công ty tư nhân hoặc đến nơi khác xin việc và không phải bồi hoàn tiền trợ cấp hằng tháng trong quá trình học ĐH.
Kinh phí để đào tạo người theo chế độ cử tuyển được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo hằng năm theo các quy định hiện hành do UBND cấp tỉnh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chi trả trực tiếp cho các cơ sở giáo dục theo cơ chế nhà nước đặt hàng. Học bổng chính sách đối với người học theo chế độ cử tuyển do ngân sách địa phương bảo đảm và cấp trực tiếp cho người học theo chế độ học bổng chính sách của nhà nước.


Hà An – Nam Anh