Phô trương công đức tại di tích
Chính giữa câu đối chữ Hán sơn son thếp vàng tại một đình làng ở Hà Nội là cột chữ quốc ngữ ghi tên nhóm người công đức. “Đúng là trông rất chán”, TS Trần Trọng Dương, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, thốt lên.
Phô trương công đức tại di tích
Chính giữa câu đối chữ Hán sơn son thếp vàng tại một đình làng ở Hà Nội là cột chữ quốc ngữ ghi tên nhóm người công đức. “Đúng là trông rất chán”, TS Trần Trọng Dương, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, thốt lên.
“Câu đối lai”
Trong một trao đổi của nhóm Đình làng Việt về những hiện tượng di sản “ngược”, đã có người đề cử một câu đối chữ Hán sơn son thếp vàng được treo trên cột đình làng Yên Mỹ, H.Thanh Trì, Hà Nội. Trên đó, “ngang lưng” câu đối chữ Hán, ở vị trí dễ nhìn nhất, có hàng chữ quốc ngữ: “Tập thể học sinh tiểu học niên khoá 1957 – 1962 cung tiến”.
|
Về việc cung tiến và ghi danh cung tiến, TS Phạm Quang Ánh, Viện Nghiên cứu văn học, cho biết trước đây cũng có việc cung tiến và người cung tiến cũng được ghi danh. Chẳng hạn, trên câu đối thì có thể ghi tên người cung tiến ở phần lạc khoản (dòng chữ nhỏ để tên họ và ngày tháng ở trên các bức hoạ hay các bức đối trướng - NV). Tuy nhiên, lạc khoản bằng chữ Hán Nôm sẽ hoàn toàn phù hợp với phần câu đối và phần hoạ về mặt văn tự cũng như tạo hình. Điều này chữ quốc ngữ kết hợp với chữ Hán khó làm được. “Viết bằng chữ quốc ngữ tên người cung tiến là có ý để ai cũng đọc được. Nhưng nó lại thành khập khiễng về mặt văn tự”, ông Ánh nói.
TS Trần Trọng Dương, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, cho rằng: “Đúng là trông rất chán. Họ một mặt vẫn muốn câu đối là chữ Hán, nhưng lạc khoản tên mình thì mình phải đọc được, nên mới ra loại “câu đối lai” như thế”.
GS Ngô Đức Thịnh, Uỷ viên Hội đồng di sản quốc gia, lại nhìn câu đối đó trong chỉnh thể với nơi được treo là đình làng – một nơi sinh hoạt chung của cộng đồng làng. “Thường tên người, tên đơn vị cung tiến hay để ở góc, để khiêm tốn thôi. Những dòng ghi danh đó chỉ ai để ý thì mới thấy. Chứ nếu ở giữa câu đối thì khó mà làm cho người đọc có cảm giác dễ chịu được. Viết như thế này thì hơi phô trương. Cũng có thể do ông thợ tiện tay chọn chỗ đó để viết tên người cung tiến mà không cân nhắc thấu đáo. Nhưng cách viết thế thì có vấn đề về văn hoá đấy”, ông Thịnh nói.
Cảnh báo về văn hóa ghi công đức
Theo GS Ngô Đức Thịnh, việc ghi tên công đức một cách phô trương cũng đã diễn ra nhiều lần, ở nhiều nơi. Ông từng lên tiếng về việc một ngân hàng dựng biển công đức ngay cạnh nghi môn của đền Mẫu Âu Cơ, phá hỏng không gian thiêng của di tích quốc gia này. Thậm chí, ông Thịnh còn cho rằng việc ghi công đức phô trương đã nhiều đến mức nhiều người quen mắt và quen luôn kiểu khoe khoang với thần linh như vậy. “Đấy là một vấn đề về văn hóa cần lên tiếng”, ông Thịnh nói.
Không chỉ ông Thịnh, nhiều nhà nghiên cứu khác cũng từng dở khóc dở cười vì ghi danh công đức. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình cho biết, trên lư hương chùa Cầu Cá, Q.Long Biên, Hà Nội (ảnh nhỏ) cũng có hàng chữ nổi tên một loạt phật tử công đức. Lư hương được đặt ngay trước chính điện, khi vào lễ mọi người sẽ đứng thắp hương cúi lạy tên cả nhà những phật tử này trước khi vào lễ Phật. “Thật không thể hiểu nổi. Khác gì thắp hương người sống”, ông Bình chia sẻ.
Nhưng điều đáng nói là nếu ở các di tích đã xếp hạng, người ta có thể căn cứ vào luật Di sản để rà soát các hiện vật đưa vào di tích, thì ở các di tích chưa xếp hạng, việc này luật lại chưa quy định. Hơn nữa, cũng chưa có quy định cụ thể về việc hiện vật công đức phải ra sao, việc ghi danh nên thế nào. Chính vì vậy, theo các nhà nghiên cứu chỉ có thể vận động để người dân hiểu rõ hơn về việc nên cung tiến ra sao, ghi danh thế nào mà thôi. “Đấy là vấn đề dường như chưa có quy chuẩn, nên khó có thể nói là sai luật được. Nhưng mình cung tiến cũng là lòng thành, thì lòng thành đó đừng nên thành chuyện đánh giá thấp văn hoá của chính mình”, một nhà nghiên cứu nói.
Về điều này, ông Phạm Xuân Phúc, Phó chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL, cho biết: “Trong việc cung tiến phải phân biệt được cung tiến vào đình chùa di tích nó khác với những cái đồ cho tặng ở công trình dân dụng chứ. Chỗ nào cũng khắc, chỗ nào cũng ghi tên như thế thì còn ra làm sao nữa”.
Không thể dùng luật
“Cái khó của việc hạn chế những sự khoa trương công đức không phù hợp văn hoá thế này là ta không thể dùng luật được. Làm sao để có thể quy định cụ thể từng cách thức viết ghi danh công đức được. Điều đó chỉ có thể điều hoà bằng ý thức văn hoá, trình độ văn hoá. Các cụ ngày xưa ghi danh như vậy nhưng ghi nhỏ thôi, ở chỗ khiêm tốn thôi thì nay mình cũng nên như vậy. (GS-TS Lê Hồng Lý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hoá)
|
Trinh Nguyễn