24/12/2024

Dinh dưỡng bệnh viện, sao cho hợp lý?

Tại một số bệnh viện, bệnh nhân phải ăn theo chế độ bệnh lý, không thể thích gì ăn nấy, điều này nhằm đảm bảo các vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, đủ dinh dưỡng.

 

Dinh dưỡng bệnh viện, sao cho hợp lý?

 

 

Tại một số bệnh viện, bệnh nhân phải ăn theo chế độ bệnh lý, không thể thích gì ăn nấy, điều này nhằm đảm bảo các vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, đủ dinh dưỡng. 

 

 

 

 

 

 

Nếu không ăn cơm, bệnh nhân có thể nhận lấy sữa. Trong ảnh: loại sữa hộp giấy có giá trong bệnh viện là 60.000 đồng, tương đương với một ngày ăn - Ảnh: Quỳnh Liên
Nếu không ăn cơm, bệnh nhân có thể nhận lấy sữa. Trong ảnh: loại sữa hộp giấy có giá trong bệnh viện là 60.000 đồng, tương đương với một ngày ăn – Ảnh: Quỳnh Liên

Tuy nhiên, có bệnh nhân không thấy thoải mái khi không có nhu cầu uống sữa mà được bệnh viện kê đơn.

Mới đây, chị L.T.H. ở Hà Đông, Hà Nội bị sốt xuất huyết và điều trị tại Bệnh viện 103 trong sáu ngày. Khi thanh toán, số tiền ngoài bảo hiểm chị H. phải chi trả là hơn 1 triệu đồng, trong đó có 360.000 đồng tiền ăn, trong khi chị H. không ăn ở căngtin bệnh viện nên rất băn khoăn.

Nhân viên tài vụ nói chị H. sẽ được trả lại tiền, thế nhưng chị H. hụt hẫng do thay vì tiền chị lại nhận được sữa. Không có nhu cầu dùng sữa, tính bán lại nhưng không bán được vì các cửa hàng tạp hoá nói đây là sữa không phổ biến nên không mua.

Ép bệnh nhân mua sữa?

“Trước khi nhập viện, nhân viên khoa điều trị có hỏi tôi là dùng sữa hay ăn ở căngtin? Tôi chọn dùng sữa nhưng ban đầu nhìn vào phiếu ăn tôi cứ nghĩ giá tiền cho một ngày dùng sữa là 6.000 đồng, món tiền cũng nhỏ nên cũng không quan tâm, thế nhưng khi thanh toán tiền sữa lại là 60.000 đồng/ngày. Vì không có nhu cầu dùng sữa muốn được trả lại tiền nhưng họ không cho mà đem bán cũng không ai mua lại nên cứ để ở góc nhà rất lãng phí” – chị H. kể.

Nhiều bệnh nhân đang điều trị nội trú tại Bệnh viện 103 đồng tình việc ăn theo chế độ của bệnh viện có lợi ích là đảm bảo vệ sinh, dinh dưỡng, rất tiện lợi vì được phục vụ tại chỗ… Thế nhưng, quy định này có những chỗ chưa hợp lý, như suất ăn không hợp khẩu vị, bệnh nhân không muốn ăn hoặc không muốn dùng sữa nhưng vẫn phải mua mà không được trả tiền mặt…

Một bệnh nhân đang điều trị tại khoa ung bướu cho biết bệnh viện chỉ có cơm, cháo hoặc sữa, trong giai đoạn xạ trị người rất mệt mỏi, không ăn được cơm, ngán cháo, muốn ăn bún, phở thì căng tin bệnh viện lại không có, nhưng bệnh viện cũng không cho cắt suất ăn hoàn toàn mà buộc phải đổi sang dùng sữa.

“Sữa được nhận lúc thanh toán ra viện, có lần nằm viện tôi nhận lại những 11 hộp sữa mà chẳng muốn uống, cho con nó cũng không uống” – bệnh nhân này nói.

Ăn theo chế độ bệnh lý

Khi trao đổi về vấn đề này, ông Trần Văn Khoa – phó giám đốc y vụ Bệnh viện Quân y 103 – khẳng định: “Bệnh nhân vào điều trị phải ăn theo chế độ bệnh lý, không thể thích gì ăn nấy”, đồng thời giải thích: “Điều này nhằm đảm bảo các vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, đủ dinh dưỡng để có thể điều trị và cũng tránh trường hợp ngộ độc, bệnh nhân ăn phải thực phẩm lẽ ra phải kiêng”.

Ông Khoa nói thêm bên cạnh việc dùng thuốc, chăm sóc thì vấn đề dinh dưỡng trong khi điều trị với bệnh nhân luôn được bệnh viện rất quan tâm, đây là một trong những nội dung nhằm nâng cao chất lượng điều trị tại bệnh viện. Bệnh viện có bộ môn dinh dưỡng riêng, có khoa dinh dưỡng và từ lâu đã xây dựng những chế độ dinh dưỡng khác nhau cho từng nhóm bệnh lý.

Bên cạnh đó, bệnh viện không hề khuyến khích bệnh nhân dùng đường, sữa, thậm chí hằng tháng đều có tổng kết từ các khoa và cảnh cáo những khoa nào có bệnh nhân sử dụng sữa nhiều bất thường. “Chỉ trừ trường hợp đặc biệt như là bệnh nhân sau mổ không ăn được thức ăn thông thường, bệnh nhân phải dùng ống xông… mới được cho dùng sữa” – ông Khoa nói.

Cũng theo ông Khoa, sữa được chỉ định cho bệnh nhân đều là những loại sữa phục vụ việc điều trị, được cả hội đồng về lương thực của bệnh viện thẩm định, đánh giá về chất lượng, giá cả và không phải là loại sữa thông thường ở thị trường. Điều này nhằm đảm bảo sức khỏe cho người bệnh, đảm bảo điều trị, còn tránh được việc bệnh nhân không sử dụng sữa mà đem bán ra thị trường.

Ông Phạm Văn Hiến, chủ nhiệm khoa dinh dưỡng Bệnh viện 103, cho biết: “Khoa dinh dưỡng của chúng tôi đã nấu ăn cho 7-8 nhóm bệnh lý khác nhau, mỗi ngày trên 10 thực đơn trong 10 năm nay nhưng chưa có một ca ngộ độc nào.

Ngoài ra, chúng tôi còn lập hội đồng bệnh nhân họp hằng tuần, ghi nhận những ý kiến của bệnh nhân về chất lượng bữa ăn, phục vụ, vệ sinh an toàn thực phẩm… và lúc nào cũng đạt yêu cầu” – ông Hiến nói. Do đó, ông Hiến cho rằng những phản ảnh của bệnh nhân nói trên có thể xuất phát từ sự hiểu lầm do không được phía khoa điều trị giải thích đầy đủ, cặn kẽ.

Đề nghị bảo hiểm chi trả tiền ăn điều trị

Theo ông Nguyễn Quốc Anh – giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện là một trong số rất ít bệnh viện sớm thành lập khoa dinh dưỡng lâm sàng. Với các bệnh nhân nặng, sẽ có kíp điều trị gồm bác sĩ, dược sĩ lâm sàng và chuyên gia về dinh dưỡng.

Ông Quốc Anh đánh giá nếu đảm bảo chăm sóc dinh dưỡng tốt bên cạnh phác đồ điều trị tốt, tỉ lệ bệnh nhân có biến chứng sẽ giảm. Bệnh viện Bạch Mai có trên 130 suất ăn bệnh lý cho từng nhóm bệnh nhân, như người sau mổ, người bị thận, người huyết áp cao…

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Gia Bình, trưởng khoa điều trị tích cực Bệnh viện Bạch Mai, cho biết thêm tại VN chưa có điều tra nào về tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân nói chung, nhưng năm 2011 khảo sát tại Bệnh viện Bạch Mai, những khoa bệnh nhân nặng như điều trị tích cực có tới 65% bệnh nhân suy dinh dưỡng.

Đến năm 2015 tỉ lệ này giảm xuống nhưng vẫn ở mức khoảng 50%, các khoa ít bệnh nhân suy dinh dưỡng hơn như khoa nội thì tỉ lệ này vẫn ở mức 20%. Ông Bình cho rằng các bác sĩ lâm sàng đấu tranh rất mạnh để bảo hiểm chi trả tiền ăn cho bệnh nhân nằm viện, bởi dinh dưỡng ở giai đoạn này thật ra là điều trị nhưng bảo hiểm vẫn từ chối.

“Nếu dinh dưỡng tốt thì bệnh nhân sớm được ra viện, chi phí điều trị cũng giảm, như vậy chi phí nói chung là giảm chứ không tăng”- ông Bình cho biết.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ Vũ Thanh, Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng, cho biết một nữ bệnh nhân bị rò thực quản sau mổ đã trở nên suy kiệt, giảm 10-12 kg cân nặng xuống chỉ còn 31,5 kg, sau khi được chăm sóc dinh dưỡng tốt, bệnh nhân tăng được 5,5 kg, đã đi lại được và vết rò thực quản tự liền, thức ăn lưu thông tốt qua thực quản.

“Khẩu phần ăn cho mỗi bệnh nhân được tính toán kỹ, nếu không đủ năng lượng thì bệnh nhân lâu phục hồi hơn. Nhưng truyền thống VN cứ bệnh là cho ăn cháo, trong khi phải 4 phần cháo to (khoảng 500ml, có 50 gam thịt, 50 gam gạo, 30-50 gam rau và 5ml dầu ăn) mới cung cấp 1.200 kcl, tương đương nhu cầu chuyển hoá cơ bản, còn người bệnh chúng tôi người nặng 50kg thì mỗi ngày phải ăn 10 phần cháo như trên mới đủ năng lượng”- bà Thanh cho biết.

Nhiều nhầm lẫn về dinh dưỡng

Theo bà Vũ Thanh, người dân vẫn kháo nhau rằng bệnh nhân ung thư không được cho ăn nhiều, nếu không thức ăn sẽ “nuôi” khối u và u càng phát triển. Nhưng thực tế khối u “ăn” cơ của người bệnh, dinh dưỡng vào cơ thể chuyển hoá thành cơ, mỡ… thì khối u lại “ăn” cơ. Nếu không đủ dinh dưỡng, người bệnh sẽ gầy mòn và u lại ăn tiếp khiến người bệnh không đủ sức chịu đựng hoá chất, phẫu thuật.

Bệnh nhân VN vì thế chỉ cần truyền hoá chất với phác đồ 70% lượng hoá chất thế giới sử dụng thì đã quá mệt và nhiều người không chịu nổi. Vì thế bác sĩ Thanh khuyên người bệnh ung thư nên tăng đạm, tăng vitamin, khoáng chất… trong khẩu phần.

QUỲNH LIÊN- LAN ANH