Miền Bắc gồng mình chống rét
Băng tuyết xuất hiện khắp nơi từ đỉnh Phia Oắc (Cao Bằng), Đồng Văn (Hà Giang), Sa Pa và Bát Xát (Lào Cai), Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Mộc Châu (Sơn La) đến Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Yên Tử (Quảng Ninh) và ngay cả Ba Vì (Hà Nội)…
Miền Bắc gồng mình chống rét
Băng tuyết xuất hiện khắp nơi từ đỉnh Phia Oắc (Cao Bằng), Đồng Văn (Hà Giang), Sa Pa và Bát Xát (Lào Cai), Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Mộc Châu (Sơn La) đến Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Yên Tử (Quảng Ninh) và ngay cả Ba Vì (Hà Nội)…
Người dân ở xóm Trung Trải (xã Phố Là, huyện Đồng Văn, Hà Giang) đốt lửa sưởi ấm chống lại giá lạnh do tuyết rơi – Ảnh: Quang Thế |
Tại Lạng Sơn lúc 7g ngày 24-1, do không khí lạnh tăng cường, nhiệt độ tại khu du lịch Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình) giảm sâu xuống đến -4,20C, xảy ra mưa tuyết. Đây là nhiệt độ giảm thấp nhất từ năm 2009 đến nay tại Mẫu Sơn, toàn bộ khu du lịch này chìm trong băng tuyết phủ trắng xoá.
Lạng Sơn: tuyết dày hơn 3cm
Ông Hà Văn Tiên, giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn tỉnh Lạng Sơn, cho biết do nhiệt độ xuống thấp, gió lặng nên đã xuất hiện mưa tuyết bay lả tả, bám vào ngọn cỏ, cành cây… rồi đóng băng, ở chỗ ẩm thấp nước đóng băng trên cây, nhiệt độ giảm liên tục nên đã có mưa tuyết xuất hiện dày đặc trên mặt đất với độ dày hơn 3cm.
Do không khí lạnh kèm theo mưa, nhiệt độ giảm xuống -4,20C nên mưa tuyết đóng băng trên mặt đường lên khu du lịch Mẫu Sơn, đường trơn, các phương tiện không thể đi lại được, giao thông ách tắc. Khu du lịch Mẫu Sơn gần như bị biệt lập. Một số du khách lên tham quan từ hôm trước đã bị kẹt lại ở khu du lịch Mẫu Sơn. Sinh hoạt của người dân vùng cao Mẫu Sơn gặp nhiều khó khăn do nước đóng băng và thời tiết quá lạnh.
Không chỉ ở Mẫu Sơn, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, hầu hết huyện thị trong tỉnh Lạng Sơn nhiệt độ giảm mạnh, trung bình 3-40C. Nhiều địa phương đã xuất hiện mưa đá hạt nhỏ 1-2mm.
UBND tỉnh Lạng Sơn đã có công điện khẩn yêu cầu các cấp ngành, địa phương chủ động triển khai những biện pháp bảo vệ sức khoẻ của người dân và phòng chống rét cho đàn vật nuôi, cây trồng trên địa bàn.
Ngành y tế chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh bảo đảm việc phòng chống rét cho người bệnh trong quá trình khám chữa bệnh, bố trí đủ cơ số thuốc cấp cứu, giường bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện cấp cứu thường gặp do thời tiết rét lạnh hoặc thời tiết thay đổi bất thường gây ra.
Du khách thích thú chụp ảnh với tuyết tại khu vực nhà thờ đổ, thị trấn Sa Pa (Lào Cai) – Ảnh: Nam Trần |
Sa Pa: hơn 300.000 du khách
Tại Lào Cai, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Tân Phong, phó chủ tịch UBND huyện Sa Pa, cho biết tính đến chiều 24-1 hơn 500ha hoa màu, thảo quả trồng tại địa phương đã bị ảnh hưởng do mưa tuyết kéo dài suốt những ngày qua.
Ông Phong cho biết thêm tình trạng thời tiết này tiếp tục kéo dài sẽ gây thiệt hại lớn tới đời sống cũng như nuôi trồng, sản xuất trên địa bàn huyện.
Theo ước tính của huyện, những ngày qua có khoảng 300.000 lượt khách du lịch đổ về huyện Sa Pa “săn tuyết”, chủ yếu các địa điểm có lượng tuyết rơi nhiều và dày.
Ghi nhận chiều 24-1, nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện đã xảy ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng, đặc biệt là những đoạn đường đèo từ TP Lào Cai lên thị trấn Sa Pa và các đoạn đường đi các nơi có tuyết rơi nhiều.
Nguyên nhân chủ yếu một phần do điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đường trơn trượt và phần nữa do chính du khách dừng đỗ xe để chụp hình gây ùn tắc.
Trẻ em ở thị trấn Phố Bảng (huyện Đồng Văn, Hà Giang) bước đi vội vã trong mưa tuyết – Ảnh Quang Thế |
Nghệ An: bệnh nhi co ro ngoài hành lang
Nhiệt độ xuống thấp đột ngột ngày 24-1 với nền nhiệt phổ biến dưới 70C khiến cuộc sống sinh hoạt của nhiều người dân ở Nghệ An bị đảo lộn.
Từ sáng sớm, không khí lạnh tràn về Nghệ An đột ngột khiến mọi người đều cảm nhận được cái lạnh buốt tê tái nhất từ đầu mùa đông đến nay. Thời tiết giá rét kèm theo mưa phùn khiến nền nhiệt độ giảm sâu.
Những người phải ra đường đều khoác lên người nhiều lớp áo ấm, khăn len, tất tay… kín mít từ đầu đến chân để tránh rét.
Tại khoa khám, điều trị tự nguyện Bệnh viện Sản nhi Nghệ An, nhiều phụ huynh chen chúc đưa con tới làm thủ tục khám, nhập viện vì trẻ mắc nhiều bệnh do thời tiết rét đậm đột ngột. Phần lớn trẻ mắc phải các bệnh viêm phổi, viêm mũi họng, tiêu chảy do virút rota, viêm đường hô hấp cấp, viêm phế quản.
Theo số liệu của phòng kế hoạch tổng hợp, số lượng trẻ đến bệnh viện khám, điều trị tăng 40-50% so với ngày thường, xấp xỉ 600-700 trẻ/ngày. Khoa hô hấp của bệnh viện phải kê thêm giường ở dọc hành lang vì bệnh nhi tăng đột biến.
Nhiều phụ huynh mệt mỏi, co ro trong tấm chăn mỏng nằm ở nhiều góc nhà, nơi kín gió trong khi phải “đồng hành” cùng con điều trị trong bệnh viện dài ngày.
Trong khi đó, tại các khu vực miền núi, biên giới như Tri Lễ (huyện Quế Phong), cửa khẩu Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn), nhiệt độ đo được có lúc xuống dưới 00C.
Ông Nguyễn Trọng Văn, chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, cho biết: “Nhiệt độ giảm sâu đột ngột, có lúc xuống dưới 00C. Mặc dù đến sáng nay chưa xuất hiện băng giá như năm 2014, nhưng nếu thời tiết những ngày tiếp theo còn duy trì như hôm nay thì khả năng ở các vùng núi cao sẽ xuất hiện băng giá”.
Bão tuyết hoành hành Tuyết khủng khiếp tràn qua bờ đông nước Mỹ khiến ít nhất 19 người thiệt mạng tính đến ngày 24-1 và làm hàng triệu người bị ảnh hưởng. Reuters dẫn lời các quan chức cho biết có 13 người thiệt mạng trong các vụ đâm xe do đường trơn trượt ở Arkansas, North Carolina, Kentucky, Ohio, Tennessee và Virginia. Một người chết ở Maryland và ba người tại New York khi đang xúc tuyết. Hai người chết vì lạnh ở Virginia. Tại New York, đây là cơn bão lớn thứ hai trong lịch sử thành phố với lượng tuyết rơi trong đêm 23-1 lên đến 68cm. Tại New Jersey, cơn bão gây ra những đợt triều cường lớn gây ngập lụt. Tại Washington, tuyết chôn lấp cả xe cộ. 11 bang đã ban bố tình trạng khẩn cấp do bão tuyết. New York áp dụng lệnh cấm đi lại tạm thời trên các con đường ở thành phố New York và Long Island, ngoại trừ phương tiện khẩn cấp, trong khi nhiều cầu, đường hầm ở New Jersey cũng bị tạm đóng. Ở thủ đô Washington DC, chính quyền ra lệnh ngừng hoạt động hệ thống tàu điện ngầm suốt cả ngày 24-1. Nhiều khả năng tình hình sẽ ảnh hưởng đến hoạt động tại Phố Wall vào thứ hai. Khoảng 3.500 chuyến bay tiếp tục bị huỷ ngày 24-1 và thêm ít nhất 600 chuyến bị huỷ ngày 25-1. Hãng hàng không United Airlines cho biết các chuyến bay sẽ chỉ được nối lại vào đầu tuần. Theo Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ, triều cường sẽ dâng cao hơn làm ngập các con đường ở New Jersey và Delaware. Tại Trung Quốc, Trung tâm Khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết nhiệt độ tiếp tục giảm 10-130C sáng 24-1 tại nhiều khu vực vùng tây bắc, bắc nước này và tiếp tục duy trì mức cảnh báo màu cam trước đợt lạnh khủng khiếp. Một số vùng như Nội Mông nhiệt độ được dự đoán xuống đến -410C. Trong khi đó nhiệt độ tại khu vực miền trung và đông Trung Quốc cũng thấp hơn trung bình 6-80c so với các mốc kỷ lục. |
Hà Giang: nấu tuyết lấy nước uống Đến chiều 24-1, nhiều thôn, bản, thị trấn thuộc địa phận huyện Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang) đã phủ một màu trắng xoá bởi mưa tuyết rơi nhiều trong đêm 23 và ngày 24-1. Những nơi mưa tuyết rơi nhiều nhất là thị trấn Phố Bảng, xã Phố Là, khu Cột Cờ Lũng Cú, thị trấn Đồng Văn (huyện Đồng Văn), xã Pả Vi, Xín Cái, Thượng Phùng (huyện Mèo Vạc). Chính quyền địa phương không chỉ thông báo qua văn bản xuống từng cơ sở mà còn dùng cả loa truyền thanh để tuyên truyền về việc phòng tránh rét cho người và gia súc ở những vùng tuyết rơi. Tại thị trấn Phố Bảng (Đồng Văn), đến trưa và chiều cùng ngày tuyết vẫn tiếp tục rơi. Tuyết rơi khiến cuộc sống người dân nơi đây dường như bị đảo lộn hoàn toàn bởi đến nguồn nước sinh hoạt cũng bị đóng băng. Tại xóm Trung Trải (xã Phố Là, Đồng Văn), nguồn nước bắc từ suối về các hộ dân đã bị đóng băng hoàn toàn. Người dân phải dùng cả băng tuyết để nấu sôi lấy nước sinh hoạt. “Nhà mình có ít củ cải chuẩn bị thu hoạch, nay tuyết vùi mất rồi. Ngoài vụ ngô, chúng mình chỉ có ít rau màu vừa là thức ăn cho con người vừa là thức ăn cho vật nuôi, nhưng đã mất vì đến khi tuyết tan rau màu cũng sẽ bị cháy hết…” – ông Thào Xía Chu (40 tuổi, ở xóm Trung Trải) cho biết. |