25/12/2024

Người bệnh lo lắng với viện phí tăng từ 1-3

Từ ngày 1-3, đa số bệnh viện tuyến trung ương và một số bệnh viện tuyến tỉnh sẽ bắt đầu tăng viện phí, nhiều dịch vụ sẽ tăng giá 2-3 lần.

 

Người bệnh lo lắng với viện phí tăng từ 1-3

 

 

Từ ngày 1-3, đa số bệnh viện tuyến trung ương và một số bệnh viện tuyến tỉnh sẽ bắt đầu tăng viện phí, nhiều dịch vụ sẽ tăng giá 2-3 lần.

 

 

 

 

Các giường bệnh tại khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM có 2-3 trẻ nằm ghép. Trời nắng nóng khiến các em nhỏ và người nhà càng thêm vất vả - Ảnh: Hữu Khoa
Các giường bệnh tại khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM có 2-3 trẻ nằm ghép. Trời nắng nóng khiến các em nhỏ và người nhà càng thêm vất vả – Ảnh: Hữu Khoa

 

 

Từ 1-7 trở đi, tất cả bệnh viện còn lại sẽ áp dụng mức viện phí này. Nhiều người bệnh đã tỏ ra lo âu.

Theo ông Nguyễn Nam Liên – vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế, do phần tăng viện phí lần này có nhiều yếu tố liên quan đến công của cán bộ y tế, như phụ cấp phẫu thuật thủ thuật, phụ cấp trực, tiền lương, nên những dịch vụ nào sử dụng nhiều vật tư y tế, máy móc xét nghiệm, cơ cấu ít nhân lực y tế thì sẽ tăng phí ít và ngược lại.

Viện phí tăng, 
chất lượng có tăng?

Chẳng hạn chụp PET CT, dịch vụ sử dụng để đánh giá nguy cơ di căn của khối u và một số chẩn đoán khác, ông Liên cho biết giá hiện hành là trên 21,3 triệu đồng/lượt chụp, phụ cấp cho cán bộ y tế là 246.000 đồng và tiền lương thêm 800.000 đồng, như vậy sau ngày 1-3, giá dịch vụ này là trên 22,3 triệu đồng, tỉ lệ tăng không nhiều so với toàn bộ chi phí dịch vụ.

Tuy nhiên với dịch vụ sử dụng nhiều công cán bộ y tế, chẳng hạn như dịch vụ phẫu thuật tạo hình khí phế quản thì phần phụ cấp phẫu thuật thủ thuật và tiền lương được đưa vào giá dịch vụ tới trên 2 triệu đồng/ca phẫu thuật.

Hay dịch vụ laser chiếu ngoài, hiện hành có giá 10.000 đồng/lượt, nhưng từ 1-3 trở đi thì viện phí với dịch vụ này được tính thêm phụ cấp tới 19.500 đồng và 3.500 đồng tiền lương cán bộ cho mỗi ca, tính chung viện phí mới sẽ là 33.000 đồng/lượt, gấp 3,3 lần so với hiện hành.

Cũng theo ông Liên, giá dịch vụ y tế bao gồm các chi phí như tiền ngày giường bệnh, tiền thuốc, tiền vật tư y tế, chi phí phẫu thuật thủ thuật…

Trong số này, tiền thuốc thường chiếm tới 50-60% tổng chi phí, số còn lại là tiền giường bệnh, tiền công phẫu thuật thủ thuật, viện phí mới sẽ tăng 40-50% chi phí ở nhóm này.

“Ở lần điều chỉnh viện phí năm 2012, liên bộ Y tế – Tài chính đã quy định các bệnh viện trích 15% tiền công khám bệnh và tiền ngày giường để đầu tư trở lại cho cơ sở khám chữa bệnh. Với đợt tăng viện phí lần này, do có kết cấu phụ cấp và lương vào giá nên công khám, tiền ngày giường có cao hơn, chúng tôi đang tính toán lại về mức bắt buộc bệnh viện phải đầu tư lại để nâng chất lượng dịch vụ” – ông Liên nói.

Theo ông Lê Ngọc Thành – giám đốc Bệnh viện E, so với các nước trong khu vực thì chi phí thay van tim hay các thủ thuật, phẫu thuật tim mạch khác ở VN chỉ bằng khoảng ½. Nhưng với mức viện phí sắp được điều chỉnh, ông Thành cho biết bệnh viện đang chuẩn bị sẵn nhân lực và trang thiết bị để đáp ứng nhu cầu chất lượng dịch vụ.

“Chúng tôi đã mời về bệnh viện nhiều chuyên gia giỏi về sản khoa, phẫu thuật thần kinh, xét nghiệm, cơ xương khớp, mắt…, nâng chất lượng đội ngũ song song với bổ sung thiết bị y tế hiện đại” – ông Thành chia sẻ.

TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, giám đốc Bệnh viện Hùng Vương TP.HCM, cho biết khi viện phí tăng, một bệnh viện tự chủ tài chính như Bệnh viện Hùng Vương sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Cụ thể, khi nguồn thu của bệnh viện tăng, thu nhập của cán bộ công nhân viên tăng lên, khi đó bệnh viện sẽ đòi hỏi người lao động làm nhiều hơn nữa, thay đổi thái độ với người bệnh tích cực hơn nữa.

Ngoài ra khi viện phí tăng, bệnh viện sẽ có điều kiện thay đổi cơ sở vật chất. Tuy nhiên, bác sĩ Tuyết cũng thừa nhận: tăng viện phí người dân sẽ rất khổ, do vậy phải phát triển bảo hiểm y tế toàn dân.

Bác sĩ Phạm Bảo Lâm, giám đốc Bệnh viện Q.Bình Thạnh, cũng cho rằng viện phí tăng sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho bệnh viện hoạt động. Việc tăng lương cho cán bộ công nhân viên sẽ gián tiếp thúc đẩy sự giao tiếp ân cần của nhân viên y tế với người bệnh. Đồng thời bệnh viện sẽ đầu tư máy lạnh, chỗ bệnh nhân ngồi chờ đợi, các trang thiết bị…

Mới đây, TP.HCM đã thông tuyến các bệnh viện quận huyện. Người dân có thẻ bảo hiểm y tế đăng ký khám bệnh tại một bệnh viện quận huyện trong TP có thể đến khám bệnh tại 23 bệnh viện quận huyện còn lại. Như vậy, các bệnh viện phải đổi mới vì nếu không đổi mới sẽ bị tụt hậu về chuyên môn cũng như không có sức “hấp dẫn” đối với người bệnh.

Người chưa có bảo hiểm y tế gặp khó khăn

Sáng 21-1, ngồi chờ khám bệnh tại Bệnh viện Q.Bình Thạnh, ông H.Q.H. (60 tuổi, ngụ ở Q.Bình Thạnh) tỏ ra lo lắng khi biết sắp tới sẽ tăng viện phí.

Ông H. cho rằng viện phí nên giữ ở một mức nào đó phù hợp với thu nhập người dân, chứ cứ tăng thế này sẽ khó cho người bệnh. Ông H. mắc bệnh cao huyết áp, cứ khoảng 1 tháng phải đến Bệnh viện Q.Bình Thạnh khám bệnh định kỳ. Ông có thẻ bảo hiểm y tế với mức đồng chi trả 20%. Những lần đi khám bệnh bác sĩ cho làm các xét nghiệm, ông phải đóng thêm 150.000 đồng. Nếu viện phí tăng, số tiền đồng chi trả mà ông phải đóng cũng sẽ tăng lên.

Tại Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội, chị Vũ Thị Huyền ở Gia Bình, Bắc Ninh cho biết chị đến đây để khám cột sống. Chị Huyền đau đã 1 tháng nay, không có bảo hiểm y tế nên tháng trước chị đến Việt Đức và mang 2 triệu đồng để đóng viện phí, kết quả bác sĩ chỉ định chụp cộng hưởng từ, chi phí là 1,7 triệu.

Nếu tính cả tiền khám, tiền thuốc chị Huyền không đủ tiền nên chị chỉ mua thuốc theo đơn, không chụp cộng hưởng từ. Kết quả là uống thuốc 1 tháng nay không đỡ, chị phải quay lại bệnh viện.

“Tháng trước tôi khám ở khoa 1C phí là 70.000 đồng/lượt, tháng này đã lên 100.000 đồng/lượt, nhà tôi hai vợ chồng đều không có bảo hiểm, nghe nói sắp tới sẽ tăng viện phí, nếu phải đi viện thì rất lo. Mà không đi thì mới 38 tuổi đã không quét nổi nhà, chỉ đứng và nằm chứ không thể ngồi xổm được vì quá đau” – chị Huyền cho biết.

Hiện có khoảng 25% dân số chưa có thẻ bảo hiểm y tế tương tự chị Huyền. Khi áp dụng viện phí mới, 25% dân số này sẽ bị ảnh hưởng.

Ông Phạm Lương Sơn, trưởng ban thực hiện chính sách y tế Bảo hiểm xã hội VN, cho biết: “Xu hướng ở các tỉnh là những người chưa có bảo hiểm y tế thì khi tính viện phí sẽ tính theo giá dịch vụ (khác với giá dịch vụ theo yêu cầu – PV). Người chưa có bảo hiểm y tế sẽ rất khó khăn và nên sớm tham gia bảo hiểm y tế”.

Làm sao cởi mở và thuận lợi về thủ tục để người dân mua thẻ bảo hiểm y tế nhiều hơn, làm sao để bảo hiểm y tế hấp dẫn và có lợi ích thật sự với người dân, đồng thời cải thiện ngay chất lượng dịch vụ y tế để giá viện phí tương xứng hơn với chất lượng dịch vụ?

Đó là điều cần tháo gỡ lúc này, nếu không chất lượng dịch vụ sau ngày 1-3 và với toàn bộ các bệnh viện là sau 1-7 vẫn chỉ là “cái bánh vẽ”, mà người bệnh từng ăn phải khi viện phí tăng năm 2012. Bên cạnh đó là những khó khăn mà người chưa có bảo hiểm y tế sẽ phải gánh nếu viện phí tăng.

Không bảo hiểm y tế, ảnh hưởng nhiều nhất

“Việc điều chỉnh giá viện phí lần này không phải là tăng chi phí để thực hiện các dịch vụ y tế mà là chuyển các khoản chi trước đây Nhà nước bao cấp trực tiếp cho các bệnh viện vào giá, chuyển phần ngân sách này sang hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế” – bà Đinh Thị Liễu, trưởng phòng tài chính kế toán Sở Y tế TP.HCM, cho biết.

Đối với bệnh nhân tham gia bảo hiểm y tế có mức hưởng quyền lợi 100% (quỹ bảo hiểm y tế thanh toán 100%) như người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, diện bảo trợ xã hội không bị ảnh hưởng khi điều chỉnh giá. Với người bệnh có mức hưởng quyền lợi 95%, đồng chi trả 5% như người cận nghèo, cán bộ hưu trí có bị ảnh hưởng nhưng không nhiều.

Riêng người bệnh phải đồng chi trả 20% có bị ảnh hưởng nhiều hơn. “Đối với bệnh nhân không có thẻ bảo hiểm y tế, việc điều chỉnh viện phí sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất nếu tiếp tục không tham gia bảo hiểm y tế” – bà Liễu phân tích.

Trong khi đó, ông Cao Văn Sang – giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM – cho biết năm 2016 quỹ bảo hiểm y tế của TP.HCM ước chi khoảng 6.600 tỉ đồng cho 12,5 triệu lượt bệnh nhân bảo hiểm y tế.

Với việc điều chỉnh giá viện phí lần này, ngoài 6.600 tỉ đồng đó thì năm 2016 ước chi sẽ tăng thêm tối thiểu 2.000 tỉ đồng. Hiện TP.HCM có hơn 73% dân số tham gia bảo hiểm y tế, như vậy việc điều chỉnh giá viện phí từ 1-3 sẽ tác động đến gần 27% dân số chưa tham gia bảo hiểm y tế.

LAN ANH – LÊ THANH HÀ – THUỲ DƯƠNG