Ra nước ngoài chữa bệnh: Chi tỉ đô vì sự ân cần
Nhiều người bệnh – nhất là bệnh nhân ung thư – đã chi tiền tỉ ra nước ngoài khám chữa bệnh, dù ở trong nước không thiếu bác sĩ giỏi, thuốc tốt.
Ra nước ngoài chữa bệnh: Chi tỉ đô vì sự ân cần
Nhiều người bệnh – nhất là bệnh nhân ung thư – đã chi tiền tỉ ra nước ngoài khám chữa bệnh, dù ở trong nước không thiếu bác sĩ giỏi, thuốc tốt.
Người dân nghe tư vấn về việc đi khám và điều trị bệnh ở nước ngoài tại một bệnh viện – Ảnh: Hữu Khoa |
Và cơn khủng hoảng văcxin dịch vụ vừa qua cũng khiến không ít phụ huynh bế bồng con trẻ ra nước ngoài chích ngừa.
Hiện nay có nhiều cơ sở y tế làm dịch vụ đưa bệnh nhân ra nước ngoài khám chữa bệnh. Ngoài các văn phòng đại diện của một số bệnh viện Singapore, Thái Lan…, một số công ty lữ hành cũng “bắt mối” đưa bệnh nhân ra nước ngoài khám chữa bệnh.
“Vì sao đi nước ngoài chữa bệnh?”
Nhiều người cùng chung đáp án: do thái độ phục vụ của bác sĩ nước ngoài nhẹ nhàng, ân cần hơn bác sĩ VN. Một người bệnh ở Hải Phòng, từng điều trị ung thư tại Singapore, kể khi bà nhận được kết quả chẩn đoán ung thư vú, hai vợ chồng quyết định ra nước ngoài để chữa bệnh. Tuy việc điều trị tốn kém, vất vả hơn so với trong nước nhưng thái độ phục vụ của bác sĩ khiến bà thêm động lực chữa trị.
“Khi trò chuyện, mắt bác sĩ nhìn bệnh nhân chăm chú, ông ấy hỏi rất kỹ từng tình huống bệnh lý, các y tá cũng vậy, họ luôn tươi cười. Khi luồn kim truyền, ống thông… họ đều làm rất nhẹ nhàng. Sự tận tụy chia sẻ của bác sĩ và nhân viên y tế an ủi tôi rất nhiều. Lúc cận kề cái chết, con người thường mong muốn được sống, lúc ấy tiền bạc không còn nhiều ý nghĩa. Trong khi đó, lúc đi khám ở nhiều bệnh viện trong nước, tôi phải chờ đợi rất lâu và bác sĩ chỉ hỏi có mấy câu là cho đi xét nghiệm, chụp chiếu, đến đâu cũng phải chờ” – bà kể.
Bà N.T.H. (57 tuổi, ở Q.Tân Bình, TP.HCM) chia sẻ: “Tôi qua Singapore điều trị vì một sự tình cờ. Nhưng qua đó rồi thì lại muốn có điều kiện để ở lại điều trị”. Nhớ lại những ngày đầu bị nghi ngờ mắc bệnh ung thư vú (cuối năm 1999), bà H. rất hoang mang, lo lắng.
Hết xét nghiệm tại Trung tâm Y khoa Medic (nay là Phòng khám đa khoa Hoà Hảo) sang Bệnh viện Ung bướu TP.HCM làm tiếp hàng loạt xét nghiệm chẩn đoán. Cuối năm 2004, bà thấy rất đau ở xương ức, chỗ mổ cắt ngực bị tấy đỏ lên. Khi đến phòng mạch tái khám, bác sĩ vẫn nói bà bị “phong thấp”. Sau khi làm xạ hình xương, bà được chẩn đoán di căn xương ức.
Trong lúc rối trí, bà nhận được lời khuyên của một bác sĩ là hãy qua Singapore tầm soát tổng thể của di căn. Tại một bệnh viện tư nhân ở Singapore, bác sĩ điều trị đề nghị bà mang sang mẫu đã sinh thiết ở VN để xét nghiệm lại. Kết quả hoá mô miễn dịch HER 2 dương tính, trong khi kết quả này trong nước là âm tính, bà quyết định điều trị tại Singapore.
Theo bà H., bác sĩ tại Singapore khám có trách nhiệm và rất tận tình, nói rõ ràng, thẳng thắn tình trạng của bệnh tật, khả năng cứu chữa, chi phí cần có… Khi về VN, gặp bất cứ vấn đề gì bà H. đều có thể gọi điện hoặc gửi email hỏi ý kiến bác sĩ.
Người bệnh muốn được nhanh chóng, thuận lợi
Theo bác sĩ Phan Thanh Hải – phó chủ tịch Hội Y học TP.HCM, chủ tịch Hội Hành nghề y tư nhân TP.HCM, bây giờ điều kiện đi nước ngoài rất dễ dàng, thông tin nhiều và có cả dịch vụ làm hết các thủ tục như đưa đón ở sân bay về khách sạn hoặc căn hộ để ăn uống, nghỉ ngơi, phiên dịch… nên số lượng bệnh nhân đi nước ngoài khá nhiều.
Tuy nhiên, chi phí khám chữa bệnh ở nước ngoài có thể gấp 4 lần, thậm chí gấp 10 lần trong nước nên không phải ai cũng đủ điều kiện.
Bác sĩ Phan Thanh Hải khẳng định về kỹ thuật cao, phương tiện chẩn đoán điều trị, hiện các bệnh viện lớn ở VN có đầy đủ. Những máy móc, thiết bị phục vụ cho chẩn đoán, điều trị ở nước ngoài có thì VN cũng có. Tay nghề của bác sĩ VN cũng “ngon lành”. Vấn đề còn lại lớn nhất mà bệnh viện VN chưa làm được đó là tổ chức khám chữa bệnh sao cho thuận lợi và nhanh chóng nhất cho người bệnh.
Chỉ cần so sánh cách làm việc của bác sĩ VN và bác sĩ Singapore đã thấy có sự khác biệt. Ở Singapore, bác sĩ dù là chuyên khoa nào cũng sẵn sàng cộng tác với bác sĩ đồng nghiệp để cùng chẩn đoán, điều trị tốt cho người bệnh tại một bệnh viện duy nhất.
Thông thường các bác sĩ của Singapore làm việc liên thông với nhau, không có chuyện bệnh nhân phải đi từ bệnh viện này sang bệnh viện khác để khám chữa bệnh, mà bác sĩ điều trị chính sẽ mời bác sĩ của bệnh viện khác đến giải quyết cho bệnh nhân được thuận lợi nhất.
Bác sĩ ngoại cũng sang học nghề ở ta
Trong khi đó, từ năm 2009 đến nay, bác sĩ Trần Ngọc Lương – giám đốc Bệnh viện Nội tiết T.Ư – đã đào tạo kỹ thuật phẫu thuật nội soi tuyến giáp cho khoảng 300 bác sĩ quốc tế, từ Ý, Singapore, Thái Lan, Pakistan, Úc, Bồ Đào Nha, Ấn Độ…
Đồng thời, Việt kiều sinh sống ở Anh, Nga, Đức, Mỹ, Úc về phẫu thuật nội soi tuyến giáp tại Bệnh viện Nội tiết T.Ư cũng rất đông, theo ông Lương là nhờ giá thành rẻ, chỉ tương đương 1/20 so với phẫu thuật cùng loại ở nhiều nước.
Một kỹ thuật khác VN đã làm chủ từ lâu với kết quả thành công khá cao là thụ tinh trong ống nghiệm. TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, giám đốc Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM), cho biết các kỹ thuật tiên tiến về thụ tinh trong ống nghiệm trên thế giới hầu như đã được các bác sĩ VN ứng dụng. Tỉ lệ thành công thụ tinh trong ống nghiệm tại VN tương đương các nước trong khu vực và trên thế giới là 40-45%.
Ông Nguyễn Văn Thạch, người tiên phong đưa nhiều kỹ thuật mới trong phẫu thuật cột sống ở châu Âu và Mỹ về VN, cho hay khi VN đưa robot vào phẫu thuật cột sống thì cả Đông Nam Á chưa nước nào áp dụng.
Hiện tại, theo đánh giá của ông Thạch, bệnh nhân phẫu thuật cột sống, tuyến giáp, tim mạch ở VN hầu như không còn hoặc rất ít đi nước ngoài, tuy nhiên điều trị ung thư thì VN còn chưa bằng nhiều nước trong khu vực, đặc biệt là hoá trị, xạ trị…
Song, theo bác sĩ Trần Ngọc Lương nhận định: “Như ở bệnh viện chúng tôi, dịch vụ chăm sóc toàn diện như vệ sinh thân thể, dinh dưỡng cho bệnh nhân thì bệnh viện vẫn chưa làm được, phải phối hợp với người nhà. Theo tôi, đây chính là lý do người bệnh VN vẫn đi ra nước ngoài”.
Theo thống kê của một lãnh đạo văn phòng đại diện Bệnh viện Singapore tại Hà Nội, trong 12 năm hoạt động tại thị trường VN, các nhóm bệnh người VN thường đi Singapore nhất là ung thư, tim mạch, cơ xương khớp, ghép gan, ghép thận, chấn thương thể thao. Trong đó, chi phí một ca ghép gan tại bệnh viện kể trên ở Singapore là 270.000 đôla Singapore, hơn gấp đôi tổng chi phí ghép gan tại Bệnh viện Việt Đức (VN).
Cải thiện chất lượng dịch vụ, khi nào?
Ông Lương Ngọc Khuê, cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho rằng rất khó ước tính khoản phí khám chữa bệnh của người VN ở nước ngoài, do người đi chi trả bằng nhiều hình thức không thống kê được… Tuy nhiên trong nhiều phát biểu gần đây, đại diện Bộ Y tế cũng cho biết chi phí khám chữa bệnh của người Việt ở nước ngoài khoảng 2 tỉ USD/năm.
Vậy làm sao để người bệnh cảm thấy yên tâm, thoải mái hơn khi khám chữa bệnh trong nước? Theo ông Trần Ngọc Lương, hiện việc thu viện phí tại VN mới ở 3/7 yếu tố cấu thành dịch vụ, sắp tới sẽ thu thêm yếu tố thứ 4, nếu tính đúng, thu đủ viện phí ở 7/7 cấu phần, chất lượng dịch vụ sẽ tăng.
Còn ông Nguyễn Văn Thạch cho rằng cần đào tạo thêm nhiều bác sĩ. Vấn đề chi trả cho bác sĩ cũng là điều mà ông Thạch băn khoăn. Theo ông Thạch, phí trả cho kíp bác sĩ mổ ca cong vẹo cột sống ở Singapore là 15.000 đôla Singapore (tương đương 240 triệu đồng), trong khi ở VN mỗi bác sĩ tham gia ca phẫu thuật được trả 150.000 đồng, nếu thời gian mổ kéo dài trên 6 giờ, các bác sĩ được trả thêm 150.000 đồng nữa là… 300.000 đồng.
“Mức phí này quá thấp. Hơn nữa một ngày mỗi bác sĩ chúng tôi cũng phải khám, điều trị cho nhiều chục bệnh nhân, nếu khám quá kỹ cho bệnh nhân này thì những người khác phải chờ lâu” – ông Thạch băn khoăn.
4 lý do ra nước ngoài chữa bệnh * Một, người bệnh mất niềm tin vào chẩn đoán, điều trị bệnh của mình do bác sĩ của bệnh viện này thì nói trị thế này, bác sĩ của bệnh viện khác nói trị thế kia. * Hai, người bệnh vào cơ sở điều trị ngoài việc quá tải phải chờ đợi lâu thì dịch vụ bệnh viện cũng không bằng bệnh viện nước ngoài, cơ sở vật chất chật chội, thủ tục hành chính nhiêu khê, phục vụ chậm trễ, lề mề. * Ba (số lượng lớn), thân nhân người bệnh thường có tâm lý khi người thân có vấn đề sức khoẻ nguy hiểm luôn muốn cùng góp sức lại để đưa người bệnh đi nước ngoài điều trị với suy nghĩ chắc là tốt hơn. * Bốn, một số người bệnh muốn bí mật về kết quả khám bệnh, tình trạng bệnh của mình. |
Thế mạnh du lịch chữa bệnh của Đông Nam Á Báo cáo nghiên cứu công bố ngày 9-12-2015 trên trang web của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết tổng doanh thu toàn cầu từ hoạt động du lịch chữa bệnh ước tính vào khoảng 60 tỉ USD/năm và mức tăng thường niên là 20%. Trong bối cảnh đó, các nước Đông Nam Á đang trở thành điểm đến hấp dẫn của loại hình du lịch này. Du lịch kết hợp chữa bệnh là loại hình dịch vụ được biết tới từ những năm 1980, đánh dấu bằng việc các nước như Costa Rica và Brazil bắt đầu chào mời dịch vụ khám chữa nha khoa, phẫu thuật thẩm mỹ giá rẻ cho khách hàng Mỹ và châu Âu. Theo đó, hàng loạt dịch vụ được tích hợp trong mô hình du lịch chữa bệnh. Từ phẫu thuật điều trị tim, mắt ở Malaysia tới phẫu thuật chuyển đổi giới tính ở Thái Lan. Đông Nam Á được xem như điểm đến nhiều tiềm năng của thị trường du lịch chữa bệnh. |