27/12/2024

Metro ‘né’ di tích

Dự án Metro tại TP.HCM đang triển khai đã khiến nhiều nhà văn hoá lo ngại công trình hiện đại này ảnh hưởng lớn đến các công trình kiến trúc cổ và không gian đô thị ở trung tâm Sài Gòn.

 

Metro ‘né’ di tích

 

Dự án Metro tại TP.HCM đang triển khai đã khiến nhiều nhà văn hoá lo ngại công trình hiện đại này ảnh hưởng lớn đến các công trình kiến trúc cổ và không gian đô thị ở trung tâm Sài Gòn.





Khu trung tâm Sài Gòn với nhiều di tích - Ảnh: Giản Thanh Sơn

Khu trung tâm Sài Gòn với nhiều di tích – Ảnh: Giản Thanh Sơn

“Đau đầu” với nhiều di tích

Do đi thẳng vào trung tâm thành phố nên dự án Metro đang triển khai “đụng” phải nhiều công trình văn hoá hàng trăm năm tuổi nên phải có sự điều chỉnh cho phù hợp. “Lúc đầu dự định hai tuyến metro sẽ chạy song song từ công viên 23.9 chui xuyên qua Nhà hát TP dưới độ sâu 16 m, rồi ra Ba Son xuôi theo xa lộ Hà Nội. Tuy nhiên, suy đi tính lại có thể bây giờ không ảnh hưởng nhiều đến kết cấu công trình Nhà hát TP nhưng rồi 100 năm, 1.000 năm sau thì sao? Đau đầu lắm”, Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM Lê Tôn Thanh băn khoăn.
Kiến trúc xưa trên các tuyến đường Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Lê Thánh Tôn… cũng được các chuyên gia nghiên cứu kỹ lưỡng. Cả một không gian đô thị đan xen nhau tại khu vực này: toà nhà Vincom, rạp Rex, phố đi bộ Nguyễn Huệ, chợ Bến Thành, thương xá Tax…
 
 
“Hiện nay, các công trình kiến trúc cổ và những công trình công cộng ở TP.HCM nào đã được đưa vào danh sách di sản thì sẽ được quản lý và bảo vệ theo luật.
Chúng ta gìn giữ quá khứ nhưng không cản trở sự phát triển năng động của TP. Tuy nhiên, trong lúc đang hoàn thiện các quy chế thì phải hạn chế thấp nhất sự tháo dỡ, đập bỏ…, nhưng giữa nỗ lực và thực tế vẫn còn nhiều khoảng cách do mỗi khi đụng tới di tích, các chủ đầu tư thường sợ bị đội thêm kinh phí”. (PGS-TS Nguyễn Trọng Hoà, Phó chủ tịch Hội đồng Quy hoạch – Kiến trúc, Phó ban chỉ đạo bảo tồn kiến trúc cảnh quan TP.HCM).
 
Tất cả yêu cầu đều phải hài hoà khi metro đi qua đây: đường nét kiến trúc, hạng mục di tích cái nào giữ lại, cái gì phá bỏ phải hết sức cân nhắc. Kiến trúc sư Thái Ngọc Hùng, Tổng giám đốc Công ty kiến trúc ATA, cho rằng: “Việc xây dựng hệ thống metro để giải quyết bài toán giao thông là điều nên làm, nhưng cố gắng để không phải “hô biến” di tích và chặt bỏ quá nhiều cây xanh. Sắp tới đây, khi TP.HCM triển khai dự án cầu bắc qua Thủ Thiêm, sẽ có một số cây xanh trên đường Tôn Đức Thắng có nguy cơ bị đốn hạ, rồi khi metro chạy ngang qua Ba Son cũng ảnh hưởng một phần cảnh quan cũ nơi đây”.
Được biết cơ quan chủ quản cũng vừa hoàn thành kế hoạch trùng tu thương xá Tax trình cơ quan chức năng. Vì gần với khu vực lối đi lên của metro nên hết sức cân nhắc. Theo ông Trần Văn Bắc, Phó tổng giám đốc Tổng công ty thương mại Sài Gòn: “Kế hoạch bảo tồn thương xá Tax sẽ bao gồm các hạng mục: bảng hiệu, mái đua che nắng dọc vỉa hè, các đường nét nhịp điệu của kiến trúc khối bệ thời kỳ đầu trên mặt đứng khối bệ (góc đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ), không gian sảnh chính, cầu thang từ tầng trệt lên lầu 1, có tay vịn và lan can bằng đồng cùng các chi tiết hoa văn thời kỳ đầu, các phần trang trí lót gạch mosaic tại không gian sảnh chính và các biểu tượng gà trống, quả cầu được đúc bằng đồng”. Như vậy, về tổng thể toà nhà, tuy là công trình hoàn toàn hiện đại kết nối với tuyến metro nhưng vẫn đáp ứng tất cả yêu cầu về thẩm mỹ, hài hoà với phong cách kiến trúc cổ của các toà nhà trong khu vực.
Đề cập vấn đề này, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM Huỳnh Văn Mười tha thiết giữ lại những gì đã thuộc về Sài Gòn, ông cho rằng: “Tại các nước, việc xây dựng metro trong lòng TP mới là điều quá dễ dàng nhưng ở TP.HCM hệ thống này đi qua trung tâm của một TP cũ mấy trăm năm tuổi, liên quan tới nhiều công trình kiến trúc cổ quý. Chúng ta chấp nhận hy sinh một số công trình nhưng phải làm sao để người đi xa Sài Gòn trở về vẫn nhận ra những nét thân thương cùng cảnh vật nơi đây. Đừng để mất nhiều thứ quá mà có lỗi với người xưa và mắc tội với con cháu sau này…”.
Kế hoạch giữ “hồn” của phố
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Tôn Thanh cho biết: “Theo kế hoạch với chủ đầu tư, thương xá Tax phải chấp nhận “hy sinh” lùi vào thêm 40 m để tháp thông gió của metro có điều kiện giấu được vào trong thương xá, như vậy vừa giữ kiến trúc đô thị xưa, vừa xây dựng hệ thống giao thông hiện đại. Riêng khu vực cảng Ba Son, nơi in dấu những năm tháng hoạt động cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, sau nhiều cuộc họp bàn căng thẳng, cân nhắc, cuối cùng hội đồng đã thống nhất giữ lại gần như toàn bộ khu di tích, trong đó có cả ụ tàu và xưởng cơ khí”.
Cũng theo ông Thanh, khu vực Nhà hát TP.HCM ban đầu dự kiến hai chiều metro sẽ cùng chạy song song dưới lòng đất. Tuy nhiên để bảo đảm chất lượng công trình đặc biệt này, các nhà nghiên cứu văn hóa, cơ quan quản lý và chuyên gia kỹ thuật đã bàn bạc và quyết định tại khu vực quan trọng này hai tuyến metro vốn chạy song song (một chiều đi, một chiều về) sẽ bị “bẻ” thành 1 đường trên (dưới lòng đất 16 m) và 1 đường dưới (sâu 45 m), dù kinh phí có tăng thêm nhưng lại nhận được sự đồng thuận rất cao, đến nỗi các chuyên gia nước ngoài khá… bất ngờ.
Công trình 6.000 tỉ “né” cây hơn 100 tuổi
Ảnh: C.T.V

Ảnh: C.T.V
Dự án xây dựng đường vành đai 2 Hà Nội (đoạn Nhật Tân – Xuân La – Bưởi – Cầu Giấy dài 6,4 km) có tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỉ đồng được khởi công từ tháng 3.2012, khi đến khu vực qua cổng làng Nghĩa Đô (Q.Cầu Giấy) bị vướng cây đa cao 20 m, tán rộng hơn 100 m2 có tuổi thọ trên 100 năm nằm án ngữ. Hà Nội quyết định giữ lại cây ở dải phân cách (ảnh), không đốn bỏ. Cách cây đa cổ thụ làng Nghĩa Đô khoảng 1 km, trên tuyến đường Võ Chí Công có một cây đa khác nhỏ hơn hiện cũng được giữ lại ở dải phân cách để có điều kiện bảo tồn, gìn giữ.

Lê Công Sơn