Đại hội (ĐH) Đảng 12 sẽ quyết định cuối cùng về nhân sự khoá mới và Quyết định 244 của T.Ư không cản trở các nhân sự mới được quyền ứng cử tại ĐH.
Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư Vũ Ngọc Hoàng:
T.Ư không cản trở việc ứng cử tại đại hội
Đại hội (ĐH) Đảng 12 sẽ quyết định cuối cùng về nhân sự khoá mới và Quyết định 244 của T.Ư không cản trở các nhân sự mới được quyền ứng cử tại ĐH.
Uỷ viên T.Ư Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư Vũ Ngọc Hoàng (ảnh), khẳng định việc Hội nghị T.Ư 14 thông qua danh sách đề cử nhân sự cho khóa tới chỉ là bước chuẩn bị đầy trách nhiệm của khoá tiền nhiệm đối với khoá sau.
Đại hội (ĐH) Đảng 12 sẽ quyết định cuối cùng về nhân sự khoá mới và Quyết định 244 của T.Ư không cản trở các nhân sự mới được quyền ứng cử tại ĐH.
Không phải như trên mạng viết
* Việc quy hoạch nhân sự nhiệm kỳ qua và chuẩn bị nhân sự cho ĐH Đảng 12 ở cấp T.Ư đã được thực hiện theo một quy trình cụ thể ra sao, thưa ông?
– Thứ nhất là các cấp uỷ và các ban trực thuộc T.Ư giới thiệu, các ủy viên T.Ư giới thiệu nhân sự quy hoạch vào T.Ư khoá tới. Số lượng giới thiệu khá nhiều, lúc đầu tôi nhớ gấp khoảng 5 lần số lượng nhân sự cần giới thiệu vào T.Ư. Sau đó, Bộ Chính trị dựa trên các giới thiệu, tổng hợp và rà soát lại, rồi đề xuất một danh sách lựa chọn trong số đó để đưa ra xin ý kiến Ban Chấp hành (BCH) T.Ư. Trên cơ sở đó, T.Ư thảo luận, bỏ phiếu kín. Ai được đa số phiếu đồng ý thì được vào danh sách quy hoạch BCH T.Ư khoá tới.
Về việc bầu Bộ Chính trị và phân công các chức danh chủ chốt khoá 12, thì do BCH T.Ư khoá mới quyết định. Khi bầu vào Bộ Chính trị cần có số dư bao nhiêu, khi phân công chủ chốt cần có mấy phương án để lựa chọn đều do T.Ư khóa mới quyết định, T.Ư khoá 11 không làm thay được. Với trách nhiệm của một cấp ủy tiền nhiệm thì giới thiệu một phương án để cấp uỷ mới nghiên cứu thôi
Uỷ viên T.Ư Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư Vũ Ngọc Hoàng
Về quy trình giới thiệu Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa mới, trước tiên dựa vào danh sách quy hoạch T.Ư khóa 12, các uỷ viên T.Ư khoá 11 phát hiện, giới thiệu nhân sự vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá 12, sau đó Bộ Chính trị chọn ra một danh sách dự kiến đưa vào quy hoạch, rồi đưa ra xin ý kiến T.Ư. T.Ư giới thiệu thêm, bỏ phiếu kín, để Bộ Chính trị căn cứ vào đó mà quyết định danh sách quy hoạch, số lượng khá nhiều.
Đến khi làm nhân sự cho ĐH, trên danh sách quy hoạch đó, Bộ Chính trị đề nghị T.Ư tham gia ý kiến chọn nhân sự để giới thiệu vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa 12. Sau đó Bộ Chính trị đề xuất một danh sách, BCH T.Ư giới thiệu thêm và xem xét, biểu quyết bằng phiếu kín thành danh sách để giới thiệu. Cũng có trường hợp trước đó Bộ Chính trị chưa đề nghị nhưng ra T.Ư giới thiệu thêm rồi bỏ phiếu đưa vào danh sách, và ngược lại.
Sau khi xong danh sách dự kiến giới thiệu vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đến việc bàn và giới thiệu nhân sự chủ chốt của Đảng (trong số quy hoạch Bộ Chính trị), gồm các chức danh Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội.
Trước đây, trong quá trình bàn đề án chuẩn bị nhân sự chủ chốt, quan điểm của T.Ư là nên tìm trong số các đồng chí Bộ Chính trị đương nhiệm, vì đã có quá trình tích lũy kinh nghiệm trước khi trở thành cán bộ chủ chốt, ít nhất có một khóa là Uỷ viên Bộ Chính trị. Bộ Chính trị khoá 11 có 16 người, khi T.Ư xác định độ tuổi để xem xét các trường hợp tái cử, chỉ còn lại 6 người, còn 10 người đã quá tuổi. Khi xem xét các chức danh “tứ trụ”, Bộ Chính trị và Tổng bí thư đề nghị xem xét trước tiên những nhân sự còn trong độ tuổi, tất cả trường hợp quá tuổi tạm thời chưa xem xét. Tuy nhiên, quá trình T.Ư xem xét bằng hình thức phiếu kín, với chức danh Tổng bí thư cho khoá tới, các đồng chí trong độ tuổi đạt số phiếu quá thấp, dẫn tới chưa chọn được nhân sự dự kiến Tổng bí thư từ các đồng chí còn trong độ tuổi.
Từ thực tế này, T.Ư quyết định phải có trường hợp đặc biệt, tức là trong số các nhân sự quá tuổi đang là ủy viên Bộ Chính trị khoá 11, phải có ít nhất 1 người ở lại. Trong T.Ư cũng có ý kiến nên ở lại 2 hoặc 3 trường hợp. Bộ Chính trị họp thảo luận và thống nhất đề nghị với T.Ư chọn phương án chỉ ở lại 1 trường hợp để bảo đảm tính kế thừa, ổn định và tạo điều kiện trẻ hoá cán bộ, nên không chọn phương án ở lại 2 – 3. T.Ư đã thảo luận qua 2 kỳ và quyết định chọn phương án giữ lại 1 trường hợp đặc biệt để giới thiệu Tổng bí thư. Tập thể Bộ Chính trị họp, thảo luận và thống nhất rất cao, giới thiệu 1 đồng chí ở lại tham gia khóa 12, còn 9 đồng chí uỷ viên Bộ Chính trị còn lại đều xin rút để tạo điều kiện trẻ hóa đội ngũ cán bộ. Theo chỗ tôi biết thì đây là nhiệm kỳ có số đồng chí uỷ viên Bộ Chính trị không tái cử nhiều nhất.
Các chức danh chủ chốt còn lại, chọn trong số uỷ viên Bộ Chính trị còn trong độ tuổi tái cử, T.Ư giới thiệu mỗi chức danh 3 – 4 phương án, sau đó xem xét lập danh sách và bỏ phiếu kín để chọn phương án giới thiệu, kết quả thống nhất rất cao, có trường hợp gần 96%.
* Như ông vừa nói, có thể thấy quy trình chuẩn bị, lựa chọn, giới thiệu nhân sự đề cử cho các chức danh chủ chốt của Đảng khoá tới đã được tiến hành chặt chẽ, công khai. Nhưng so với các tiêu chí đặt ra và phải tính đến trường hợp đặc biệt, có phải do khâu chuẩn bị nhân sự nguồn chưa đáp ứng kịp không, thưa ông?
– Tôi cho rằng, với thể chế của ta hiện nay, thì quy trình lựa chọn nhân sự cấp T.Ư nói trên là chặt chẽ, công khai, dân chủ. Thực tế, trong nội bộ đã thảo luận rất kỹ, dân chủ, thẳng thắn, chân thành, có trách nhiệm, chứ không phải như trên mạng viết.
Còn việc buộc phải tính đến trường hợp đặc biệt, hoặc có điều chỉnh tiêu chí để lựa chọn, đúng là do chuẩn bị cán bộ chưa kịp. Nhiệm kỳ này thực hiện quy hoạch lần đầu tiên nên dù đã làm được một số việc quan trọng, như quy hoạch danh sách BCH T.Ư, danh sách Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhưng riêng quy hoạch và chuẩn bị nhân sự chủ chốt thì chưa kịp nên T.Ư phải thông qua quyết nghị về việc chưa áp dụng đủ các tiêu chí về quy hoạch cán bộ chủ chốt như đề án lúc đầu.
Ngày 9.6.2015, BCH T.Ư đã ban hành Quyết định số 244-QĐ/TW về Quy chế bầu cử trong Đảng, áp dụng từ chi bộ đến BCH T.Ư. Việc bầu cử ở ĐH đại biểu toàn quốc của Đảng do ĐH quy định. Việc bầu cử trong Đảng thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ; bình đẳng, trực tiếp, đa số quá bán.
Quyền quyết định thuộc về ĐH
* Có ý kiến cho rằng, Quyết định 244 của T.Ư đã đưa ra những quy định hạn chế, ngăn ngừa các trường hợp tự ứng cử, đề cử nhân sự tại ĐH Đảng 12, để bảo vệ danh sách nhân sự do BCH T.Ư khoá 11 đề cử. Ông có ý kiến gì về cách hiểu này?
– Dư luận cho rằng Quyết định 244 đưa ra một quy chế bầu cử mất dân chủ, ở chỗ không cho ứng cử, đề cử. Hiểu như thế cũng chưa chuẩn. Thực chất, theo quy định của Quyết định 244, nếu anh là ủy viên cũ, anh đã trực tiếp tham gia họp bàn để thống nhất nghị quyết giới thiệu nhân sự này, nhân sự kia rồi, thì anh nên có trách nhiệm với nghị quyết chung ấy. Nghĩa là, quyết định này chỉ áp dụng với những người cũ đã ở trong cấp uỷ, còn những người mới được tham gia cấp uỷ lần đầu tại ĐH không vướng gì quy định đó cả. Ngay cả với người cũ được giới thiệu, thì quyền quyết định có ở trong danh sách đề cử hay không vẫn thuộc về ĐH chứ không phải do cấp uỷ quyết định. Còn quy chế bầu cử ở ĐH Đảng 12 thì do ĐH 12 quyết định chứ BCH T.Ư không được phép quy định cho ĐH phải thế này, phải thế kia.
Tất nhiên, theo tôi, việc này cần phải được tiếp tục nghiên cứu nữa, để đảm bảo quyền của các đảng viên trong việc bảo lưu ý kiến và ứng cử, đề cử một cách dân chủ và khoa học nhất.
* Thưa ông, trong quá trình đề cử nhân sự chủ chốt cho ĐH Đảng 12, có nhiều ý kiến đề xuất phải có số dư không, vì điều này sẽ giúp cho ĐH có thêm phương án cân nhắc, lựa chọn?
– Về việc bầu Bộ Chính trị và phân công các chức danh chủ chốt khoá 12, thì do BCH T.Ư khóa mới (12) quyết định. Khi bầu vào Bộ Chính trị cần có số dư bao nhiêu, khi phân công chủ chốt cần có mấy phương án để lựa chọn đều do T.Ư khóa mới quyết định, T.Ư khoá 11 không làm thay được. Với trách nhiệm của một cấp uỷ tiền nhiệm thì giới thiệu một phương án để cấp uỷ mới nghiên cứu thôi.
Để đi đến thống nhất phương án giới thiệu, tôi thấy Bộ Chính trị, nhất là 4 đồng chí chủ chốt, và BCH T.Ư đã suy nghĩ nhiều phương án, tính tới tính lui, nên thế này hay thế kia, và quyết định tập thể, chứ không phải kết quả ngẫu nhiên hoặc do ai áp đặt được.
* Từ khi thành lập Đảng đến nay, đã có nhiệm kỳ ĐH Đảng nào có thay đổi bất ngờ vào phút chót về nhân sự, so với sự giới thiệu của T.Ư khoá tiền nhiệm chưa, thưa ông?
– Theo chỗ tôi biết, các kỳ ĐH Đảng từ trước đến nay thỉnh thoảng cũng có một ít thay đổi nhưng không nhiều về nhân sự so với đề xuất của T.Ư. Nhưng tôi nghĩ dần dần sau này có thể có thay đổi nhiều hơn, vì cuộc sống và thông tin ngày càng đa dạng, nhiều chiều. Đó là chuyện bình thường. BCH chỉ chuẩn bị, tham mưu, còn quyết định là quyền của ĐH. Tại sao khi ĐH quyết định khác lại bảo là không bình thường? Mặt khác, với trách nhiệm tham mưu, T.Ư cần chuẩn bị kỹ lưỡng, khách quan, có trách nhiệm cao và cung cấp đầy đủ thông tin cho ĐH để ĐH xem xét quyết định. Được như vậy, tôi tin rằng ĐH sẽ chấp nhận căn bản phương án đề xuất của T.Ư, vì T.Ư sát tình hình nhân sự hơn.