Giải thưởng âm nhạc… xếp kho
Giải thưởng Âm nhạc của Hội Nhạc sĩ VN diễn ra hằng năm, có nhiều tác phẩm đoạt giải được đánh giá cao về chất lượng nhưng sau đó lại… nằm im, gần như không được công chúng biết tới.
Giải thưởng âm nhạc… xếp kho
Giải thưởng Âm nhạc của Hội Nhạc sĩ VN diễn ra hằng năm, có nhiều tác phẩm đoạt giải được đánh giá cao về chất lượng nhưng sau đó lại… nằm im, gần như không được công chúng biết tới.
Cuối tuần qua, lễ trao giải thưởng Âm nhạc Hội Nhạc sĩ VN 2015 diễn ra tại Nhà hát Âm nhạc Đài tiếng nói VN, Hà Nội. Giải thưởng được chia thành các hạng mục: Ca khúc, Ca khúc thiếu nhi, Khí nhạc (giao hưởng, thính phòng, hợp xướng và ca cảnh, ca khúc nghệ thuật – romance, chương trình biểu diễn), Lý luận (sách nghiên cứu lý luận phê bình, sách biên soạn, báo chí).
Một số hạng mục không có tác phẩm đoạt giải A, nhưng có hàng chục tác phẩm đoạt giải B, C và khuyến khích. Chẳng hạn, ở hạng mục Ca khúc có tới 6 giải B, 10 giải C, 15 giải khuyến khích.
“Nếu nhạc không được nghe…”
|
Theo đánh giá của ban tổ chức, số lượng giải của hạng mục Ca khúc là nhiều nhất. Đây cũng là hạng mục gần gũi với đời sống âm nhạc nhất. Tuy nhiên, sau đấy sẽ có bao nhiêu ca khúc trở nên phổ biến và được công chúng yêu thích? Không phải vô cớ mà câu hỏi đó được đặt ra suốt bao nhiêu năm qua. Bởi nhìn vào danh sách giải thưởng trước đây, có thể thấy không ít ca khúc vẫn còn nằm im trên bản thảo.
Nhắc đến câu chuyện này, nhạc sĩ Thụy Kha không lấy làm lạ vì tình trạng này đã tồn tại từ bao năm nay. “Không có tiền để dựng thì không thể quảng bá tác phẩm. Rất khổ cho giới âm nhạc, nếu nhạc không được nghe thì không tới được với công chúng”, ông giải thích và cho rằng lễ trao giải năm nay đã là một cố gắng rất lớn khi được truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình (kênh Quốc phòng) và giới thiệu 9 tác phẩm chọn lọc.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ VN, cho hay sau lễ trao giải thưởng hội sẽ không tổ chức chương trình nào để giới thiệu các tác phẩm nữa. “Chức năng của hội chỉ là nơi khuyến khích sáng tác, tổng hợp và động viên các nhạc sĩ thôi”, ông nói. Về việc nhiều tác phẩm được giải nhưng sau đó lại im lìm, chẳng được ai biết đến, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho rằng: “Đó là việc cần phải có sự nỗ lực phối hợp giữa tác giả với các đơn vị nghệ thuật, đơn vị biểu diễn… Còn để quảng bá cho các tác phẩm này đòi hỏi các đơn vị nghệ thuật hoặc các đơn vị theo dõi, nghiên cứu các tác phẩm mới thì người ta sẽ quan tâm”.
Chủ tịch Hội Nhạc sĩ VN cũng cho rằng vấn đề cốt lõi vẫn là kinh phí. “Nếu không có kinh phí thì tác phẩm chỉ biểu diễn trên sân khấu và cố gắng lắm cũng chỉ được 1 – 2 lần”, ông Quân nói.
Tốn kém nhưng không hiệu quả
Với những tác phẩm khí nhạc, thính phòng, việc dàn dựng tác phẩm đòi hỏi chi phí lớn và vẫn còn kén công chúng, thì chuyện chưa thể quảng bá, phổ biến có thể thông cảm. Còn các ca khúc gắn liền với đời sống thưởng thức âm nhạc thường ngày mà lại chưa được khán giả biết đến thì quả là khó hiểu. Theo đánh giá của những người chấm giải, ở hạng mục Ca khúc, nhiều bài giống nhau về phong cách, không có bài thật sự nổi trội, nhưng số giải được trao ở hạng mục này cũng lên tới 31 giải.
Một nhà nghiên cứu, phê bình âm nhạc nhìn nhận: “Có nhiều giải mang tính phong trào là chính, chưa có giá trị thực sự cho khán giả. Cuối năm, giải thưởng được chia đều cho mọi người. Tất cả cùng vui. Giải thưởng cũng không đặt ra tiêu chí đến với khán giả là quan trọng”. Còn một nhạc sĩ, xin được giấu tên, bày tỏ: “Các trại sáng tác thường được coi là cuộc đi chơi không mất tiền. Nhiều người vẫn coi đó là những thứ bổng lộc. Được nhận danh hiệu cũng kiểu bổng lộc giống như vậy nên chẳng ai quan tâm đến việc đưa tác phẩm đến với công chúng”.
Khi được hỏi, ca sĩ Mỹ Linh bày tỏ: “Từ lâu tôi không theo dõi giải thưởng này, chẳng hề biết ai và tác phẩm nào đoạt giải. Hội Nhạc sĩ VN như là một thế giới riêng, trong khi tác phẩm âm nhạc chỉ thật sự có giá trị khi đi vào đời sống, đi vào lòng công chúng. Hội nên thay đổi cách tiếp cận với công chúng, với giới trẻ. Ngay trong thành phần hội đồng xét giải thưởng này cũng đều toàn những vị khá lớn tuổi, thiếu vắng các nhạc sĩ trẻ. Hội Nhạc sĩ VN thiếu tiếng nói chung giữa các thế hệ và xa rời người nghe, vì vậy sáng tác chỉ để cất kho là chính. Theo tôi, cần thay đổi điều này, nếu không thật sự đáng tiếc khi giới âm nhạc có hẳn một hội nghề nghiệp nhưng lại đứng ngoài dòng chảy âm nhạc, đặc biệt là lĩnh vực ca khúc, thể loại âm nhạc thu hút nhiều công chúng nhất”.
Đồng quan điểm, nhạc sĩ Phú Quang nói: “Tác phẩm nằm trong ngăn kéo thì chẳng có giá trị gì. Vấn đề là ca khúc phải đến với công chúng. Giải thưởng do một số người được phép trao, mang nặng tính hình thức, ban phát cho nhau hơn là phát hiện ra tài năng, giá trị đích thực của một tác phẩm âm nhạc. Họ không dám mời những người có quan điểm khác chấm giải thì 10, 20 năm nữa vẫn thế, tác phẩm vẫn để cất kho. Nhà nước quan tâm đến văn học nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng nhưng do những người thực hiện dẫn đến hệ quả là cách làm của Hội Nhạc sĩ VN không tiếp cận được với công chúng. Tốn kém nhưng không hiệu quả”.
Danh sách 6 giải B hạng mục Ca khúc
Người đàn bà ngược nắng (Trần Nhật Dương), Anh có về Ban Mê không (Duy Thịnh), Hoa gạo đỏ màu hoàng hôn (nhạc: Phạm Minh Thuận; thơ: Hoàng Quang Khang), Có những tuổi hai mươi như thế (nhạc: Nguyễn Hồng Sơn; thơ: Trần Văn Giang), Chọc sàn bản em (Phạm Mạnh Cường), Nhớ hoàng hôn Hà Nội (Ngọc Khuê).
|
Đỗ Tuấn – Ngọc An