Phải “làm thật” trong kê khai, kiểm soát tài sản cán bộ!
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng thực trạng tham nhũng vẫn còn rất nghiêm trọng, làm suy giảm niềm tin trong nhân dân.
Phải “làm thật” trong kê khai, kiểm soát tài sản cán bộ!
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng thực trạng tham nhũng vẫn còn rất nghiêm trọng, làm suy giảm niềm tin trong nhân dân.
Ảnh: V.D. |
Trả lời phỏng vấn riêng báo Tuổi Trẻ, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đồng thời cũng muốn đóng góp ý kiến với Đại hội XII.
“Nhiều nước có quy định xử lý hoặc tịch thu tài sản không giải trình được nguồn gốc, trong khi VN lại chưa có quy định này |
Tổng Thanh tra Chính phủ HUỲNH PHONG TRANH |
* Thưa ông, tại sao biện pháp kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn thực hiện không có hiệu quả, trong khi các nước coi đây là biện pháp quan trọng để phòng chống tham nhũng (PCTN)?
– Sở dĩ chúng ta thực hiện hình thức, thiếu hiệu quả biện pháp này là do triển khai chưa thực chất và đặc biệt là đang thiếu các chế tài xử lý hữu hiệu đi kèm. Ví dụ, hiện nay pháp luật chưa quy định rõ chế tài xử lý tài sản bất minh khi không giải trình được nguồn gốc hình thành tài sản.
Đối tượng kê khai tài sản theo quy định hiện hành cũng quá rộng, với hơn 1 triệu bản kê khai như hiện nay thì rất khó khăn trong quản lý theo dõi và xác minh, giao cho cơ quan nào cũng khó mà làm nổi.
Kinh nghiệm một số nước cho thấy họ thực hiện kê khai với đối tượng khá hẹp, có nước thì 25.000 người, có nước chỉ 10.000 người, đồng thời chế tài xử lý đối với trường hợp kê khai tài sản không trung thực họ quy định rất nghiêm, có tác dụng răn đe rất cao (như ở Cộng hoà Pháp, Singapore…).
* Có người nói nếu đem trải gần 1 triệu bản kê khai tài sản ra
sẽ có chiều dài từ Hà Nội đến Đà Nẵng, nhưng chúng cũng không khác nhiều so với đống giấy lộn vì chưa giúp phát hiện trường hợp nào tham nhũng. Theo ông, phải thực hiện như thế nào để biện pháp này có hiệu quả?
* Nhìn lại một nhiệm kỳ công tác trên cương vị người đứng đầu cơ quan tham mưu trong PCTN, ông muốn tâm sự điều gì? – Là người đứng đầu ngành thanh tra, tôi nhận thấy rằng với sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước, sự hỗ trợ và giúp đỡ của nhân dân, của cả hệ thống chính trị, quyết tâm của ngành thanh tra thì thời gian qua đã làm được nhiều việc, góp phần vào sự phát triển của đất nước, đặc biệt là đóng góp vào xây dựng thể chế và đấu tranh phòng ngừa, phát hiện các hành vi có dấu hiệu tham nhũng. Cá nhân tôi với trọng trách được giao, tôi đã tận tâm làm việc hết sức mình để đóng góp vào cái chung đó. Tôi sẽ nỗ lực phát huy kinh nghiệm của mình năm năm vừa qua để góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn này, đồng thời xây dựng ngành thanh tra ngày càng vững mạnh hơn. |
– Theo ý kiến cá nhân tôi và kinh nghiệm một số nước mà tôi đã tham khảo, thì trước hết là chế tài pháp luật phải thật nghiêm minh, rõ ràng. Việc kê khai phải được kiểm tra như thế nào, công khai ra sao để đảm bảo trung thực, nếu không công khai và kê khai thiếu trung thực thì bị xử lý.
Đặc biệt nhiều nước có quy định xử lý hoặc tịch thu tài sản không giải trình được nguồn gốc, trong khi VN lại chưa có quy định này.
Tôi cho rằng đối tượng kê khai tài sản, thu nhập hằng năm cần thu hẹp lại để có điều kiện kiểm soát tốt hơn việc kê khai tài sản, thu nhập. Các trường hợp còn lại trong bộ máy thì chỉ theo dõi thường xuyên như quản lý tài sản ban đầu, kiểm soát thu nhập các giao dịch khác.
Khi thu hẹp đối tượng kê khai tài sản, thu nhập hằng năm thì chúng ta có điều kiện để làm thực chất, có thể giao cho một cơ quan quản lý có trách nhiệm, thẩm quyền xác minh tính trung thực của các bản kê khai. Qua kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập, nếu phát hiện vi phạm thì phải bị xử lý rõ ràng, triệt để.
* Vừa qua thanh tra một số địa phương như Hà Nội, TP.HCM báo cáo chín tháng đầu năm 2015 không phát hiện được vụ việc tham nhũng nào, ông lý giải tình trạng này như thế nào?
– Vừa qua thông tin chưa thật sự rõ ràng, chính xác khiến dư luận băn khoăn.
Trong chín tháng đầu năm, Thanh tra TP Hà Nội phát hiện chuyển cơ quan điều tra bảy vụ, Thanh tra TP.HCM chuyển cơ quan điều tra bốn vụ có dấu hiệu tội phạm. Nhưng đó có phải là tội tham nhũng hay không thì phải qua quá trình điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật mới khẳng định được.
Ngành thanh tra theo quy định của Luật thanh tra có trách nhiệm phát hiện hành vi tham nhũng nhưng đối với những hành vi có dấu hiệu tội phạm tham nhũng thì theo quy định của pháp luật phải chuyển ngay cho cơ quan tố tụng giải quyết. Có tham nhũng hay không phải trên cơ sở những bản án có hiệu lực pháp luật.
Như vậy, nói rằng Thanh tra TP Hà Nội, Thanh tra TP.HCM chín tháng đầu năm 2015 không phát hiện tham nhũng là chưa có cơ sở để khẳng định, và nếu hỏi ngành thanh tra của hai địa phương này có phát hiện tham nhũng hay không thì chúng tôi chỉ có thể trả lời là có phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng mà chưa thể khẳng định được đó là vụ việc tham nhũng.
Thanh tra Chính phủ các năm qua chuyển cơ quan điều tra nhiều vụ có dấu hiệu tham nhũng nhưng để khẳng định thì cuối cùng phải qua điều tra, truy tố, xét xử, toà án là cơ quan phán quyết cuối cùng.
Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận thẳng thắn rằng việc phát hiện các vụ việc để đấu tranh với tham nhũng vẫn là khâu yếu, trong năm 2015 chúng tôi thống kê thấy rằng có bảy tỉnh cơ quan thanh tra không chuyển cơ quan điều tra được vụ việc nào có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
* Báo cáo trước Quốc hội, ông nói rằng đã phát hiện tình trạng tham nhũng lợi ích nhóm trong một số lĩnh vực. Cụ thể như thế nào, thưa ông?
– Biểu hiện dễ thấy nhất đó là trong một số vụ án tham nhũng lớn có sự tham gia của nhiều đối tượng thuộc nhiều cơ quan nhà nước cấu kết với nhau thành một nhóm lợi ích để tham nhũng tiền, tài sản nhà nước.
Các hành vi tham nhũng của nhóm lợi ích thường được che chắn rất kỹ càng, bằng nhiều thủ đoạn tinh vi khiến các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra rất khó phát hiện, xử lý.
Năm 2015, qua thanh tra các ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cũng báo cáo là có lợi ích nhóm trong hoạt động ngân hàng.
Vừa qua xét xử một số vụ như vụ Công ty tài chính II của Agribank, hay vụ chi nhánh Agribank Nam Hà Nội gồm hàng chục đối tượng phạm tội liên kết với nhau làm thất thoát của Nhà nước hàng ngàn tỉ đồng cũng thể hiện rõ tham nhũng lợi ích nhóm.
* Cách đây hai năm, khi trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ, ông nhấn mạnh rằng sẽ tập trung đánh án tham nhũng lớn, nhưng thực tế đang cho thấy số vụ tham nhũng lớn được phát hiện lại giảm theo thời gian, trong khi tham nhũng vặt trở nên phổ biến?
– Ban Chỉ đạo PCTN trung ương có nhận định là tham nhũng vẫn nghiêm trọng, phức tạp, trong đó không loại trừ tham nhũng lớn, nhưng trong hai năm qua số lượng các vụ tham nhũng bị điều tra, truy tố lại giảm so với các năm trước.
Mặc dù số vụ việc giảm nhưng nhiều vụ tham nhũng lớn được các cơ quan chức năng tập trung điều tra, truy tố, xét xử với những bản án nghiêm minh, điều này cũng tạo thêm niềm tin cho xã hội trong công tác PCTN.
Còn đối với tình trạng tham nhũng vặt thì qua khảo sát, đánh giá cho thấy vẫn còn phổ biến, nguyên nhân là do chúng ta thực hiện các biện pháp phòng ngừa như cải cách hành chính, thực hiện công khai minh bạch, thay đổi quy tắc, lề lối làm việc… tuy đã tốt hơn nhưng vẫn chưa thực chất, hiệu quả.
Việc kiểm tra, thanh tra công vụ, phát huy trách nhiệm người đứng đầu cũng chưa tốt. Năm 2015, tin báo, tố giác tội phạm tham nhũng giảm và việc phát hiện tham nhũng đang gặp nhiều khó khăn bởi thủ đoạn tham nhũng ngày càng tinh vi, từ đó khâu phát hiện cũng giảm hơn năm trước.
Chúng tôi rất quan tâm, trăn trở trước thực tế này.
* Phải chăng do người dân, doanh nghiệp mất niềm tin nên người ta ít tố giác tham nhũng?
– Những tin tố giác, tố cáo tham nhũng có lúc chưa được xử lý rốt ráo, triệt để cũng có thể là nguyên nhân làm cho người dân, doanh nghiệp thiếu niềm tin và không mạnh dạn tố cáo tham nhũng. Nhưng có thể cũng có nguyên nhân do việc khen thưởng, biểu dương, bảo vệ những người tố cáo, tố giác tham nhũng chưa tốt nên người ta nghi ngại, sợ bị trù dập, trả thù.
Vì vậy, thời gian tới chúng tôi thấy cần phải quan tâm hơn trong việc tiếp nhận và xử lý tố cáo tham nhũng và phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp trong PCTN, theo đó bên cạnh khuyến khích, khen thưởng thì cần phải có đủ cơ chế để bảo vệ người tố cáo tham nhũng, có như vậy mới tạo được niềm tin cho người dân, doanh nghiệp cung cấp thông tin và tham gia đấu tranh, PCTN có hiệu quả.
* Thưa ông, với những tồn tại đặt ra, đặc biệt Đảng vẫn coi tham nhũng là giặc nội xâm, gây nguy cơ tồn vong chế độ, vậy nghị quyết Đại hội XII tới đây nên đặt vấn đề như thế nào để tạo bước ngoặt trong PCTN?
– Nghiên cứu dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII có một phần đề cập các chủ trương trong PCTN xem là một nhiệm vụ thường xuyên quan trọng, đồng thời cũng là nhiệm vụ khó khăn phức tạp, lâu dài.
Tôi thấy chủ trương đề ra trong dự thảo là đúng đắn, phù hợp, thể hiện quyết tâm chính trị rất cao trong cuộc đấu tranh PCTN, trên cơ sở kế thừa những kết quả và khắc phục những hạn chế trong công tác PCTN thời gian qua. Đây là cơ sở để từng bước bổ sung, hoàn thiện thể chế pháp luật về PCTN.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, Ban Chấp hành trung ương đã ban hành nghị quyết Hội nghị trung ương 4, kết luận Hội nghị trung ương 5, chỉ thị 33 của Bộ Chính trị và mới đây là chỉ thị 50 về vấn đề này, nội dung của các nghị quyết, chỉ thị trên nhằm chấn chỉnh, ngăn chặn suy thoái tư tưởng, chính trị đạo đức lối sống trong Đảng, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch vững mạnh, đề ra các chủ trương về phòng ngừa và phát hiện xử lý tham nhũng.
Tới đây, nếu chúng ta tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, nhất là hoàn thiện các quy định pháp luật, tổ chức, bộ máy, khắc phục những hạn chế, yếu kém thì tôi tin rằng công tác PCTN sẽ có kết quả tích cực và chúng ta sẽ thực hiện được mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng.