Nan giải việc hỗ trợ nữ công nhân mang thai nhiễm HIV
Phát hiện phụ nữ mang thai nhiễm HIV đã không phải là điều dễ dàng, nhưng để quản lý và điều trị cho những trường hợp này lại vô cùng khó khăn.
Nan giải việc hỗ trợ nữ công nhân mang thai nhiễm HIV
Phát hiện phụ nữ mang thai nhiễm HIV đã không phải là điều dễ dàng, nhưng để quản lý và điều trị cho những trường hợp này lại vô cùng khó khăn.
Trung tâm phòng chống HIV tỉnh Bình Dương cho biết, Bình Dương có đến 28 khu công nghiệp, số dân nhập cư chiếm gần nửa dân số của tỉnh nên việc quản lý người nghiện cũng như người nhiễm HIV rất khó khăn, đặc biệt là phụ nữ mang thai.
Rà soát lại số phụ nữ nhiễm HIV sinh con tại tỉnh từ 1-2014 đến 30-9-2015 cho thấy, có 96 phụ nữ mang thai nhiễm HIV sinh con, trong đó 68% là công nhân và 68% đến từ tỉnh khác.
Đây là những con số quản lý được trên cơ sở hồ sơ bệnh lý có địa chỉ cụ thể, còn lại rất nhiều trường hợp không quản lý được, nhất là nhóm phụ nữ nhập cư, việc quản lý phụ nữ thai nghén rất khó khăn, đặc biệt khi có đến 80-85% lao động nữ thuộc các khu công nghiệp.
Tỷ lệ xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai toàn tỉnh chỉ đạt 80% và toàn tỉnh mới chỉ có 1 cơ sở phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con triển khai cung cấp dịch vụ trọn gói.
Tại các khu công nghiệp, công nhân thường đi làm từ thứ 2 đến thứ 7 nên chỉ đi khám thai vào ngày chủ nhật, vì thế chủ yếu khám thai ở cơ sở y tế tư nhân. Một số công ty, xí nghiệp chỉ mua bảo hiểm y tế cho công nhân từ 40- 80%, thậm chí nhiều công ty chỉ ký hợp đồng ngắn hạn và không mua bảo hiểm y tế cho công nhân. Chính vì thế, một số công nhân nghèo, khó khăn và nhiều khi không có thời gian đi khám thai.
Bên cạnh đó, công nhân thường hay chuyển công việc nên việc quản lý gặp nhiều khó khăn. Trung tâm phòng chống HIV tỉnh không có được số liệu về phụ nữ mang thai trong các khu công nghiệp, vì vậy những phụ nữ này không có điều kiện hoặc tiếp cận muộn với dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Phòng y tế tỉnh có giới thiệu bệnh nhân đến các bệnh viện để khám và xét nghiệm, tuy nhiên không nắm được liệu bệnh nhân có đến khám, xét nghiệm HIV hay không và kết quả như thế nào.
Khó khăn nhất là nhiều trường hợp phụ nữ mang thai xét nghiệm dương tính với HIV nhưng cố tình giấu tình trạng bệnh, không uống thuốc dự phòng hoặc chuyển đến địa bàn khác để sinh con. Tình trạng “mất dấu” này khiến công tác quản lý và dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con càng trở nên khó khăn hơn.
Nguồn: Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm