Cẩn thận với lời kêu gọi hiến tạng
Những ngày gần đây, nhiều bạn đọc đã điện thoại, gửi email đến báo Tuổi Trẻ phản ảnh về việc xuất hiện một trang web, đi kèm với một trang Facebook, kêu gọi đăng ký hiến tạng.
Cẩn thận với lời kêu gọi hiến tạng
Những ngày gần đây, nhiều bạn đọc đã điện thoại, gửi email đến báo Tuổi Trẻ phản ảnh về việc xuất hiện một trang web, đi kèm với một trang Facebook, kêu gọi đăng ký hiến tạng.
Kíp mổ ghép thận từ người hiến thận chết não đầu tiên của Việt Nam tại BV Chợ Rẫy – Ảnh: N.T. |
Nhiều người dân đã điền vào mẫu đơn đăng ký với nhiều thông tin cá nhân nhưng không có phản hồi khiến họ hoang mang, lo lắng.
“Minh bạch thông tin giữa người hiến và người ghép là lý do trung tâm của chúng tôi đã ra đời. Một điều mới nữa là Bộ luật hình sự mới đây đã đưa tội mua bán mô tạng vào nhóm tội hình sự, thay cho trước đây chỉ là hành vi bị nghiêm cấm. Việc hình sự hoá tội mua bán mô tạng sẽ giúp quá trình hiến, ghép mô tạng ở VN được lành mạnh hơn |
Ông NGUYỄN HOÀNG PHÚC, phó giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về hiến ghép mô tạng, bộ phận cơ thể người |
Mập mờ mua – hiến tặng nội tạng
Trong khi đó, trong nhiều lần đi tác nghiệp, phóng viên báo Tuổi Trẻ thường xuyên bắt gặp trên các bức tường khoa thận nhân tạo Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội nhiều dòng chữ “quảng cáo” hiến tặng thận, có người thậm chí tự hoàn tất xét nghiệm để được tặng thận cho người khác một cách nhiệt tình. Không ít lần bệnh viện đã quét vôi mới, xoá đi các quảng cáo này nhưng lại có những người đến viết những dòng quảng cáo mới, rất hăng hái hiến đi một phần thân thể.
Tại trang Facebook “Tổ chức hiến tặng mô tạng VN”, một địa chỉ Facebook không được các cơ quan chức năng thừa nhận, cũng có rất nhiều lời đề nghị mua – bán mô tạng, có người cho biết đang làm mẹ đơn thân và muốn bán thận, có người muốn mua gan nếu có người có xét nghiệm phù hợp…
Theo ông Trịnh Hồng Sơn – một chuyên gia về ghép tạng và là phó giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội, một những yêu cầu khi hiến tặng mô tạng tại Việt Đức là có người thân ký vào các văn bản đề nghị hiến tạng, nhưng nhiều người đã đưa người thân giả đến ký với bệnh viện.
“Chúng tôi từng gặp một người rất tha thiết hiến tạng, trước khi hiến anh ấy đưa một phụ nữ và nói là vợ đến ký các loại giấy tờ, sau đó qua tìm hiểu thì được biết đó là vợ giả nên không chấp thuận cho hiến tạng. Chúng tôi có theo dõi và được biết cặp đôi đó đã hiến thận thành công tại Huế và sau một thời gian thì công an khám phá đường dây mua bán thận tại Huế“- ông Sơn cho biết.
Ông Nguyễn Hoàng Phúc – phó giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về hiến ghép mô tạng, bộ phận cơ thể người – cũng cho biết trong số những người đến tìm hiểu để hiến tạng, có những người rất đáng ngờ là muốn bán nội tạng, như chỉ muốn hiến cho người giàu, hoặc hỏi hiến tạng xong thì sẽ nhận được gì…
Gần đây Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) phát hiện một hồ sơ hiến tặng thận có nhiều thông tin giả mạo, sau đó ca hiến – ghép bị dừng lại do phát hiện có dấu hiệu mua bán tạng. Theo ông Phúc, người hiến và chờ ghép tạng có thể được kết nối minh bạch qua Trung tâm Điều phối quốc gia về hiến ghép mô tạng, bộ phận cơ thể người. Bệnh nhân suy tạng nên đến bác sĩ chuyên khoa khám và đánh giá xem có chỉ định ghép tạng hay chưa, khi có chỉ định, họ được cập nhật vào danh sách chờ ghép quốc gia.
Danh sách người hiến tặng tạng cũng được trung tâm cập nhật và các thứ tự ưu tiên trong trường hợp có người hiến tặng tạng là hiến tặng cho trẻ em, cho người bệnh cần cấp cứu, cho người từng hiến tạng nhưng nay không may bị suy tạng và kế tiếp là cho người có tên trong danh sách chờ ghép quốc gia.
Ba cách đăng ký hiến tạng
TS.BS Dư Thị Ngọc Thu, trưởng đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, hướng dẫn người dân có nguyện vọng đăng ký hiến tạng cứu người khi qua đời có thể đăng ký với đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Chợ Rẫy (viết tắt là đơn vị – PV) bằng ba cách. Một là có thể đến trực tiếp đơn vị để đăng ký.
Hai là có thể gửi thư tới đơn vị, trong đó ghi rõ họ tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại. Đơn vị sẽ gửi tờ đơn đăng ký hiến tạng khi qua đời về cho người dân qua đường bưu điện. Người dân ghi đầy đủ thông tin, dán hình và gửi tờ đơn này qua đường bưu điện đến đơn vị.
Sau đó, đơn vị sẽ làm thẻ đăng ký hiến tạng và gửi lại cho người dân. Cách thứ ba là người dân có thể gửi các thông tin qua email. Khi nhận được, đơn vị sẽ gửi đơn đăng ký hiến tạng qua email của người dân. Người dân sẽ in đơn ra, ghi đầy đủ các thông tin, dán hình vào, sau đó scan đơn lại và gửi email lại cho đơn vị. Đơn vị nhận được thông tin sẽ làm thẻ đăng ký hiến tạng và gửi thẻ qua đường bưu điện cho người dân.
Qua hơn một năm hoạt động, đến nay đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp nhận 1.372 người đăng ký tình nguyện hiến tạng cứu người khi chẳng may qua đời.
Chỉ có 2 địa chỉ chính thức được đăng ký Theo Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, hiện nay ở Việt Nam chỉ có hai địa chỉ chính thức được phép đăng ký và phát hành thẻ đăng ký hiến tạng. Một là đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Chợ Rẫy (201B Nguyễn Chí Thanh, Q.5, TP.HCM), điện thoại: (84-8) 38554137 xin số 1184 hoặc 1284, (84-8) 39560139, điện thoại nóng 24/24 giờ: 0913677016 hoặc email: [email protected]. Hai là Trung tâm Điều phối quốc gia về hiến ghép mô tạng, bộ phận cơ thể người (40 Tràng Thi, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội) ĐT: +84 4 39386692 hoặc ĐT nóng 24/24 giờ: 0915060550 hoặc email: [email protected], hoặc https://www.facebook.com/dieuphoigheptangvietnam. Ngoài hai địa chỉ đăng ký trên đây, các địa chỉ khác đều không thuộc quyền quản lý của Bộ Y tế và Nhà nước Việt Nam. |