24/01/2025

Mang bệnh vì tự dùng đông dược

Gần đây, ở Quảng Nam có loại củ rừng gọi là sâm núi được đào bới nhiều để bán về xuôi với lời đồn ngâm rượu uống tốt cho sức khoẻ. Tuy nhiên, chúng không phải là sâm và chỉ để chữa ho.

 

Mang bệnh vì tự dùng đông dược

 

 

Gần đây, ở Quảng Nam có loại củ rừng gọi là sâm núi được đào bới nhiều để bán về xuôi với lời đồn ngâm rượu uống tốt cho sức khoẻ. Tuy nhiên, chúng không phải là sâm và chỉ để chữa ho.




Một điểm bán “sâm núi”, nấm rừng dọc đường Hồ Chí Minh đoạn qua Quảng Nam. Muốn dùng chúng đúng cách, bạn nên hỏi bác sĩ Đông y - Ảnh: Tấn Vũ
Một điểm bán “sâm núi”, nấm rừng dọc đường Hồ Chí Minh đoạn qua Quảng Nam. Muốn dùng chúng đúng cách, bạn nên hỏi bác sĩ Đông y – Ảnh: Tấn Vũ

Tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn từ thị trấn Khâm Đức (huyện Phước Sơn, Quảng Nam) kéo dài qua huyện Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang… ở đâu cũng thấy sâm, nấm được bày bán.

Có nhiều bệnh nhân đến với tôi khi mặt đã nám đen, da dẻ sần sùi. Hỏi ra mới biết họ dùng nấm linh chi sắc uống quá liều

Lương y NGUYỄN ĐỨC NGHĨA

Sâm bán đầy đường

Nằm giữa đỉnh đèo đổ về huyện Nam Giang, hàng chục người dân bày bán một loại củ to bằng ngón cái, dài gần 2 gang tay, treo thành từng chùm với lời chào gọi là “sâm núi”. Gần đây, “sâm núi” mới được người dân săn lùng và bày bán với giá 60.000 – 70.000 đồng/kg. Củ màu trắng, nhai có vị ngọt nhẹ, người bán hàng bảo chỉ cần rửa sạch ngâm rượu vài tháng thì uống rất tốt cho sức khoẻ.

Bà Hồ Thị Năm, người bán hàng, cho biết “sâm núi” chỉ có vào cuối đông hoặc đầu mùa xuân, lá nhú lên khỏi mặt đất sau một mùa ngủ đông dài, người dân bắt đầu săn lùng nó. “Mình cũng chỉ nghe nói là uống tốt cho sức khoẻ và có người mua thì mình bán thôi. Dân ở đây đi đào trong rừng sâu mới có. Thường họ đi hai, ba ngày mới về, mỗi chuyến đi người kiếm vài chục ký. Chủ yếu là người dân có cải thiện thu nhập” – bà Năm nói.

Ngoài “sâm núi”, còn một loại rễ cây khác trông lởm chởm như rễ tre kết chùm lại to bằng nắm tay, rễ cây này trông rất giống với rễ cây ngô được người dân gọi là sâm cao cẳng. Sâm cao cẳng được người dân quảng bá là ngâm rượu uống chữa đau lưng và cũng được bày ra sạp chào bán.

Ông Nguyễn Hưng Quốc, người Đà Nẵng, chuyên đi công tác vùng núi, cho biết ông thích mua và sưu tầm các loại cây, củ, lá rừng về ngâm rượu. Tuy nhiên, khi nói về tác dụng của các loại cây thuốc này ông gần như mù tịt.

“Ngâm rượu thuốc để trong nhà chủ yếu là trang trí và đợi bạn bè đến quảng bá cho nhau thôi chứ tự tôi chẳng lúc nào uống. Chỉ nghe người bán củ quảng bá, bạn bè giới thiệu nhau thì mua về ngâm vậy thôi chứ tôi không biết tác dụng nó như thế nào. Rượu thuốc bổ dưỡng gì chưa thấy nhưng uống nhiều cũng say mờ mắt” – ông Quốc nói.

Xem một tấm hình về loài cây mà người dân gọi là “sâm núi” đang bán cho mọi người ngâm rượu, lương y Nguyễn Đức Nghĩa, người sưu tầm hơn 1.500 cây thuốc quý trồng trong vườn nhà tại TP.HCM, khẳng định đây chỉ là củ của cây bách bộ. Công dụng của nó chỉ để chữa ho, lao phổi, đàm, tẩy giun. Cây bách bộ hoàn toàn không bổ máu, gan, thận như đồn thổi.

Tự gây bệnh cho mình

Bà Nguyễn Thị Tuyết, chủ một cửa hàng ở thị trấn Khâm Đức, cho biết hằng ngày tại thị trấn này có gần 20 người vào rừng tìm sâm, nấm, cây, lá.. để bán. Bà mua tất cả các loại sản vật từ những người đi rừng, sau khi sấy khô, phân loại đóng gói bà chuyển về xuôi.

Bên trong cửa hàng này, hơn 50 bình rượu ngâm các loài cây, củ, rễ, thân, lá đến các loài nấm. Bà Tuyết nói tất cả đều có thể ngâm rượu được hoặc nấu nước để uống. Nấm uống tốt cho gan, thận. Cây mật nhân thì rất đắng nhưng chữa được “bách bệnh”. Sâm dây, sâm cao cẳng, lá vằn uống mát gan, lọc máu…

“Ở đây đa số bán cho các nhà xe du lịch hoặc xe khách đường dài. Khách mua làm quà biếu là chủ yếu. Ngoài ra một số nhà thuốc ở dưới xuôi đặt hàng thì mình chuyển xuống” – bà Tuyết cho hay.

Tuy nhiên, lương y Nghĩa giải thích việc hái, dùng cây thuốc điều quan trọng là đúng mùa, chế biến đúng cách và dùng đúng liều lượng. Người bệnh huyết áp và người không bị bệnh không thể dùng chung một loại thuốc.

Dùng cây thuốc không đúng cách và người dân tự dùng như hiện nay sẽ dẫn đến hai việc. Một là ngộ độc cấp tính: biểu hiện như nôn, ói, choáng váng… Hai là ngộ độc mãn tính: không có biểu hiện rõ ràng nhưng ngấm ngầm phá huỷ nội tạng, đặc biệt là gan, thận. Biểu hiện là người dùng cây lá thuốc lâu năm bị vàng da, nám mặt.

Ông Nghĩa kể: “Có nhiều bệnh nhân đến với tôi khi mặt đã nám đen, da dẻ sần sùi. Hỏi ra mới biết họ dùng nấm linh chi sắc uống quá liều. Cụ thể là mỗi ngày hơn 250gr. Triệu chứng này có thể gọi là ngộ độc nấm linh chi do liều cao”.

Ông Quốc nói người ta truyền miệng nhau dùng mật ong rừng trộn với nghệ bột uống hằng ngày rất tốt cho dạ dày. Tuy nhiên khi vợ ông dùng một thời gian thì phải dừng vì da của bà đột nhiên vàng như nghệ. “Vợ tôi phải dừng uống một thời gian thì làn da mới trở lại như cũ. Tôi nghĩ bà ấy dùng hơi nhiều nghệ” – ông Quốc phán đoán.

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Phương, phụ trách khoa Đông y Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, cho biết việc người dân tự dùng thuốc xảy ra rất nhiều điều phiền toái cho chính họ. Nhiều bệnh nhân đến đây chữa trị khi da đã đỏ lên, bong vảy toàn thân, men gan cao, chức năng thận giảm, hỏi ra mới biết do tự dùng cây thuốc không rõ nguồn gốc, hoặc cây thuốc, nấm, lá đã không được bảo quản đúng cách.

“Người dân dùng thuốc kiểu mách đâu chạy đó, hoặc cứ uống cây lá vào “không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc” sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường” – bác sĩ Phương cho hay.

TẤN VŨ ([email protected])