24/12/2024

Học sinh… tăng huyết áp

Đột quỵ vì tăng huyết áp không còn là bệnh của người lớn mà ngày càng phổ biến trong độ tuổi học sinh khi tỷ lệ học sinh thừa cân, béo phì tăng cao.

 

Học sinh… tăng huyết áp

 

Đột quỵ vì tăng huyết áp không còn là bệnh của người lớn mà ngày càng phổ biến trong độ tuổi học sinh khi tỷ lệ học sinh thừa cân, béo phì tăng cao.





Trẻ thừa cân sẽ khó khăn khi vận động - Ảnh: Lam Ngọc

Trẻ thừa cân sẽ khó khăn khi vận động – Ảnh: Lam Ngọc


Theo số liệu công bố năm 2015 của Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM, trong khi trẻ dưới 5 tuổi bị thừa cân, béo phì chiếm 21,9% thì độ tuổi THCS và THPT là 33,5%; tiểu học lên đến 51,8%.

Nhiều biến chứng từ béo phì
Bác sĩ Hoàng Thị Tín, Trưởng khoa Dinh dưỡng BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết: “Hằng năm khoa tiếp nhận rất nhiều học sinh (HS) tới khám và điều trị béo phì. Đa số phụ huynh khi thấy con có những biểu hiện bất thường như đau bụng, rối loạn tiêu hoá, suyễn… đưa tới bệnh viện khám thì phát hiện thêm béo phì và những biến chứng như rối loạn mỡ máu, cao huyết áp…”.
Bác sĩ Tín khẳng định hầu hết HS được đưa tới khám thì đã bị béo phì độ 2. Việc phát hiện muộn ảnh hưởng rất lớn tới việc điều trị vì ở giai đoạn này béo phì sẽ có những biến chứng ảnh hưởng đến xương khớp, làm dậy thì sớm, u nang buồng trứng (ở nữ), rối loạn mỡ máu. Thậm chí, có thể làm xuất hiện hội chứng u giả não làm cho trẻ đau đầu thường xuyên… ảnh hưởng rất lớn tới việc học.
Cũng theo điều tra của Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM, tỷ lệ cao huyết áp ở HS tiểu học là 13,4%, THCS 16,9%, THPT 19,1%; trong đó ở nam nhiều hơn nữ. Hầu hết các bác sĩ cho biết cao huyết áp là bệnh lý có thể trở thành bệnh mãn tính và thường xuất hiện ở người già. Khi HS bị cao huyết áp thường là biến chứng của bệnh béo phì trước đó. Bệnh trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến hệ tim mạch và hệ thận niệu, gây mệt mỏi, nhức đầu, tăng hoạt động của hệ cơ tim gây ảnh hưởng lâu dài và có nguy cơ bị xơ vữa động mạch dẫn tới đột quỵ.
Phải cứu lấy con em mình
Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM, cho biết tỷ lệ HS thừa cân béo phì liên tục tăng trong khoảng 15 năm trở lại đây. Bác sĩ Diệp chia sẻ: “Hầu hết phụ huynh đều thích con mình mũm mĩm nên khi thấy con hao hao là lo thúc ăn nhiều. Thậm chí, có phụ huynh còn đưa con tới bệnh viện, trung tâm để khám vì sợ thiếu dinh dưỡng, nhưng sau khi kiểm tra thì đã ở mức thừa cân”.
Trong khi trẻ cần những bữa ăn gia đình để cân bằng dinh dưỡng thì phụ huynh lại không có thời gian dành cho con. Mặt khác, HS quá bận rộn với việc học nên không có thời gian để tập thể dục và thường ăn các loại thức ăn nhanh như pizza, gà rán… Việc trẻ hấp thụ thức ăn công nghiệp với dư chất lớn và sinh hoạt theo xu hướng dinh dưỡng, vận động không có lợi như ăn nhanh, ngồi nhiều, chơi điện thoại thông minh nhiều… cũng là nguyên nhân dẫn tới béo phì.
Bác sĩ Tín cho biết các vấn đề dinh dưỡng nói trên cũng đến từ việc thiếu kiến thức về dinh dưỡng và vận động hợp lý. Ngoài ra, do tâm lý trẻ càng béo phì thì càng sợ hoạt động nên trẻ rơi vào vòng luẩn quẩn: lên cân thì lười hoạt động, lười hoạt động thì lại tăng cân… Hậu quả là trẻ khi đã tăng cân thì cứ tăng cân hoài; khi béo phì, tập thể dục trẻ cảm thấy bị đau cơ, mệt mỏi dẫn đến càng lười hoạt động.
Theo bác sĩ Tín, để trẻ có những thói quen tốt cần phải thay đổi lối sống, hành vi của những người cùng sống, cùng sinh hoạt. “Khi nói trẻ không ăn đồ ngọt thì trong nhà không nên để nhiều đồ ngọt, hạn chế mua thức uống có ga. Nói trẻ không xem ti vi thì mọi người nên cùng thực hiện… Bên cạnh đó, nhà trường và xã hội cũng cần tạo ra những sân chơi, những nơi hoạt động thể lực thể dục, thể thao miễn phí, có chương trình cho học sinh. Trường học nên tăng cường những môn học ngoại khoá, phải có sân chơi. Áp lực học hành cần được giảm bớt, nhà trường phải sắp xếp lại chương trình học để giảm tải cho HS, đồng thời tăng những môn hoạt động thể lực”, bác sĩ Tín chia sẻ.
Bác sĩ Diệp cũng đề nghị ngành giáo dục cần rà soát, sửa đổi, xây dựng các quy định cụ thể trong vận động, dinh dưỡng. Trong trường cần có chương trình can thiệp nhanh, đồng bộ, hiệu quả nhằm khống chế sự gia tăng thừa cân, béo phì ở HS. Mục tiêu là phát hiện sớm để báo gia đình phối hợp cùng với nhà trường theo dõi, đánh giá, khống chế tình trạng thừa cân béo phì trước khi có những biến chứng nguy hiểm. Bên cạnh đó trường học cũng cần sửa đổi và xây dựng chế độ dinh dưỡng, vận động phù hợp. Cần rà soát xem căn tin nên bán và không bán những gì.
Trẻ càng nhỏ, tỷ lệ béo phì càng cao
Theo báo cáo của bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp tại hội thảo Đánh giá phần mềm tình trạng dinh dưỡng HS diễn ra tháng 12.2015, trẻ càng nhỏ thì tỷ lệ béo phì càng cao. Tất cả những bé béo phì gần như 100% có nguy cơ tăng huyết áp ở ngưỡng chẩn đoán của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Còn theo bác sĩ Hoàng Thị Tín, hoạt động thể lực không phải là để tiêu hao năng lượng mà giúp cơ thể tiết ra hoóc môn tăng trưởng để đứa trẻ cao lên.

Lam Ngọc