Năm thứ hai thực hiện việc bỏ chấm điểm thường xuyên với học sinh tiểu học, không còn nhiều lời than ‘khó, khổ’ từ giáo viên, thay vào đó là những cách để thích nghi với cách làm mới, gồm cả việc ‘nhân bản’ các lời nhận xét.
Giáo viên nhận xét như ‘văn mẫu’
Năm thứ hai thực hiện việc bỏ chấm điểm thường xuyên với học sinh tiểu học, không còn nhiều lời than ‘khó, khổ’ từ giáo viên, thay vào đó là những cách để thích nghi với cách làm mới, gồm cả việc ‘nhân bản’ các lời nhận xét.
Từ “ngân hàng lời nhận xét”…
Ngoài ngân hàng đề thi, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm…, sau 2 năm Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 30 (bỏ chấm điểm thường xuyên, thay bằng nhận xét với học sinh (HS) tiểu học) thì một số địa phương lại hình thành “ngân hàng lời nhận xét” để giáo viên (GV) tham khảo, sử dụng…
Bà Nguyễn Thị Hải Lý, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Tĩnh, cho biết có rất nhiều cách hỗ trợ GV thực hiện tốt thông tư này. Để giảm thiểu thời gian ghi chép sổ sách cho GV ở những môn đặc thù và tiết kiệm kinh phí in ấn hồ sơ, đồng thời tiện cho việc theo dõi, quản lý của các nhà trường, Sở đã thiết kế một quyển sổ theo dõi chất lượng cho tất cả GV trong một lớp. Đáng chú ý, bà Lý nói thêm: “Nhằm giúp GV thuận lợi hơn trong việc nhận xét, đánh giá HS, tổ nghiệp vụ xây dựng ngân hàng lời nhận xét đưa lên diễn đàn để GV tham khảo, trao đổi, góp ý và vận dụng. Đây là một trong những giải pháp được GV và các nhà trường đánh giá cao”.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, “ngân hàng lời nhận xét” này đúng là đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều GV. Ví dụ, với môn tiếng Việt, lời nhận xét được gợi ý là: “Đọc to, rõ ràng hơn so với đầu năm, chữ viết đẹp, đều nét; học có tiến bộ, đã khắc phục được lỗi phát âm r/d/gi… Viết được câu có đủ thành phần, diễn đạt được ý của mình; chữ viết có tiến bộ hơn so với đầu năm học. Đọc lưu loát, diễn cảm (đối với lớp 4, 5). Viết có tiến bộ nhiều, nhất là đã viết đúng độ cao con chữ; có năng khiếu viết văn; kể chuyện tự nhiên, dí dỏm”.
Làm giáo dục cần nhất cái tâm và tình yêu con trẻ tuyệt đối. Hơn lúc nào hết, những thầy cô giáo hãy vì thế hệ học trò, hãy dành cho chúng sự yêu thương từ chính tấm lòng chứ không phải việc thực hiện một vài dòng nhận xét qua quýt chung chung như là sự đối phó
Giáo sư Hồ Ngọc Đại (Viện trưởng Viện Công nghệ giáo dục)
Việc hình thành “ngân hàng lời nhận xét” như vậy liệu có đúng với tinh thần của thông tư khi yêu cầu phải nhận xét sát với từng HS và điều này có khiến GV ỷ lại hay không? Giải đáp thắc mắc này, bà Hải Lý cho rằng Sở cũng luôn khuyến cáo đây chỉ là kênh thông tin để GV tham khảo, chứ không chép nguyên văn những lời nhận xét ấy để áp vào HS của mình. Một chuyên viên của phòng giáo dục tiểu học thuộc sở này giải thích thêm không phải GV nào cũng biết dùng những từ ngữ ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu nhất với HS và phụ huynh, nên lập ra “ngân hàng lời nhận xét” để GV tham khảo, biết cách sử dụng câu chữ trong nhận xét cho phù hợp.
Tuy nhiên, dù được khuyến cáo không chép lời nhận xét trong “ngân hàng” này nhưng thực tế không phải GV nào cũng có ý thức “chỉ tham khảo” mà thôi.
… Đến “tuyển tập mẫu nhận xét”
Nhiều địa phương khác cũng có những kênh chia sẻ, học tập kinh nghiệm nhận xét HS ở quy mô cấp trường, quận huyện.
Gần đây, bản mềm cuốn nhận xét mẫu dài tới 130 trang có tên Tuyển tập các mẫu nhận xét cho giáo viên tiểu học thực hiện theo Thông tư 30 được một số GV chia sẻ với nhau trên mạng xã hội, một số diễn đàn và được đón nhận rất hào hứng. Đó là kinh nghiệm nhận xét của rất nhiều GV tiểu học sau một năm thực hiện không đánh giá HS bằng điểm. Tài liệu này chia thành rất nhiều mục, trong đó có các mẫu nhận xét cụ thể như: nhận xét ghi vào học bạ tiểu học, nhận xét hằng ngày, nhận xét theo đối tượng HS, nhận xét dùng để ghi vào sổ theo dõi chất lượng… Các lời nhận xét mẫu được GV gạch đầu dòng rất cụ thể như: Nếu HS làm bài tốt, GV có thể nhận xét theo 20 mẫu câu: “Bài làm tốt, đáng khen/thầy (cô) rất hài lòng về bài làm của em. Tiếp tục như thế em nhé; Cô rất thích bài văn của con vì có nhiều ý hay, nên chia sẻ với các bạn con nhé/con làm tốt, cô khen ngợi con; Bài làm tốt, cô khen con…”.
Đối với HS chưa hoàn thành bài làm, GV có thể nhận xét theo 17 mẫu câu như: “Bài làm chưa đủ ý; em cố gắng hơn nhé!; Bài làm diễn đạt ý chưa trôi chảy, thiếu ý; em cố gắng hơn nhé!; Trình bày bài ẩu; em cố gắng hơn nhé!; Bài làm quá sơ sài; em cố gắng hơn nhé!…”.
Đừng hình thức hoá một chủ trương tiến bộ
GS Hồ Ngọc Đại, Viện trưởng Viện Công nghệ giáo dục, bày tỏ sự ủng hộ rất cao của ông đối với nội dung và tinh thần của Thông tư 30. Ông nhận định: “Thực ra, chỉ có người lớn là thích điểm số chứ trẻ con không hề quan tâm, nếu không có người lớn “nhồi” vào đầu chúng về điểm thì việc chúng có thích học hay không hoàn toàn không phụ thuộc chút nào về điểm cao hay thấp”. Tuy nhiên, GS Đại cũng cho rằng cần phải có thêm thời gian để có sự chuyển biến về nhận thức và thói quen của những người thực thi thông tư. “Làm giáo dục cần nhất cái tâm và tình yêu con trẻ tuyệt đối. Hơn lúc nào hết, những thầy cô giáo hãy vì thế hệ học trò, hãy dành cho chúng sự yêu thương từ chính tấm lòng chứ không phải việc thực hiện một vài dòng nhận xét qua quýt chung chung như là sự đối phó”, GS Đại nhấn mạnh.
PGS Nguyễn Hữu Hợp, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, thì cho rằng nếu nhà quản lý điều hành theo một lề lối làm việc cũ kỹ, máy móc, bắt buộc GV ghi nhận xét quá nhiều thì GV không còn thời gian và sức lực cần thiết cho việc dạy học. Chính vì vậy, ông Hợp đề nghị quản lý giáo dục cần đánh giá GV qua sự tiến bộ của HS. GV phải nắm chắc trình độ của mỗi HS lớp mình giảng dạy, chủ nhiệm để có thể trả lời những câu hỏi về khả năng nhận thức, năng khiếu, học lực, sự tiến bộ… từng HS.
Tại hội nghị với cán bộ quản lý giáo dục tiểu học vào cuối năm 2015, ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học – Bộ GD-ĐT, cũng chia sẻ: “Thông tư đã dần đi vào cuộc sống, HS đã bớt áp lực điểm số nhưng hiện có hơn 350.000 GV, không phải tất cả làm tốt, thầy cô đang trong giai đoạn biết làm”. Cũng theo ông Định, việc ghi nhận xét như thế nào trong vở HS cũng là cách để GV tự rèn luyện, nâng cao trình độ… Những khó khăn về các kỹ thuật nhận xét, đánh giá sẽ cần được tiếp tục điều chỉnh. Những gì được cho là hình thức sẽ được loại bỏ.
Nhận xét cần chính xác, công tâm
Đã có những giận hờn, tổn thương, buồn bã, thất vọng xảy ra giữa các HS sau khi kết thúc học kỳ 1 năm học 2015 – 2016.
Theo quy định của thông tư, HS bình chọn lẫn nhau và phụ huynh cùng phối hợp với nhà trường đánh giá HS. Thực tế diễn ra có những tình huống “dở khóc dở cười”.
Vài ngày sau khi bình bầu kết thúc học kỳ 1 năm học này, một HS lớp 4 tại Q.1 (TP.HCM) tỏ ra buồn bã và thất vọng về tình bạn. Em kể với mẹ: “Con với A thân với nhau vậy mà bạn không giơ tay chọn con, con buồn quá mẹ ơi”. Còn một HS lớp 1 ở Q.Bình Thạnh thất vọng và than thở với mẹ: “Bạn hay chơi với con cũng không bầu cho con nhưng con thấy bạn được bầu không giỏi hơn con”. Đến khi tìm hiểu, vị phụ huynh này mới biết con mình ít chơi với các bạn trong lớp nên không có sự giao lưu, gắn kết với bạn bè.
Chị N.H.Thịnh (làm việc tại Q.1) kể lại chuyện xảy ra ở lớp của con mình: “Khi đánh giá năng lực học tập, một GV lớp 5 đưa ra 3 HS để cho lớp bình chọn. Tuy nhiên, có nhiều HS đã không đồng tình, cho rằng 1 trong 3 HS đó không xứng đáng… Cuối cùng quyền quyết định vẫn là GV nhưng sau đó ngay cả HS được GV chọn nhưng bị các bạn trong lớp phản ứng cũng xin rút lui, không muốn nhận phần thưởng”.
Một GV lớp 1 tại Q.Tân Phú cho hay có sự cảm tính trong quá trình bình chọn của HS với nhau. Nhiều khi bạn này chịu chỉ bài cho mình là đã có ấn tượng tốt hơn bạn khác không chỉ bài… Phía phụ huynh cũng không thật sự thẳng thắn khi phối hợp đánh giá, nhận xét về con em của mình. GV này lấy ví dụ, ở tiêu chí đánh giá năng lực, có bé còn ỷ lại, chưa có ý thức tự phục vụ, cha mẹ hằng ngày vẫn phải soạn sách vở, đồ dùng học tập, nhưng phụ huynh lại đánh giá tích cực.
Trong khi đó, khá nhiều phụ huynh nói rằng GV nhận xét HS còn chung chung, HS vô tư với những đánh giá giống nhau như “Con làm bài chưa tốt” hoặc “Con làm bài tốt”… nên phụ huynh rất “mông lung” về khả năng, trình độ nhận thức của con em mình.
Một GV của Trường tiểu học Tân Sơn Nhì (Q.Tân Phú) cho rằng để không xảy ra những tổn thương cho học trò thì GV phải đưa ra được những nhận xét, đánh giá chính xác, công tâm. GV không thể hời hợt, có tâm lý làm cho xong. Đừng nghĩ cô nói gì trò cũng phải nghe theo mà quên rằng HS bây giờ thể hiện chính kiến khá mạnh mẽ.