24/01/2025

Bình chữa cháy ôtô “cháy” hàng

Những ngày đầu áp dụng thông tư 57 của Bộ Công an (hiệu lực từ 6-1) bắt buộc các ôtô từ 4 chỗ ngồi trở lên phải gắn bình chữa cháy, nhiều cửa hàng bán loại bình này tại TP.HCM, Hà Nội đã nâng giá lên với lý do khan hàng.

 

Bình chữa cháy ôtô “cháy” hàng

 

 

Những ngày đầu áp dụng thông tư 57 của Bộ Công an (hiệu lực từ 6-1) bắt buộc các ôtô từ 4 chỗ ngồi trở lên phải gắn bình chữa cháy, nhiều cửa hàng bán loại bình này tại TP.HCM, Hà Nội đã nâng giá lên với lý do khan hàng.

 

 

 

 
 
 

 

Người dân đổ xô đi mua bình chữa cháy cho ôtô sau khi thông tư 57 của Bộ Công an có hiệu lực. Tại một số cửa hàng bán bảo hộ lao động ở Hà Nội đã xảy ra tình trạng khan hàng và lên giá đối với các bình chữa cháy loại nhỏ - Ảnh: Nguyễn Khánh
Người dân đổ xô đi mua bình chữa cháy cho ôtô sau khi thông tư 57 của Bộ Công an có hiệu lực. Tại một số cửa hàng bán bảo hộ lao động ở Hà Nội đã xảy ra tình trạng khan hàng và lên giá đối với các bình chữa cháy loại nhỏ – Ảnh: Nguyễn Khánh

Trong khi phần lớn tài xế và chủ xe đều mua bình chữa cháy do Trung Quốc sản xuất vì giá rẻ, các chuyên gia cho rằng nên chọn những địa chỉ tin cậy, những nhà sản xuất có bảo hành.

Giá tăng gấp đôi

Theo ghi nhận tại TP.HCM ngày 7-1, nhiều cửa hàng bán thiết bị chữa cháy chỉ nhập hàng từ Trung Quốc, trong khi hàng của các nước khác không được ưa chuộng do có giá cao. Trong đó, bình chữa cháy dạng bột loại 1kg được các chủ xe chọn do nhỏ gọn.

Tại cửa hàng thiết bị phòng cháy chữa cháy CT trên đường Hồng Bàng (Q.5), giá bình chữa cháy loại 1kg của Trung Quốc bị đẩy lên 200.000 đồng/bình, trong khi trước đó chỉ 100.000 đồng/bình.

“Trước đây cả năm mới được bán một bình chữa cháy loại nhỏ nhưng chỉ sáng nay đã bán được cả chục bình. Giá tăng nhưng cũng hết hàng rồi” – chủ cửa hàng nói.

Khi hỏi về chất lượng sản phẩm, chủ cửa hàng trên cho biết bình chữa cháy tại cửa hàng được cơ quan chức năng kiểm định an toàn, đảm bảo chất lượng.

Một cửa hàng bán bình chữa cháy trên đường Hồng Bàng, Q.6 cũng cho biết giá bình chữa cháy loại 1kg dạng bột 170.000 đồng/bình.

Dù khẳng định để cả mấy năm không hỏng và có thể tái sử dụng khi hết bột nhưng nhân viên cửa hàng cũng dặn khách: “Khi di chuyển phải cẩn thận không để va chạm mạnh dẫn đến nổ bình. Ngoài ra, không để bình chữa cháy tại những nơi có nhiệt độ trên 60OC vì gặp nhiệt độ 
cao, bình dễ xì bột”.

Sáng cùng ngày, khi một tài xế tấp xe vào một tiệm bán bình chữa cháy không tên trên đường Âu Cơ (P.10, Q.Tân Bình) để hỏi mua bình chữa cháy loại 1kg, ông chủ tiệm cho biết chỉ còn hai bình xuất xứ từ Trung Quốc nhưng hét giá 250.000 đồng/bình.

“Trước đây chúng tôi chỉ bán 140.000 đồng/bình nhưng hàng mới nhập về có giá 180.000 – 200.000 đồng/bình nên phải tăng giá mà cũng không có nhiều hàng” – chủ cửa hàng nói.

Tại Trung tâm thiết bị phòng cháy và chữa cháy 4-10 (thuộc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP.HCM), nhiều khách hàng cũng đến tìm mua các loại bình chữa cháy cho ôtô từ 4-7 chỗ.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng (Hóc Môn) cho biết: “Con trai tôi lái xe đến đoạn cầu Tham Lương, Q.12 bị cảnh sát giao thông thổi lại kiểm tra. Nó đưa bình chữa cháy được gắn theo xe nhưng cảnh sát giao thông nói bình chữa cháy này không đúng quy định, yêu cầu phải mua một bình chữa cháy cho đúng quy định.

Tôi đi một số nơi tìm hiểu nhưng không biết bình có đạt chất lượng không nên phải lên tận trung tâm này để mua”.

Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) kiểm tra một ôtô về việc trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy trên xe. Trong ngày đầu các lái xe vi phạm chỉ bị nhắc nhở (ảnh chụp ngày 6-1 tại đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ) - Ảnh: Doãn Tấn
Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) kiểm tra một ôtô về việc trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy trên xe. Trong ngày đầu các lái xe vi phạm chỉ bị nhắc nhở (ảnh chụp ngày 6-1 tại đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ) – Ảnh: Doãn Tấn

Nên mua ở những nơi được cấp phép

Đại tá Nguyễn Quang Nhật, trưởng phòng tham mưu Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP.HCM, cho biết trên thị trường hiện có rất nhiều loại bình chữa cháy để gắn trên ôtô từ 4-9 chỗ hoặc các loại xe tải, với chất lượng và giá cả khác nhau.

Tuy nhiên, người mua nên đến các cửa hàng, trung tâm bán thiết bị, dụng cụ phòng cháy chữa cháy được cơ quan chức năng cấp phép để mua các loại 
bình đạt chất lượng.

Ngoài ra, khi mua bình chữa cháy nên chú ý bình phải có dán tem bảo hành, với thời gian bảo hành từ 6-12 tháng tuỳ loại. Nếu bình hết hạn sử dụng, người tiêu dùng phải mang đi kiểm tra hoặc thay bình mới.

Một số cơ sở bán bình chữa cháy không đạt chất lượng, có thể tự nổ… là do những loại bình này đã được nạp đi nạp lại rồi sơn phết cho mới trước khi bán. Cũng theo ông Nhật, Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy hiện không cấp kiểm định chất lượng các bình chữa cháy.

Đại tá Huỳnh Ngọc Quan, trưởng phòng hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP.HCM, cho biết hiện có nhiều loại thiết bị chữa cháy cầm tay như bình CO2, bình bột ABC… chủ yếu được nhập khẩu do VN chưa sản xuất được.

Do đa số bình chữa cháy này là bình khí nén, áp suất bên trong có thể gia tăng khi nhiệt độ gia tăng, nên những lo lắng bình chữa cháy này có thể phát nổ khi gặp nhiệt độ cao cũng có cơ sở.

Tuy nhiên, ông Quan khẳng định chuyện bình chữa cháy phát nổ hiếm khi xảy ra, bởi nhà sản xuất đã tính toán kỹ các điều kiện: nhiệt độ bình thường, nhiệt độ gia tăng, va đập…

Các điều kiện này được kiểm chứng thực tế và được các cơ quan chức năng nhà nước giám sát lại qua công tác kiểm định (thông số trên sản phẩm đều được nhà sản xuất cung cấp cùng sản phẩm – PV).

Mặt khác, theo ông Quan, đa số thiết bị chữa cháy được các nhà sản xuất khuyến nghị bảo quản tốt nhất trong môi trường từ -10OC đến 55OC, nên khả năng bình phát nổ ở nhiệt độ 50OC là không có cơ sở.

Tuy nhiên, mỗi bình chữa cháy đều có thời gian hoạt động nhất định, nên người sử dụng cần đưa đến các đơn vị chuyên môn để bảo hành, kiểm tra lại khi 
hết thời hạn bảo hành.

Một tài xế mua bình chữa cháy tại một cửa hàng trên đường An Dương Vương, Q.5, TP.HCM - Ảnh: Tự Trung
Một tài xế mua bình chữa cháy tại một cửa hàng trên đường An Dương Vương, Q.5, TP.HCM – Ảnh: Tự Trung

Kiểm định chỉ nhắc nhở

Cũng trong ngày 7-1, các trung tâm đăng kiểm tại TP.HCM cho biết ôtô từ 4-9 chỗ chưa có bình chữa cháy vẫn được kiểm định bình thường.

Ông Trần Kỳ Hình – cục trưởng Cục Đăng kiểm VN – nói: theo quy định của Bộ GTVT, trong hạng mục đăng kiểm không có nội dung kiểm tra bình chữa cháy đối với xe 4-9 chỗ ngồi. Nhưng chúng tôi đã yêu cầu các trung tâm đăng kiểm nhắc nhở mọi người biết có văn bản của Bộ Công an quy định về xe phải có bình chữa cháy.

Theo Cục Đăng kiểm VN, đến tháng 5-2015 cả nước có 951.811 ôtô 4-9 chỗ, trong đó Hà Nội có 266.484 xe và TP.HCM có 193.804 xe. Theo thông tin từ các trung tâm đăng kiểm ở TP.HCM, chỉ mới khoảng 50% ôtô 4-9 chỗ ngồi có bình chữa cháy. Như vậy, cần khoảng nửa triệu bình chữa cháy cho ôtô chưa được lắp đặt.

Một số lái xe cho biết chưa nghe quy định về việc trang bị bình chữa cháy nên chưa mua. Có trường hợp lái xe lấy bình chữa cháy từ trong cốp xe ra mới biết bình chữa cháy đã hết hạn sử dụng cách đây… ba năm.

Lãnh đạo một trung tâm đăng kiểm cho biết theo quy định, bình chữa cháy phải đặt trong xe ở nơi dễ nhìn, dễ lấy để xử lý kịp thời khi xảy ra cháy. Do đó, việc đặt bình chữa cháy trong cốp xe hoặc bình chữa cháy hết thời hạn sử dụng là 
không đúng quy định.

Xe dưới 9 chỗ không thiết kế nơi đặt bình chữa cháy

Đại diện nhà phân phối chính thức một thương hiệu ôtô nổi tiếng Đức tại VN cho biết các dòng xe này nhập khẩu về VN cũng không có thiết kế vị trí đặt bình cứu hoả.

Ngay khi biết được thông tin dự thảo quy định này, bản thân công ty ông đã có văn bản gửi cho nhà sản xuất tại Đức đặt vấn đề và được phản hồi rằng các dòng xe do hãng này sản xuất không có thiết kế vị trí để bình cứu hoả.

Người dùng muốn trang bị sẽ được bán kèm theo như linh kiện lắp thêm chứ không buộc phải có 
trong khoang hành khách.

Đại diện bộ phận sản xuất Công ty Toyota VN cho biết các dòng xe dưới 9 chỗ ngồi do công ty này sản xuất tại VN và các quốc gia khác cũng không thiết kế vị trí đặt bình cứu hoả vì không gian bên trong xe quá nhỏ, hơn nữa khá nguy hiểm cho hành khách ngồi trong xe.

Theo vị này, khi nhiệt độ bên ngoài 38OC, bên trong xe có thể lên đến 80OC nên một chiếc xe để liên tục ngoài nắng nóng sẽ có thể làm nổ bình cứu hoả.

Vị chuyên gia này cho biết ở nhiều quốc gia chỉ quy định bắt buộc các xe vận chuyển hành khách công cộng, xe buýt mini như Toyota Hiace (16 chỗ) nhập khẩu vào VN có thiết kế vị 
trí đặt bình cứu hoả.

Trong khi đó, đại diện tiểu ban kỹ thuật thuộc Hiệp hội Các nhà sản xuất và lắp ráp ôtô VN (VAMA) cho biết trong tiêu chuẩn thiết kế các dòng xe dưới 9 chỗ ngồi không có chỗ để bình cứu hoả.

Vị này cũng khẳng định ngay cả các quốc gia tiên tiến cũng không quy định xe dưới 9 chỗ ngồi phải lắp đặt các bình cứu hoả. Bởi nếu có quy định này, các nhà sản xuất đã bắt buộc phải thiết kế vị trí đặt bình cứu hoả, chưa kể tỉ lệ vụ cháy nổ trong xe là khá ít so với tổng số xe lưu hành tại các quốc gia đó.

Vị này cho biết trong tuần sau sẽ triệu tập một cuộc họp với các thành viên VAMA để tập hợp các ý kiến gửi Bộ Công an đề nghị có hướng dẫn cụ thể.

“Đối tượng điều chỉnh của quy định này là người tiêu dùng, nhưng do có liên đới nên các thành viên VAMA sẽ bàn, các quy định về an toàn, chất lượng xe lâu nay do Bộ GTVT quy định” – vị này nói.

Cũng theo vị này, trước đây Bộ GTVT từng có ý kiến không đồng tình khi có dự thảo ban hành về tiêu chuẩn nhưng không hiểu vì sao vẫn tồn tại. Hơn nữa khi xảy ra cháy nổ, người ngồi trên xe dưới 9 chỗ hoàn toàn có thể dễ dàng thoát ra ngoài trong thời gian ngắn.

Quy định này chỉ phù hợp với những loại xe buýt, xe vận chuyển hành khách, hàng hoá nguy hiểm chỉ có 1-2 cửa mới cần có bình cứu hoả.

LÊ NAM

Lo bình cứu hoả phát nổ

Ông Nguyễn Mạnh Thắng, đại diện diễn đàn OtoFun, cho biết nhiều thành viên trên diễn đàn này đang rất lo lắng khi cho rằng việc để bình cứu hoả trong xe có thể còn nguy hiểm hơn không có.

Theo ông Thắng, trên bình cứu hoả có khuyến cáo không để nơi nhiệt độ quá cao dễ bị nổ, trong khi VN ôtô để ngoài nắng trong những ngày hè nhiệt độ bên trong xe có thể lên đến hơn 70-80OC.

Các thành viên trên diễn đàn này cũng đặt nhiều câu hỏi như bình cứu hoả phải đáp ứng tiêu chuẩn nào, ai kiểm định chất lượng, bình chữa cháy bằng bột hoá chất hay khí, kiện ai nếu bình chữa cháy phát nổ…?

Ngoài ra, nhiều ý kiến trên các diễn đàn cho rằng quy định này sẽ dẫn đến tình trạng đối phó chứ không phải trang bị để tự bảo vệ mình.

L.N.

N.ẨN – Đ.THANH , – Đ.PHÚ – Q.KHẢI – S.BÌNH