23/01/2025

Truyện tranh đâu chỉ dành cho trẻ em

Trong khoảng một năm trở lại đây, truyện tranh dành cho người lớn của các tác giả VN xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường với đủ thể loại.

 

Truyện tranh đâu chỉ dành cho trẻ em

 

Trong khoảng một năm trở lại đây, truyện tranh dành cho người lớn của các tác giả VN xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường với đủ thể loại.





Hai nhân vật trong Thành Kỳ Ý: Thần phi Nguyễn Thị Anh (trái) và hoàng đế Lê Thái Tông - Ảnh: SAN

Hai nhân vật trong Thành Kỳ Ý: Thần phi Nguyễn Thị Anh (trái) và hoàng đế Lê Thái Tông – Ảnh: SAN


Sự trở lại của bộ truyện tranh dã sử Long Thần Tướng (của nhóm Phong Dương Comics) vào năm 2014 đã thành hiện tượng của truyện tranh VN, tạo cú hích cho nhiều dự án truyện tranh người lớn phát triển về đề tài và thể loại, từ dã sử, kinh dị đến viễn tưởng, hài hước, tiểu thuyết… 
Một nhóm bạn trẻ đã cùng sáng lập Công ty Comicola, tạo dựng cộng đồng truyện tranh lớn nhất VN hiện nay. Trên trang web của Comicola, độc giả có thể tìm thấy nhiều dự án truyện tranh dành cho người lớn đã xuất bản, chuẩn bị xuất bản, hoặc phát hành online.
Tiềm năng lớn
Long Thần Tướng được coi là dự án truyện tranh đầu tiên tại VN thực hiện theo hình thức crowdfunding (gây quỹ cộng đồng). Tiếp đó, nhiều truyện tranh người lớn đi theo hướng này, tác giả sẽ không còn phải chật vật tìm nhà xuất bản để hợp tác mà có thể tự phát hành tác phẩm với sự đóng góp của độc giả. Qua trang web Comicola, nhiều dự án truyện tranh được thực hiện theo hình thức crowdfunding thành công như: Long Thần Tướng (tập 2) trên 267 triệu đồng, Bad Luck (Nguyễn Huỳnh Bảo Châu) trên 143 triệu đồng, Tuyệt đỉnh sinh vật (Lê Mai Anh) trên 183 triệu đồng, Mật ngọt chết mèo (Đặng Ngọc Minh Trang) gần 120 triệu đồng, Quan trọng là phải đẹp trai (Bùi Đình Thăng) trên 101 triệu đồng, Truyện cực ngắn (Đào Quang Huy) trên 206 triệu đồng, Project ICON (Christ Hazard – Khánh Dương) gần 102 triệu đồng.
Giữa tháng 1 này, Thành kỳ ý - tiểu thuyết lãng mạn có yếu tố lịch sử VN đầu tiên của tác giả Annie Linh (Linh, 28 tuổi) và hoạ sĩ Bình Hải (San, 23 tuổi) sẽ phát hành. Đây là dự án được thực hiện cũng từ Comicola. Tiểu thuyết gồm 3 tập, lấy bối cảnh thời Lê Sơ (thế kỷ 15), bắt đầu từ chuyến tuần du xuống phía nam, hoàng đế Lê Thái Tông đã gặp gỡ và say mê nhan sắc Nguyễn Thị Anh, người con gái lai lịch bí ẩn. Chẳng ngờ việc nhà vua đưa Nguyễn Thị Anh nhập cung và sủng ái nàng lại mở màn cho hàng loạt sóng gió… Thông qua Comicola, Thành kỳ ý đã tìm được đối tác sản xuất – phát hành là Công ty sách Đông A. Theo Linh, sách đã nhận được giấy phép xuất bản của Nhà xuất bản Văn học, đang trong quá trình in và dự kiến ra mắt 5.000 bản.
Hoạ sĩ Thành Phong nhìn nhận: “Tiềm năng của thị trường truyện tranh VN dành cho người lớn không hề nhỏ”.
Vượt “cửa” kiểm duyệt
Nguyễn Khánh Dương, một trong các tác giả của bộ truyện tranh Long Thần Tướng, kể anh đã phải tạm dừng mọi công việc để xin vào nhà xuất bản theo dõi trong suốt quãng thời gian tập 1 của truyện được biên tập tại đây. Anh vẫn nhớ những chi tiết, hình vẽ bị biên tập viên cho là nhạy cảm, phải chỉnh sửa. Trong đó, có nhiều tình huống trớ trêu, như “trong một chi tiết, chúng tôi viết chữ “Xoẹt” (để diễn tả hành động đánh nhau – PV). Họ cho rằng chữ này to quá, bạo lực, ảnh hưởng đến độc giả trẻ và yêu cầu phải cắt bé đi một nửa. Có một nhân vật tốt nhưng theo kịch bản của chúng tôi ông bị chết. Một biên tập viên bảo với tôi phải để nhân vật này sống. Chúng tôi không biết làm thế nào. Tôi đành phải nói việc này khó quá, thôi tập này nhân vật chết, còn tập sau bọn em sẽ suy nghĩ làm thế nào để nhân vật hồi sinh lại”, Nguyễn Khánh Dương kể.
Cách đây 2 năm, truyện tranh Hàng xóm của Nguyễn Thành Phong đã được Trung tâm văn hóa Pháp dự định trưng bày trong triển lãm, nhưng cuối cùng bị cơ quan quản lý loại ra với lý do “từ tranh vẽ đến lời thoại không phù hợp thuần phong mỹ tục”. Tuy nhiên, truyện tranh này với câu chuyện rất đời thường ở một khu tập thể đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của độc giả khi được đưa lên trên mạng và “dán nhãn” 18+.
Ở góc độ khác, Nguyễn Khánh Dương cho rằng: “Cái khó là các nhà xuất bản chưa có thói quen biên tập cho truyện tranh người lớn”. Ngoài ra, theo anh cái khó nữa là VN chưa có thói quen phân độ tuổi cho truyện tranh. Trên thế giới, một số quốc gia như Nhật Bản đã áp dụng việc phân loại này. Điều đó giúp cho các tác giả thoải mái sáng tác, còn độc giả đọc được những tác phẩm phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý. “Khi tác phẩm dành cho người lớn xuất hiện trên thị trường thì các nhà xuất bản cũng cần phải thay đổi tư duy”, Nguyễn Khánh Dương nói.
Trả lời câu hỏi VN có tiến tới phân loại cho truyện tranh người lớn hay không, đại diện của Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết: “Đó là việc của thị trường, của nhà xuất bản. Cơ quan quản lý nhà nước không phân loại cái đó, mà chỉ làm đúng luật hay không đúng mà thôi”.
Ngọc An  

(ghi)

Nguyên Vân – Ngọc An