23/01/2025

Ký ức Hà Nội sơ sài, sai lệch

Nhiều chuyên gia cho rằng những tái hiện thủ đô trong Ký ức Hà Nội tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long (từ 31.12.2015 – 3.1) cẩu thả, sơ sài và sai lệch, cho thấy tư duy làm dịch vụ du lịch thiếu chuyên nghiệp.

 

Ký ức Hà Nội sơ sài, sai lệch

 

Nhiều chuyên gia cho rằng những tái hiện thủ đô trong Ký ức Hà Nội tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long (từ 31.12.2015 – 3.1) cẩu thả, sơ sài và sai lệch, cho thấy tư duy làm dịch vụ du lịch thiếu chuyên nghiệp.





Tàu điện mô hình bị bong tróc tại Ký ức Hà Nội - Ảnh: Trinh Nguyễn

Tàu điện mô hình bị bong tróc tại Ký ức Hà Nội – Ảnh: Trinh Nguyễn


Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình háo hức bao nhiêu khi đến Hoàng thành Thăng Long thì cũng bức xúc bấy nhiêu khi từ đó trở về. “Ôi phố Hàng Trống. Ôi phố Hàng Đào… Mượn thương hiệu Ký ức Hà Nội để tổ chức một hội chợ có bày cái xe tay, xích lô, xe máy, viết vẽ ba lăng nhăng chữ nghĩa lên tường. Mô hình tàu điện thì ọp ẹp, que chống giữa mô hình này thì rời tung… Nhà bạt lớn “Bia Hà Nội thuở ấy” bên trong chẳng có gì gợi lại kỷ niệm bia hơi Hà Nội thuở xưa ngoài chuyện xếp hàng mua bia, bàn, ghế, cốc hoàn toàn đồ của thế kỷ 21. Buồn quá, Ký ức Hà Nội đã bị người ta đánh tráo”, ông Bình chia sẻ.

Thiếu hồn Hà Nội
Một dãy phố cổ đã được dựng lại bằng mô hình. Đầu phố cũng có biển giải thích những cái tên, rằng phố Hàng Trống xưa có bán tranh dân gian và nghề thêu, phố Hàng Giày bán giày, phố Hàng Đào lụa tơ. Những đôi giày bày lưa thưa buồn bã trong gian hàng mà không có hoạt động làm giày. Không gian lụa tơ chỉ thấy vài tấm khăn áo, thêm một hai nong tằm nhỏ như chiếc nắp nồi cơm điện cỡ nhỏ. Phố Hàng Trống không một dấu tích loại tranh mà cứ đến tết người ta lại mua về nhà treo. Hình hao hao phố có đấy, nhưng thần hồn chẳng thấy đâu.
Khu ẩm thực, trên thực tế không hề gợi được cảm giác về những món Hà Nội tinh tế đúng điệu. Mọi món, trừ bún thang, đều được ăn theo kiểu thức ăn nhanh với cốc nhựa và hộp xốp.
Được chờ đón nhưng cũng gây ý kiến trái chiều nhất là chuyến tàu điện. Không thể di chuyển, cũng chẳng leng keng, giữa tàu sừng sững… một cột chống sập cho trần tàu. Vào ngày cuối cùng của Ký ức Hà Nội, thân tàu đã xước cả mảng, lộ cốt nâu bên trong. Không gian 3D tái hiện Hà Nội xưa với những hiệu sách, nhà cửa cũ cũng đơn điệu. Dưới bàn chất những tạp chí hoàn toàn không phù hợp khung cảnh.
Một triển lãm ảnh Hà Nội xưa được bày giữa sân hoàng thành. Những bức ảnh chỉ có chú thích ngắn ngủn kiểu: Góc chợ hoa Hàng Lược, Phố Hàng Hòm, Đường Mai Xuân Thưởng ngày nay… Để hiểu Hà Nội, có lẽ chú thích cần nhiều thông tin hơn thế.
Không như trông đợi
Trước đó, tại họp báo về Ký ức Hà Nội, Sở Du lịch Hà Nội cho biết đây là hoạt động để thu hút và xúc tiến du lịch, tạo sân chơi cho thủ đô nhân dịp Tết dương lịch. Theo đó, không gian phố cổ, các làng nghề sẽ được tái hiện. Khu giới thiệu ẩm thực Hà Thành có sự tham gia của nghệ nhân dân gian Ánh Tuyết. Hà Nội xưa sẽ trở lại với tàu điện, phố nghề, qua triển lãm ảnh cổ… Và tại hoàng thành, những điều đã hứa ấy đúng là cũng có, nhưng theo cách không như người ta trông đợi.
Biển báo của ban tổ chức cho thấy sẽ có phường thợ tại không gian phố cổ trong chương trình, do các nghệ nhân thuộc CLB Nghệ nhân văn hóa dân gian, Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội thực hiện. Nhưng khi chúng tôi tới triển lãm sáng 3.1, thợ thêu đã không tới Hàng Trống, thợ giày đã không biểu diễn tay nghề ở phố Hàng Giày… Tuyệt nhiên không có một video clip nào lấp đầy những khoảng trống Hà Nội được mong chờ ấy.
“Chúng ta làm hội chợ xúc tiến du lịch mà làm thô sơ thế này thì sẽ phản tác dụng. Dựng lại ký ức Hà Nội, thu hút khách đến Hà Nội có thể làm ít nội dung cũng được nhưng phải làm kỹ, làm tới. Nhất là khi bây giờ nhiều phương tiện nghe nhìn có thể hỗ trợ”, một cán bộ Viện Nghiên cứu du lịch nói.
Từ góc độ lễ hội, GS Ngô Đức Thịnh, Uỷ viên Hội đồng di sản quốc gia cho rằng cần lên tiếng về một xu hướng lễ hội phục dựng những điều đã có trong quá khứ nhưng lại không tới. “Chúng ta cần tôn trọng quá khứ bằng cách thực hiện những mô hình tái hiện kỹ lưỡng”, ông nói.
“Như thế nó mới là ký ức”
Trong khi đó, ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, cho rằng: “Cái rách và chống cột là do mình tạo dựng, ngày xưa thời bao cấp nó thế. Như thế nó mới là ký ức, nếu mới tinh thì là Hà Nội nay rồi. Còn bộ ảnh chỉ có được đến thế thôi, do GS Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử – NV) giúp. Đây là bộ ảnh mới nhất, bây giờ mới được phép công bố. Bổ sung chú thích thì để sang năm. Nghệ nhân đầy đủ hết, cô Ánh Tuyết, cô Mai Hạnh làm hoa. Nghệ nhân dệt lụa thì chắc có lúc nghỉ”.

Trinh Nguyễn