23/01/2025

Đổi mới quản lý dân cư bằng cơ sở dữ liệu quốc gia

Hộ khẩu – vấn đề khiến nhiều người gặp không ít phiền toái trong học hành, công việc, sở hữu nhà, xe… sẽ trở thành dĩ vàng nếu cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia được hoàn thiện.

 

Đổi mới quản lý dân cư bằng cơ sở dữ liệu quốc gia

Hộ khẩu – vấn đề khiến nhiều người gặp không ít phiền toái trong học hành, công việc, sở hữu nhà, xe… sẽ trở thành dĩ vàng nếu cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia được hoàn thiện.

 

Cán bộ tư pháp phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP.HCM hướng dẫn người dân khai cấp giấy khai sinh theo Luật hộ tịch mới vào ngày 2-1-2016 - Ảnh: Hữu Khoa
Cán bộ tư pháp phường Bình Hưng Hoà, quận Bình Tân, TP.HCM hướng dẫn người dân khai cấp giấy khai sinh theo Luật hộ tịch mới vào ngày 2-1-2016 – Ảnh: Hữu Khoa

Từ ngày 1-1-2016, Luật hộ tịch có hiệu lực thi hành trên cả nước. Các cơ quan nhà nước liên quan đã chuẩn bị sẵn sàng để triển khai ngay các thủ tục đăng ký hộ tịch với rất nhiều tiến bộ, thuận lợi cho 
người dân.

Trong số đó, khi đăng ký khai sinh cho trẻ tại UBND cấp xã thuộc bốn thành phố thí điểm gồm Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM thì trẻ sẽ được cấp số định danh cá nhân.

Số định danh cá nhân được cấp cho mỗi công dân Việt Nam (nhằm mã hoá những thông tin cơ bản của công dân), không lặp lại ở người khác, được quản lý trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đối với người dưới 14 tuổi, số định danh cá nhân được ghi vào giấy khai sinh và đây chính là số thẻ căn cước công dân của người đó khi đủ tuổi được cấp thẻ căn cước công dân.

Ông Nguyễn Công Khanh – cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Bộ Tư pháp – khẳng định đó là quy định mang tính cách mạng trong công tác quản lý hộ tịch và quản lý dân cư.

Sau khi thí điểm ở bốn thành phố, đến lượt tất cả tỉnh thành thực hiện. Đến năm 2020 hoàn tất kết nối thì quốc gia có đủ kho cơ sở dữ liệu hộ tịch, đó là tài sản khổng lồ của quốc gia.

Các bộ, ngành sẽ sử dụng dữ liệu chung đó để khai thác được tất cả các yêu cầu quản lý nhà nước liên quan đến hộ tịch.

Cơ sở dữ liệu quốc gia là tiền đề quan trọng để tiến tới mục tiêu cắt giảm nhiều loại giấy tờ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân khi tham gia giao dịch, thực hiện thủ tục hành chính, hộ tịch tại bất cứ nơi đâu trên toàn quốc, bằng bất cứ phương thức nào, đơn giản như qua mạng.

Một thời gian dài, cả đến bây giờ, tư duy, phương thức quản lý dân cư thông qua hộ khẩu vẫn giữ vai trò chủ đạo. Rất nhiều thủ tục liên quan đã gắn liền với hộ khẩu. Nhiều quyền thiết thân của công dân như cư trú, phúc lợi xã hội, học hành, công việc, sở hữu xe, nhà… bị trở ngại vì hộ khẩu.

Những trở ngại đó đã mang đến không ít phiền toái, thậm chí cay đắng mà nhiều thế hệ người dân khó có thể quên.

Trở ngại đó sẽ trở thành dĩ vãng khi cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia được hoàn thiện. Những ranh giới hiện diện trên các giấy tờ ghi nhận quê quán, nơi cư trú, hộ khẩu… sẽ không còn ý nghĩa nữa.

Các quyền công dân sẽ không còn bị trở ngại bởi gắn với đơn vị hành chính, các giấy tờ, thủ tục cũ kỹ. Phương thức quản lý nhà nước mới về dân cư sẽ được các cơ quan chức năng chịu trách nhiệm thiết lập tương ứng để bảo đảm các quyền cho người dân.

Từ thí điểm cho đến khi hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia, hoàn thiện quản lý vẫn còn là quãng đường không hề ngắn và người dân đang chờ đợi những kết quả tích cực từ sự thay đổi này.