01/01/2025

Tiền tỉ thu hút tiến sĩ

Nhiều trường ĐH, CĐ đưa ra chính sách ưu đãi lên đến hàng tỉ đồng để thu hút người có học hàm học vị về trường mình, nhưng kết quả không như mong muốn.

 

Tiền tỉ thu hút tiến sĩ

 

 

Nhiều trường ĐH, CĐ đưa ra chính sách ưu đãi lên đến hàng tỉ đồng để thu hút người có học hàm học vị về trường mình, nhưng kết quả không như mong muốn.





ĐH Thủ Dầu Một (Bình Dương) thu hút được nhiều người về làm việc, nhưng không ít người đã ra đi vì môi trường làm việc chưa phù hợp - Ảnh: M.Giảng
ĐH Thủ Dầu Một (Bình Dương) thu hút được nhiều người về làm việc, nhưng không ít người đã ra đi vì môi trường làm việc chưa phù hợp – Ảnh: M.Giảng

Các ưu đãi bao gồm hỗ trợ tiền mặt lên đến hàng trăm triệu đồng, phụ cấp ưu đãi theo hệ số lương, hỗ trợ đi lại, hỗ trợ mua nhà…

Tuy ưu đãi hấp dẫn nhưng số người về trường làm việc không nhiều, thậm chí có trường không thu hút được tiến sĩ nào. Trong khi đó, có trường tuy nhiều người về nhưng sau một thời gian đã dứt áo ra đi vì môi trường không phù hợp.

Hỗ trợ tiền tỉ

Hiện có một số trường thực hiện chính sách này như Trường ĐH Hạ Long, Trường ĐH Thủ Dầu Một, Trường ĐH Xây dựng Miền Tây, Trường CĐ Cộng đồng Hậu Giang… Đây là những trường ĐH mới được nâng cấp từ các trường CĐ tại địa phương. Hầu hết trường này trực thuộc UBND tỉnh và được tỉnh hỗ trợ kinh phí, riêng Trường ĐH Xây dựng Miền Tây tự bỏ kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi.

Trong số này, Trường ĐH Hạ Long (Quảng Ninh) chi mạnh tay nhất. Theo quyết định của UBND tỉnh Quảng Ninh, từ nay đến năm 2017 trường cần tuyển 15 tiến sĩ và 27 thạc sĩ đào tạo ở nước ngoài, phần lớn tập trung vào nhóm ngành ngoại ngữ.

Nếu đáp ứng đầy đủ điều kiện, người có học hàm giáo sư – tiến sĩ được hỗ trợ tiền mặt một lần 700 triệu đồng, phó giáo sư – tiến sĩ được 600 triệu đồng, tiến sĩ được 500 triệu đồng và thạc sĩ là 300 triệu đồng. Bên cạnh đó, người về trường theo diện thu hút này còn được hỗ trợ 3-10 lần mức lương cơ sở hằng tháng.

Ngoài ra, những đối tượng này cũng được hỗ trợ nhà ở công vụ, hỗ trợ tiền tạo lập nhà ở 2,5 – 4,5 tỉ đồng tùy đối tượng. Ngoài việc hỗ trợ trên, người về trường làm việc còn được nhiều ưu đãi khác về việc bố trí công việc phù hợp, ưu tiên xem xét bổ nhiệm cán bộ quản lý, ưu tiên bố trí việc làm cho vợ (chồng) trên địa bàn tỉnh.

Tuy mức ưu đãi thấp hơn, nhưng số tiền Trường ĐH Xây dựng Miền Tây hỗ trợ người về trường làm việc cũng rất lớn. Ngoài các ưu đãi về việc ưu tiên bố trí công việc, bố trí phòng ở, người về trường được hưởng phụ cấp tăng thêm 2-3 lần mức lương tối thiểu chung.

Người có học hàm, học vị từ tiến sĩ trở lên còn được hỗ trợ một lần 500 triệu đồng đối với giáo sư – tiến sĩ, 450 triệu đồng đối với phó giáo sư – tiến sĩ và tiến sĩ là 400 triệu đồng. Với bằng cấp được đào tạo ở nước ngoài, mức hỗ trợ tăng thêm 100 triệu đồng.

Trong khi đó tại Trường ĐH Thủ Dầu Một (Bình Dương), người có học vị tiến sĩ cam kết làm việc tại trường tối thiểu năm năm sẽ được hỗ trợ 200 triệu đồng, thạc sĩ tốt nghiệp loại giỏi được 100 triệu đồng, hỗ trợ mua nhà giá rẻ…

Ngoài ra, trường còn hỗ trợ về tiền thuê nhà ở, chi phí đi lại hằng tháng. Trường CĐ Cộng đồng Hậu Giang hỗ trợ người có bằng thạc sĩ 70 triệu đồng và tiến sĩ 100 triệu đồng.

Chỉ giải quyết tức thời

Mặc dù đưa ra những hỗ trợ và ưu đãi rất lớn, nhưng kết quả lại chưa như kỳ vọng của các trường. Tháng 3-2015, Trường ĐH Hạ Long thông báo tuyển dụng 15 tiến sĩ và 27 thạc sĩ tốt nghiệp ở nước ngoài về làm giảng viên theo chính sách thu hút của tỉnh.

Thế nhưng theo số liệu của phòng tổ chức cán bộ Trường ĐH Hạ Long, tính đến thời điểm tháng 8-2015 trường này mới chỉ tuyển được hai người có học vị tiến sĩ, trong đó có một tiến sĩ ngôn ngữ Anh và một tiến sĩ ngôn ngữ Trung Quốc.

Còn tiến sĩ Nguyễn Văn Xuân – phó hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng Miền Tây – cho biết đến nay trường vẫn chưa tuyển được ứng viên nào theo diện thu hút này. “Có một người nộp hồ sơ, trường liên lạc mời về, nhưng cuối cùng họ không về.

Trường có tiềm lực, nhưng đặc thù đào tạo các ngành kỹ thuật nên chỉ thu hút tiến sĩ nhóm ngành này, không tuyển tiến sĩ khối kinh tế và nhóm ngành khác. Hơn nữa, trường nằm ở tỉnh nên cũng hạn chế sự quan tâm của người muốn về trường” – ông Xuân lý giải về việc chính sách thu hút chưa đạt kết quả như mong muốn.

Cũng theo ông Xuân, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển trong khi chính sách thu hút chưa hiệu quả, trường phải tự đưa người đi đào tạo. “Năm nay trường có 10 người trúng tuyển nghiên cứu sinh. Dự kiến mỗi năm trường sẽ đưa 8-10 người làm nghiên cứu sinh, phấn đấu đến năm 2020 trường có 25 giảng viên, cán bộ quản lý có học vị tiến sĩ” – ông Xuân nói thêm.

Tại Trường ĐH Thủ Dầu Một, chính sách thu hút này đã giúp trường tuyển được một lượng lớn người có học hàm, học vị khi trường vừa được nâng cấp lên ĐH. Tuy vậy sau thời gian năm năm, nhiều người đã dứt áo ra đi.

Một tiến sĩ về Trường ĐH Thủ Dầu Một theo chính sách này, hiện đã rời trường, cho biết chính sách này thật sự rất tốt cho địa phương nói chung và Trường ĐH Thủ Dầu Một nói riêng. Lúc mới về công tác, môi trường làm việc rất tốt, đội ngũ này đã xây dựng chương trình vững, mở nhiều ngành đào tạo, kể cả bậc thạc sĩ.

Tuy nhiên, thời gian sau này môi trường làm việc không còn như lúc đầu, giảng viên không còn được tự do làm chuyên môn, mà tất cả phụ thuộc vào phòng đào tạo, phòng tổ chức. Chính sách tốt nhưng cách thực hiện nửa vời – chỉ phục vụ việc mở ngành của trường – nên không giữ chân người về trường.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệp – hiệu trưởng Trường ĐH Thủ Dầu Một – cho hay giai đoạn 2009-2014 có 3 phó giáo sư, 52 tiến sĩ và 338 thạc sĩ về trường theo diện thu hút. Gần 34 tỉ đồng đã được giải ngân cho người về trường.

Thế nhưng hết thời hạn năm năm, 20 người đã ra đi. “Nhờ chính sách này mà đội ngũ giảng viên của trường được tăng cường đáng kể. Tuy nhiên, chính sách này chỉ giải quyết được vấn đề tức thời, về chiều sâu và lâu dài thì không ổn định.

Nhiều người đến với trường nhưng lại không gắn bó. Do vậy trường phải đẩy mạnh việc đào tạo, đưa người của trường đi học thạc sĩ, tiến sĩ để đảm bảo đội ngũ cũng như sự gắn bó lâu dài. Hiện có 61 người đang làm nghiên cứu sinh” – ông Hiệp cho biết.

Cần nhất là môi trường làm việc

Tiến sĩ Phạm Thị Ly – ĐH Quốc gia TP.HCM – cho rằng những chính sách khích lệ về tiền lương, nhà ở, chi phí đi lại… nhằm thu hút người có trình độ cao về các tỉnh làm việc là điều rất cần nhưng không đủ.

Quan trọng nhất vẫn là môi trường làm việc. Môi trường làm việc bao gồm thiết chế quản trị nội bộ (những quy tắc về việc cung cấp kinh phí, sử dụng con người, đánh giá kết quả làm việc); hạ tầng cơ sở; chất lượng lao động, học tập nói chung của đồng nghiệp và của sinh viên; uy tín của nhà trường đối với xã hội…

Chính những điều kiện đủ này mới tạo ra tính chất bền vững của chính sách thu hút người tài.

Chừng nào các trường chỉ dừng lại ở chỗ cung cấp những điều kiện cần mà không tạo ra điều kiện đủ, các chính sách ấy mới chỉ là những giải pháp ngắn hạn và không lâu bền. Không phải các trường không biết điều này, nhưng họ vẫn nhằm vào những mục tiêu ngắn hạn và hình thức.

Nếu cứ tiếp tục cách tư duy đó thì thật khó lòng nói tới đổi mới chất lượng, và khoảng cách của chúng ta với thế giới sẽ càng thêm giãn rộng.

MINH GIẢNG