04/01/2025

Lạc hậu như SGK địa lý: Cần tiếp cận sâu hơn về vấn đề biển, đảo

Rất nhiều ý kiến đề xuất cần đổi mới phương pháp dạy học lấy “học sinh làm trung tâm”, nhưng cũng có đề xuất trước khi bàn về đổi mới phương pháp, phải xem nội dung dành cho người học là cái gì.

 
Lạc hậu như SGK địa lý: Cần tiếp cận sâu hơn về vấn đề biển, đảo
 
 


Rất nhiều ý kiến đề xuất cần đổi mới phương pháp dạy học lấy “học sinh làm trung tâm”, nhưng cũng có đề xuất trước khi bàn về đổi mới phương pháp, phải xem nội dung dành cho người học là cái gì. 






Học sinh tại TP.HCM xem một triển lãm về chủ đề biển đảo quê hương – Ảnh: Khả Hoà

 

Nếu nội dung không phải là vấn đề người học quan tâm thì chắc chắn không thể đạt kết quả mong muốn.

Xã hội quan tâm nhưng SGK làm ngơ
Bài học đầu tiên trong chuyên đề địa lý tự nhiên lớp 12 là “Vị trí địa lý và phạm vi lãnh thổ” nước ta. Vấn đề cả xã hội đang quan tâm là chủ quyền quốc gia trên Biển Đông, nhất là 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Nhưng nội dung sách giáo khoa (SGK) chỉ viết “nước ta có 2 quần đảo ngoài khơi trên Biển Đông là quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa”. Tên 2 quần đảo còn được nhắc đến trong bài 24 “Vấn đề phát triển ngành thuỷ sản và lâm nghiệp” với ngư trường trọng điểm Hoàng Sa – Trường Sa, bài 36 “Vấn đề phát triển kinh tế – xã hội ở duyên hải nam Trung bộ” và bài 42 “Vấn đề phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng ở Biển Đông và các đảo, quần đảo”.
Nếu dạy học bám theo SGK, giáo viên không thể thấy một điểm nhấn gì khác biệt ở 2 quần đảo có tầm quan trọng chiến lược này. Nội dung hoàn toàn bị lẫn chìm với các địa danh khác. Người học không thể thấy một đặc thù quan trọng của huyện đảo Hoàng Sa là chỉ có đơn vị hành chính mang tên này, nhưng trên thực tế chúng ta không còn được quản lý bởi quần đảo Hoàng Sa của VN đã bị Trung Quốc dùng vũ lực để tiến chiếm và chiếm đóng bất hợp pháp suốt từ 19.1.1974 đến nay.
Trên ngư trường, Hoàng Sa và Trường Sa bao đời là của VN, nhưng Trung Quốc đang có nhiều hoạt động cản trở việc khai thác cá của ngư dân cũng như các hoạt động kinh tế khác của nước ta, gây bất ổn khu vực Biển Đông, làm thiệt hại lớn đến khả năng khai thác các nguồn lợi biển của VN. Sự mất ổn định đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý các nhà đầu tư khai thác nguồn dầu khí trên Biển Đông của VN… Nhưng trong SGK những vấn đề khó khăn đó lại không được đề cập.
Quên mất người học
Trong dạy học địa lý, vấn đề cốt lõi là phải trả lời được các câu hỏi: Cái gì, ở đâu, vì sao ở đó và ở đó thế nào. Nói chúng ta có quần đảo Hoàng Sa nhưng lại không cho người học biết những nét chính về địa lý, lịch sử khai thác của nhân dân ta trên các quần đảo này, thực trạng Hoàng Sa đang thế nào thì sao thu hút được sự quan tâm của người học?
Cứ bảo phải “lấy người học làm trung tâm”, tuy nhiên dường như chúng ta quên mất mình đang dạy cho ai, đối tượng đang ngồi học là người thế nào. Thế hệ học sinh hôm nay có ưu thế khác với các thế hệ cùng tuổi các em mấy chục năm trước. Học sinh ngày nay được tiếp nhận nhiều nguồn thông tin đa dạng, phong phú từ nhiều mặt của cuộc sống, có hiểu biết nhiều hơn, linh hoạt và thực tế hơn trước rất nhiều. 
Không chỉ tiếp nhận thông tin từ nhiều kênh, không ít học sinh đã dự thi 2 – 3 cuộc thi quốc tế, rồi mùa hè lại du học thử nghiệm, đi du lịch nước ngoài cùng bố mẹ và định hướng sẽ đi du học. Có thể nói đó là các “công dân toàn cầu” ngay khi còn học ở trường phổ thông. Trong số đó, có người đã giao tiếp bằng tiếng Anh, tiếng Pháp thành thạo, có cuộc sống trải nghiệm ở nhiều quốc gia. Sự hiểu biết của một số học sinh sẽ lan tỏa tới các học sinh khác trong lớp, trong trường. Vậy nếu cứ dạy theo một lối mòn, một cách tiếp cận xưa cũ làm sao ổn và cuốn hút được người học?
Ngày xưa, lời thầy dạy là chân lý. Thầy nói đất nước ta rừng vàng biển bạc thì tất nhiên là thế rồi. Thầy dạy chủ nghĩa tư bản đang giãy chết thì học trò tin là tư bản sắp chết đến nơi. Không nhiều học trò dám thắc mắc, nhưng học trò thời nay lại có tinh thần phản biện rất rõ nên không thể nói sai sự thật.

Nhiều lần kiến nghị bổ sung nội dung chủ quyền biển, đảo

Hội Khoa học lịch sử VN đã nhiều lần kiến nghị Bộ GD-ĐT bổ sung nội dung về chủ quyền của VN đối với 2 quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch hội, nhấn mạnh: “Không thể chờ đợi đến khi biên soạn lại SGK, phải vài ba năm sau mới thực hiện”.
Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc, Hội Khoa học lịch sử VN, cho biết cách đây hơn 10 năm, khi được tham gia viết SGK, ông đã tha thiết đề nghị phải đưa lịch sử chủ quyền của VN ở Hoàng Sa và Trường Sa vào SGK lịch sử phổ thông nhưng không được chấp nhận.
Theo ông Ngọc, chỉ duy nhất trong SGK lịch sử 10 (nâng cao) có một câu: “Kỹ thuật vẽ bản đồ cũng đạt được những thành tựu mới, trong đó đặc biệt là Đại Nam nhất thống toàn đồ được vẽ vào cuối thời Minh Mạng đã thể hiện tương đối chính xác hình ảnh nước Đại Nam thống nhất, bao gồm cả các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ngoài Biển Đông”. Dường như đây cũng là câu duy nhất nói đến chủ quyền của VN ở Hoàng Sa và Trường Sa trong toàn bộ bộ SGK lịch sử phổ thông tính đến thời điểm này.
Tuệ Nguyễn

(ghi)

Sửa thông tin sai, cập nhật dữ liệu là điều phải làm

 

Ông Trần Trọng Hà, chuyên viên cao cấp môn địa lý, cho rằng SGK môn địa rõ ràng có rất nhiều thông tin lạc hậu. “Bản thân tôi đã không ít lần gặp trực tiếp biên tập viên môn địa và lãnh đạo Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục, NXB Bản đồ để góp ý về những số liệu sai, lạc hậu trong sách cũng như trong Atlat. 
Qua theo dõi, tôi thấy rằng những kiến thức sai nghiêm trọng thì NXB sửa kịp thời, nhưng những thông tin lạc hậu thì hầu như không sửa, không cập nhật mặc dù điều đó không có gì khó khăn và cũng không ảnh hưởng gì đến nội dung chương trình”, ông Hà cho biết.
Ông Hà còn nói thêm: “Có người ở NXB nói với tôi rằng họ ngại sửa vì có nhiều khó khăn riêng. Vả lại, vài năm gần đây, cái tâm lý sắp có chương trình, SGK mới rồi nên việc tiếp thu, sửa chữa, cập nhật trong sách lại càng có vẻ trì trệ hơn”. Tuy nhiên, ông Hà cũng nêu quan điểm: “SGK là phải đúng, phải chính xác dù chỉ sử dụng một ngày. Sách tái bản năm 2015 mà số liệu vẫn là mục tiêu của năm 2010 là điều không thể chấp nhận được. Việc sửa những số liệu, thông tin đã quá lạc hậu; cập nhật những kiến thức, phát minh lớn… là điều tất nhiên phải làm, không cần tranh cãi”. Bản thân ông Hà cũng từng có bản kiến nghị dài tới gần chục trang giấy để chỉ ra những sai sót, lạc hậu trong Atlat địa lý và sau đó đã được sửa phần nào.
Trước một số ý kiến cho rằng giáo viên không nên phàn nàn về nội dung sách mà tự mình phải cập nhật kiến thức, thông tin mới cho học sinh, ông Nguyễn Trọng Hà cho rằng giáo viên được quyền và nên làm điều đó. 
Thế nhưng, không vì thế mà đổ hết trách nhiệm lên giáo viên và coi đó là nhiệm vụ bắt buộc của họ, vì không phải giáo viên ở vùng miền nào cũng có điều kiện để làm việc đó. Hơn nữa, nếu không có một nguồn thông tin chính thống mà cứ yêu cầu giáo viên lên mạng để tìm kiếm thông tin thì cũng rất nguy hiểm vì thông tin sai lệch rất nhiều. “Tôi làm cố vấn cho chương trình truyền hình Đường lên đỉnh Olympia nhiều năm nay nên có trải nghiệm rất rõ về điều này. Rất nhiều câu hỏi gửi đến chương trình dựa trên những thông tin lấy trên mạng dẫn đến sai sót rất nhiều”, ông Hà nhấn mạnh.
Tuệ Nguyễn

Vũ Quốc Lịch 
(Giáo viên địa lý Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam)