06/01/2025

Hàng loạt xe đã nổ vỏ trên cao tốc TP.HCM – Trung Lương

Đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương có số vụ nổ vỏ (lốp) xe cao gấp 9-10 lần đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây (TP.HCM, Đồng Nai). Giải thích nguyên nhân, mỗi nơi nói một kiểu.

 

Hàng loạt xe đã nổ vỏ trên cao tốc TP.HCM – Trung Lương 

 

 

Đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương có số vụ nổ vỏ (lốp) xe cao gấp 9-10 lần đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây (TP.HCM, Đồng Nai). Giải thích nguyên nhân, mỗi nơi nói một kiểu.





Cứu hộ xe bị nổ vỏ  - Ảnh: C.T.V.
Cứu hộ xe bị nổ vỏ  - Ảnh: C.T.V.

Theo Công ty cổ phần 715 – đơn vị quản lý duy tu đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương, trong 10 tháng đầu năm 2015 xảy ra 1.498 vụ nổ vỏ xe, bình quân 9 vụ nổ vỏ xe/ngày.

Trong khi đó, ông Phạm Hồng Quang – phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) – cho biết từ ngày 1-1-2015 đến hết 
15-12-2015 có 257 vụ nổ vỏ, thủng lốp trên đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, trung bình chưa đến 1 vụ/ngày.

Ý kiến khác nhau

Trên đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương, khi xe vượt qua trạm thu phí thì bắt đầu chạy 120 km/h. Lúc này âm thanh từ vỏ xe cọ sát với mặt đường nhựa chống nhám vang lên rất lớn. Theo đơn vị duy tu đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương, sở dĩ tiếng động vang nhiều là do nhựa tạo nhám mặt đường này theo công nghệ novachip.

Riêng xe chạy trên đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây được thiết kế nhựa tạo nhám bằng công nghệ VTO thì độ ma sát giữa vỏ xe và mặt đường không gây ồn lớn như ở đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương.

Tại cuộc họp về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương ngày 18-12-2015, một cán bộ đội 5 thuộc Cục Cảnh sát giao thông – Bộ Công an cho biết việc nổ vỏ xe có nguyên nhân lái xe sử dụng vỏ xe không tốt lưu thông trên đường cao tốc, phần lớn vỏ xe bị nổ do quá mòn.

Một cán bộ thuộc Công ty TNHH sản xuất dịch vụ và thương mại Yên Khánh, đơn vị thu phí đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương, cũng nói nguyên nhân các vụ nổ vỏ xe do lái xe đưa vỏ xe xấu, kém chất lượng vào sử dụng.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng đường nhựa nhám bình thường VTO ít xảy ra nổ vỏ xe hơn so với đường cao tốc tráng nhựa nhám novachip. Phải chăng đường nhựa nhám bình thường phù hợp với thời tiết VN, còn nhựa novachip phù hợp với xứ lạnh có tuyết?

Ông Phạm Hồng Quang cho biết cần có sự đánh giá của các chuyên gia để đi đến kết luận cụ thể. Thực tế cho thấy việc nổ vỏ xe khi lưu thông trên đường cao tốc không chỉ do yếu tố mặt đường, mà còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố khác như tình trạng của vỏ xe, tốc độ, cách điều khiển xe, thời tiết…

Theo ông Phạm Hồng Quang, khi đưa bất kỳ một công nghệ của nước ngoài về áp dụng tại VN, các đơn vị liên quan đều thực hiện nghiên cứu kỹ lưỡng để việc áp dụng công nghệ hiệu quả nhất.

Tương tự, giám đốc một đơn vị tư vấn thiết kế cho rằng công nghệ novachip hoặc VTO đều có chức năng tạo nhám chống trơn trượt khi xe chạy với tốc độ cao, không thể đổ lỗi nguyên nhân nổ vỏ xe do công nghệ gây ra vì công nghệ này đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng.

Do sử dụng đá 
có kích thước lớn?

Nếu không vì lý do công nghệ thì vì sao xảy ra điều bất thường là đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương có số vụ nổ vỏ xe cao gấp 9-10 lần đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây? Cả hai đường cao tốc này đều nằm chung trong vùng có thời tiết như nhau.

Đó là chưa kể nhựa tạo nhám trên đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương là loại novachip có giá thành cao hơn khoảng 10% so với nhựa tạo nhám VTO, lẽ ra phải có chất lượng tốt hơn.

Trả lời về vấn đề nêu trên, một vị lãnh đạo của VEC (chủ đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây) cho rằng trong quá trình đầu tư xây dựng, đơn vị không chấp nhận trong nhựa tạo nhám có loại đá lớn (hạt dẹt) vì dễ tạo sắc cạnh gây nổ vỏ xe, nên đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây xảy ra ít vụ nổ vỏ xe so với đường cao tốc khác.

Theo giám đốc một công ty chuyên sản xuất, cung cấp nhựa tạo nhám, đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương bị nổ vỏ xe nhiều là lẽ đương nhiên.

Bởi lẽ nhiều nhà thầu đặt hàng nhà máy loại nhựa novachip với yêu cầu loại đá có kích thước lớn nên tạo sắc bén, độ rỗng lớn và do tỉ lệ đá trong nhựa cũng vượt 20%.

Dùng loại đá lớn và tỉ lệ đá cao sẽ tạo độ nhám nhiều, giúp xe thắng gấp tốt hơn, ngược lại vỏ xe chạy trên mặt đường này bị mài mòn nhanh hơn, chủ xe sử dụng vỏ xe “yếu” dễ bị nổ vỏ. Vị giám đốc này còn cho biết đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng cũng sử dụng công nghệ novachip, nhưng họ thiết kế mặt đường tạo độ nhám vừa phải nên không xảy ra nhiều vụ nổ vỏ xe như đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương.

Thiệt hại nhiều triệu đồng

Theo Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc VN, đơn vị quản lý đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, mỗi vụ nổ vỏ xe bình thường trên đường cao tốc nếu không gây tai nạn cho xe khác cũng có thể gây thiệt hại hàng triệu đồng cho chủ xe.

Cụ thể, đối với loại xe 4-16 chỗ ngồi phải thuê đơn vị làm dịch vụ xe kéo ra khỏi đường cao tốc với giá từ 600.000 – 800.000 đồng/xe, loại xe trên 11 tấn thuê xe kéo với giá 3,5 – 5 triệu đồng/xe, với xe đầu kéo thì phí thuê xe kéo 5 – 10 triệu đồng/xe.

Đó là chưa kể chủ xe phải tốn tiền mua ruột xe hoặc vá vỏ xe…