08/01/2025

Sỏi thận

Việc trì hoãn điều trị sỏi thận khiến thận dễ bị viêm nhiễm, thậm chí mất chức năng.

 

Sỏi thận

 

Việc trì hoãn điều trị sỏi thận khiến thận dễ bị viêm nhiễm, thậm chí mất chức năng.




Người bị sỏi thận nên được điều trị sớm - Ảnh: Liên Châu

Người bị sỏi thận nên được điều trị sớm – Ảnh: Liên Châu


Viên sỏi “trứng vịt”

Khoa Phẫu thuật tiết niệu, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) vừa phẫu thuật lấy sỏi thận với kích thước bằng quả trứng vịt (6,1×5 cm) cho bệnh nhân Đặng Văn Ng. (62 tuổi, trú tại Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội). 
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau thắt lưng hai bên; siêu âm cho thấy sỏi thận trái và sỏi niệu quản phải. Ông Ng. đã được phát hiện sỏi từ 20 năm trước nhưng tự điều trị bằng thuốc nam, lần này nhập viện do đau và bí tiểu. 
Theo bác sĩ Bùi Hoàng Thảo, công tác tại Khoa Phẫu thuật tiết niệu, là người trực tiếp mổ cho ông Ng., đài bể thận giãn to do kích thước sỏi đã quá lớn. Nếu không phẫu thuật thì nguy cơ bệnh nhân bị suy thận và mất chức năng của thận. Trước khi phẫu thuật lấy sỏi thận, bệnh nhân đã được tán sỏi nội soi sỏi niệu quản phải.
Tại Khoa Phẫu thuật tiết niệu cũng đang điều trị cho bệnh nhân nam 18 tuổi, nhập viện trong tình trạng đau nhiều vùng thắt lưng. Siêu âm chẩn đoán đã phát hiện bệnh nhân có sỏi hai bên: thận trái là viên sỏi 6 mm; niệu quản phải có sỏi có kích thước 14 mm gây tắc niệu đạo, bí tiểu. Theo bác sĩ điều trị, với bệnh nhân này không thể tán sỏi ngoài cơ thể mà được áp dụng tán sỏi nội soi bằng năng lượng lazer. Sỏi tiết niệu khởi đầu hình thành ở thận, sau đó di chuyển xuống thấp, lọt vào đường tiết niệu.
Có thể xuất hiện ở trẻ nhỏ
Bệnh nhân được phát hiện sỏi thận thường ở lứa tuổi 30 – 50, tuy nhiên nhiều trường hợp ở người trẻ tuổi 18 – 26, thậm chí ở trẻ nhỏ. Bác sĩ Bùi Hoàng Thảo kể: “Chúng tôi từng phẫu thuật cho một bé trai 7 tuổi nhập viện do bị sỏi niệu quản, kích thước sỏi 2,5 cm”. Theo bác sĩ, nguyên nhân hình thành sỏi do cơ địa của mỗi người. Các thành phần trong nước tiểu như can xi, oxalat hay a xít uric lắng đọng lại trong thận gây sỏi. Các sỏi này trước tiên hình thành ở thận gây sỏi thận, một số trường hợp sỏi từ thận di chuyển xuống thấp, lọt vào đường tiết niệu gây sỏi niệu quản.
Bác sĩ Hoàng Thảo cho biết dù sỏi ở vị trí nào, kích thước nào cũng có chỉ định can thiệp được, và nên can thiệp sớm khi sỏi nhỏ bằng các phương pháp: tán sỏi nội soi ngược dòng; tán sỏi ngoài cơ thể qua da. Hai phương pháp này không gây đau đớn, rất sớm ổn định (sau 2 – 3 ngày). Tại Bệnh viện Xanh Pôn, mỗi năm có khoảng 700 trường hợp tán sỏi.
Nếu để muộn, sỏi có kích thước lớn làm biến đổi cấu trúc của thận, khiến thận giãn to sẽ phải can thiệp bằng mổ mở để lấy sỏi. Mổ mở làm tăng nguy cơ chảy máu, vết mổ lớn, nguy cơ nhiễm trùng, lâu bình phục.
Người bị sỏi thận nên tránh các thực phẩm có hàm lượng can xi cao; nhớ uống đủ nước. Do yếu tố cơ địa nên sỏi thận thường xuất hiện trở lại, do đó sau phẫu thuật nên khám định kỳ 3 – 6 tháng.

Nam Sơn