06/01/2025

Lạc hậu như SGK địa lý

Tại sao học sinh quay lưng lại với các bộ môn xã hội? Đó là câu hỏi day dứt không chỉ với các cấp quản lý mà trước hết là với các giáo viên bộ môn đang hằng ngày đứng lớp.

 

Lạc hậu như SGK địa lý

 

Tại sao học sinh quay lưng lại với các bộ môn xã hội? Đó là câu hỏi day dứt không chỉ với các cấp quản lý mà trước hết là với các giáo viên bộ môn đang hằng ngày đứng lớp.





Học sinh đang phải học SGK môn địa lý với quá nhiều dữ liệu lạc hậu - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Học sinh đang phải học SGK môn địa lý với quá nhiều dữ liệu lạc hậu – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

 

Trong nhiều lý do, có một lý do rất căn bản, đó là từ chính cách tiếp cận vấn đề và nội dung của các bộ môn xã hội hiện nay đã… lạc hậu.

Tôi xin lấy trường hợp môn địa lý. Các ví dụ đề cập trong bài viết không cần lấy ở các lớp dưới, ở địa lý thế giới hay khu vực xa xôi mà từ ngay nội dung của lớp 12, mà hằng năm có hơn 800.000 học sinh (HS) cuối cấp đang phải học, thi để vượt qua ngưỡng THPT.
Năm 2015 mà vẫn nói về mục tiêu 2010 !
Mục tiêu dạy học của môn địa lý là giúp HS có hiểu biết về đặc điểm, điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội, thực trạng tình hình kinh tế – xã hội đất nước. Mục tiêu đó lâu nay đã không đạt được bởi chính nội dung được đề cập trong sách giáo khoa (SGK).
Các tư liệu được trình bày trong SGK là của cả chục năm trước. Học cái cũ thì làm sao tạo được hứng thú cho HS và người thầy. Nội dung lạc hậu đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng dạy học, đồng thời hạn chế việc phát triển trí tuệ của HS.
SGK địa lý lớp 12 tái bản lần thứ 7, in xong và nộp lưu chiểu tháng 1.2015 nhưng số liệu trong đó là của năm 2005. Thậm chí của năm 2004 như số liệu về tỷ lệ hộ nghèo của cả nước (trang 9), thu nhập bình quân đầu người/tháng theo các vùng (bài thực hành số 19, trang 80), bài tập phân tích cơ cấu vận tải theo loại hình vận tải nước ta (trang 136).
Do tư liệu biên soạn sách đã quá cũ nên SGK địa lý có quá nhiều điều lỗi thời. Năm học 2015 – 2016 rồi mà trong bài học về “Sử dụng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên” vẫn nói mục tiêu “trước mắt” đến năm 2010 phải trồng được bao nhiêu hecta rừng thì thật buồn cười. Dân số VN năm 2014 đã đạt 90,5 triệu người và hiện chúng ta có khoảng 4 triệu người Việt đang sinh sống ở nước ngoài, vậy mà HS vẫn phải học các con số của năm 2006 là trên 84 triệu và 3,2 triệu người. Cũng về vấn đề dân số, hiện HS vẫn được dạy theo SGK rằng ở nước ta “dân số còn tăng nhanh, cơ cấu dân số trẻ”, trong khi người đứng đầu Tổng cục Dân số – Kế hoạch hoá gia đình lại khẳng định VN đã kết thúc thời kỳ “cơ cấu dân số trẻ” vào năm 2005 và hiện đang ở giai đoạn “cơ cấu dân số vàng”.
Vấn đề mật độ dân số, nguồn lao động, tỷ lệ thị dân cho đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành, theo thành phần kinh tế và theo lãnh thổ, các chỉ số giá trị sản xuất của các ngành kinh tế và các vùng kinh tế đã và đang thay đổi rất nhanh nhưng SGK không bắt mạch nhịp phát triển ấy. Các chỉ số được đưa vào SGK là của 10 năm trước. Một ít số liệu được cập nhật sớm hơn nhưng cũng của năm 2006, tức cách đây đã 9 năm.
Nhà máy xây xong 8 năm nhưng SGK vẫn “đang xây dựng”
Do tư liệu đã cũ nên kênh hình của SGK cũng không đạt yêu cầu. Hàng loạt các công trình thủy điện như Tuyên Quang, Cửa Đạt, Bản Vẽ, Rào Quán, A Vương, Xê Xan 4, Xrê Pôk 3, Buôn Kuôp, Đồng Nai 4, Đại Ninh đã hòa mạng lưới điện quốc gia. Có nhà máy đã khánh thành cách đây 8 năm như Rào Quán, và đặc biệt thuỷ điện Sơn La là nhà máy lớn nhất Đông Nam Á cũng đã được khánh thành, là niềm tự hào của công nghiệp điện VN, nhưng trong kênh hình bản đồ trong SGK vẫn được ghi là “đang xây dựng”(?).
Điều này thật khó chấp nhận bởi bài học không có tính thời sự, tính thực tiễn cũng ít giá trị. Các cuốn sách lỗi thời cứ được tái bản và đẩy các giáo viên (GV) vào tình thế khó. Bởi phân tích tình hình thực trạng mà lại lấy số liệu của cách đây 10 năm thì hỏi GV nào dạy trên lớp mà không thấy ngượng mồm, mặc dù họ không có lỗi khi dạy bám theo SGK.
Vấn đề địa lý kinh tế – xã hội có đặc thù riêng là luôn luôn thay đổi. GV cần phải cập nhật thông tin nhưng không nên phó mặc hết cho GV bởi họ đã quá bận rộn và không phải nơi nào cũng có đủ điều kiện để cập nhật thông tin.
Khi trao đổi với tôi, có ý kiến thừa nhận để số liệu cũ là bất cập, song lại nêu cái khó là sửa chữa không đơn giản vì liên quan đến tác giả, kinh phí, rồi không chỉ SGK mà còn kéo theo hàng loạt sách tham khảo cũng phải sửa chữa. Tôi không rõ bao nhiêu phần trăm người đồng ý với ý kiến này nhưng là GV và cũng là phụ huynh HS, chúng tôi không đồng ý với lý lẽ ấy.
Nếu đẩy hết cho GV có thể vừa không chuyên nghiệp, giảm tính khoa học, vừa còn gây lãng phí nhân lực. Với số lượng trường THPT và THCS cả nước trên 12.400, ước tính số GV địa lý có khoảng 25.000. Nếu mỗi GV chỉ dành ra 10 phút để tra cứu cập nhật thông tin để bài dạy có số liệu mới thì mỗi GV trung bình tiêu tốn cho công việc này khoảng 13 giờ/năm, 25.000 GV sẽ tốn 325.000 giờ, tương đương 40.625 ngày công (ngày làm 8 tiếng). Nếu trừ ngày nghỉ lễ, tết, nghỉ phép và thứ bảy, chủ nhật, một lao động nước ta mỗi năm làm việc trung bình 255 ngày công. Tính ra 40.625 ngày công tra cứu đó tương đương với 159 lao động làm việc trong một năm.
Sao chúng ta không làm một cách đơn giản mà hiệu quả hơn. Không ít GV ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM có điều kiện tiếp nhận thông tin tốt hơn, nếu được yêu cầu sẽ sẵn sàng cộng tác với cơ quan chuyên môn với một thù lao tượng trưng để có thể cứ đầu năm học có một bản tổng hợp các số liệu liên quan cập nhật cho từng bài học đưa lên cổng thông tin của ngành giáo dục cho GV tải về sử dụng, bớt khó khăn cho các thầy cô đang trực tiếp đứng lớp.
Về phần mình, Nhà xuất bản Giáo dục nên chăng có một cơ chế đặc thù đối với bộ SGK địa lý. Cần phải có một khoản ngân sách nhất định hoặc trích lợi nhuận để mời tác giả hoặc những người có chuyên môn chỉnh sửa, hiệu đính hằng năm.
Quá nhiều điều lỗi thời

Ông Trần Văn Quang, Tổ trưởng địa lý Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM), nêu ví dụ trong SGK lớp 12 (tái bản lần thứ 6 vào tháng 6.2014), nội dung về đô thị và dân số đô thị phân theo vùng cho biết cả nước có 689 đô thị với 38 thành phố, 58 thị xã và 597 thị trấn. Trong khi đó, ngay từ tháng 12.2013, Bộ Xây dựng công bố VN có 770 đô thị bao gồm 2 đô thị đặc biệt, 14 đô thị loại 1,10 đô thị loại 2, 52 đô thị loại 3…
Bài Giao thông (bài 30) của lớp 12 đề cập đến số lượng cảng hàng không của nước ta nêu cả nước có 19 sân bay, trong đó có 5 sân bay quốc tế nhưng thực tế VN đã có tổng số 21 sân bay, bao gồm 11 sân bay quốc tế.
Một giáo viên THCS tại Q.Tân Phú (TP.HCM) nói rằng, riêng với SGK lớp 9, những bài về tình hình dân số, tỷ lệ dân số thành thị – nông thôn, sản lượng, diện tích các ngành nghề nông nghiệp, thủy sản… đều sử dụng thống kê từ năm 2002. Bài nói về năng suất lúa ở đồng bằng sông Hồng lấy số liệu của năm 2002. Khi đưa ra tỷ trọng của các ngành công nghiệp, nông nghiệp… lại dùng số liệu cách đây hơn 10 năm làm cho HS không thấy được sự thay đổi về cán cân giữa các ngành, trong đó ngành công nghiệp, dịch vụ ngày một phát triển mạnh mẽ.
Bích Thanh (ghi)


Không biết nền kinh tế của ta đang ở đâu ?

Xuyên suốt nội dung SGK địa lý thể hiện sự phát triển của nền kinh tế – xã hội đất nước ta nhưng lại chỉ so sánh với chính chúng ta trong quá khứ nên tính thuyết phục không cao, bởi tất cả đều phát triển nhưng mức phát triển của VN so với thế giới và khu vực thế nào? Học xong mà người học vẫn ngẩn ngơ không biết nền kinh tế chúng ta đang ở đâu, ở nấc thang nào trong chuỗi giá trị toàn cầu?
HS thường hỏi GV: “so với mình thì ở nước A, B nào đó đời sống thế nào?”. Rõ ràng mối quan tâm của HS là muốn so sánh mức thu nhập và chất lượng cuộc sống. Vì vậy cần phải có bài học, bài thực hành phân tích so sánh GDP và thu nhập bình quân/đầu người của VN với thế giới, với các nước trong khu vực như tại một số mốc thời gian nhất định như 1975 (thống nhất đất nước), 1986 (bắt đầu tiến hành công cuộc Đổi mới) và hiện tại; cũng như cung cấp cho HS thông tin về tỷ trọng diện tích, dân số, GDP của VN so với thế giới để người học biết VN đang ở đâu trong nền kinh tế thế giới… Sự hiểu biết ấy sẽ góp phần hình thành nhận thức một cách đầy đủ, toàn diện hơn về sự phát triển và vị thế đất nước, thôi thúc HS phải nỗ lực học tập, rèn luyện để cống hiến cho một VN phát triển ngang tầm khu vực và thế giới.

Vũ Quốc Lịch 
(Giáo viên địa lý Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam)