29/11/2024

Hỗn loạn chờ tiêm vắc xin

Hôm qua, tại Hà Nội hàng nghìn người bồng con chen lấn chờ đợi tiêm vắc xin gây cảnh hỗn loạn, công an phải vào cuộc để đảm bảo trật tự.

 

Hỗn loạn chờ tiêm vắc xin

 

Hôm qua, tại Hà Nội hàng nghìn người bồng con chen lấn chờ đợi tiêm vắc xin gây cảnh hỗn loạn, công an phải vào cuộc để đảm bảo trật tự.


 



Người dân chen chân trong mưa rét chờ tiêm vắc xin dịch vụ cho trẻ ngày 25.12 - Ảnh: Ngọc Thắng

Người dân chen chân trong mưa rét chờ tiêm vắc xin dịch vụ cho trẻ ngày 25.12 – Ảnh: Ngọc Thắng


Từ chiều 24.12, website của Bệnh viện Đại học Quốc gia Hà Nội (182 Lương Thế Vinh) thông báo Phòng Tiêm chủng và dịch vụ Polyvac bệnh viện này tổ chức tiêm ngừa vắc xin “5 trong 1” Pentaxim (phòng các bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib). Sẽ tiêm 2 ca: từ 7 giờ 30 – 11 giờ 30 và 13 giờ 30 – 17 giờ 30, phát số tự động cho khách đến tiêm; có 2 bàn bác sĩ khám, tư vấn tối đa 100 khách/buổi.

Thấy thông tin này, từ 3 giờ sáng 25.12, hàng nghìn người đã đến xếp hàng, chen lấn chờ lấy phiếu tiêm vắc xin cho trẻ. Càng về sáng, lượng người đến càng đông, gây cảnh hỗn loạn khiến công an phải vào cuộc để đảm bảo trật tự. Trước tình cảnh này, Phòng Tiêm chủng và dịch vụ Polyvac phải ra thông báo hoãn tiêm, khiến nhiều người bật khóc, ngất xỉu.
Không dám đi vệ sinh vì sợ mất chỗ
Bà Quỳnh ở phố Lương Thế Vinh cho biết đêm 24.12, bà và con dâu thức trắng đêm để xếp hàng tiêm vắc xin cho cháu nội của bà mới 6 tháng tuổi. Biết sẽ có rất đông người đến đây xếp hàng nên bà Quỳnh dọn hàng trà nóng ngay cổng phòng tiêm chủng, tranh thủ bán nước. Sáng hôm sau, bàn ghế của bà Quỳnh đã bị mất và hỏng nặng trong cảnh hỗn loạn, giẫm đạp. “Đêm, trời mưa lạnh lắm, nhiều người đứng ôm con, ôm cháu co ro. Nhà chúng tôi ở gần đây còn đỡ khổ, nhiều người ở tận Thanh Hoá, Thái Bình, Nam Định… từ 3 giờ chiều hôm trước đã bế con cháu, tay xách nách mang lên trên này chầu chực để được tiêm vắc xin”, bà Quỳnh cho biết.
Mặt tái đi vì lạnh, đã 11 giờ trưa nhưng chị Hòa (ở H.Hoài Đức, Hà Nội) vẫn cố nán lại xem liệu “tình hình” có thay đổi gì không. Chị nói như khóc: “Em vừa sinh mổ được 3 tháng nhưng phải lặn lội đi xếp hàng chờ tiêm vắc xin cho con. Em không dám ăn, không dám đi vệ sinh để giữ chỗ, vậy mà tất cả đều vô ích”. Một bà mẹ than: “Tôi đang mang bầu 6 tháng, bế thêm đứa con 13 tháng tuổi vật vờ chờ từ 4 giờ chỉ mong lấy được số cho con tiêm nhưng rồi vô vọng, vừa mệt vừa rất buồn”.
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội (70 Nguyễn Chí Thanh), cho biết tại đây đã tiếp nhận 3.200 liều vắc xin Pentaxim, hiện đang lên phương án đăng ký phù hợp. Để ngăn chặn “cò” tiêm chủng, tại một số điểm tiêm đã yêu cầu người mẹ phải có CMND của mình và giấy chứng sinh, khai sinh của con cùng sổ tiêm chủng.
Cơ quan quản lý phải thấy trách nhiệm
Liên quan đến khan hiếm vắc xin dịch vụ, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), phân trần: “Vắc xin là mặt hàng đặc biệt, các nhà sản xuất chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng trước cả năm, do đó không dư ra để bán cho nhu cầu đột biến của VN. Còn một số nước như Singapore, Malaysia vẫn có vắc xin là do họ đã đặt hàng từ nhiều năm trước. Dự báo, năm 2016, VN vẫn sẽ khan hiếm vắc xin dịch vụ “5 trong 1”, lượng vắc xin nhập về cũng chỉ nhỏ giọt”.
Tuy nhiên, sáng 25.12, trao đổi bên lề tại Hội nghị tổng kết công tác dược và mỹ phẩm 2015 ở Hà Nội, bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho rằng cơ quan quản lý cần nhìn nhận trách nhiệm trong việc lên kế hoạch, điều tiết nhu cầu vắc xin dịch vụ. Vắc xin dịch vụ đã thiếu nhiều năm nay chứ không phải mới đây. “Phải thấy vấn đề, tại sao người VN đưa con sang Singapore tiêm ngừa mà nước này vẫn không bị khan hiếm vắc xin”, bà Lan nói.
Bà Phong Lan cũng khẳng định: “Thuốc không phải kẹo, cần mua là có liền mà phải có kế hoạch trước. Cơ quan quản lý cần thấy trách nhiệm, thấy lỗi của mình trong việc lập kế hoạch, nhập khẩu vắc xin. Chúng ta đã thiếu vắc xin nhiều năm, gây khủng hoảng lòng tin với nhân dân. Cơ quan quản lý cũng phải có trách nhiệm chứng minh vắc xin miễn phí là an toàn để người dân yên tâm tiêm cho con”.
Trước tình trạng hỗn loạn do xếp hàng chờ đợi tiêm vắc xin dịch vụ “5 trong 1” Pentaxim, chiều 25.12 ông Trần Đắc Phu đã có công văn khẩn yêu cầu giám đốc sở y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo đơn vị tiêm chủng, lên kế hoạch tiêm chủng dịch vụ phù hợp, công khai kế hoạch tiêm vắc xin “5 trong 1” Pentaxim được phân bổ tại đơn vị, đặc biệt lưu ý tổ chức cho người dân có nhu cầu đăng ký đảm bảo khoa học. Cần bố trí đầy đủ chỗ ngồi, chờ đợi, khám sàng lọc trước tiêm và phản ứng nặng sau tiêm.
 Hà Nội tiêm Pentaxim tại 17 phòng tiêm dịch vụ
* TP.HCM đã về vắc xin 5 trong 1
Chiều 25.12, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết ngoài 15.000 liều vắc xin Pentaxim mà Hà Nội đã tiếp nhận, sẽ có thêm hơn 20.000 liều nữa trước ngày 10.1.2016. Chiều cùng ngày, Sở Y tế Hà Nội ra thông báo danh sách 17 phòng tiêm dịch vụ tiếp nhận tiêm vắc xin và Pentaxim sẽ triển khai tiêm trong tuần tới, gồm: Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư (1.600 liều); Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội (3.200 liều); Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế Hà Nội (1.040 liều); BV Nhi T.Ư (300 liều); Công ty TNHH  BV Việt Pháp (700 liều); BV đa khoa quốc tế Vinmec (700 liều); Trung tâm y tế H.Đông Anh (100 liều); Công ty TNHH MTV vắc xin và sinh phẩm số 1 (400 liều); Công ty TNHH Phòng khám gia đình Hà Nội (300 liều); Công ty TNHH  BV Hồng Ngọc (300 liều); Trung tâm tư vấn và dịch vụ vắc xin, Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế (1.300 liều);  BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư (500 liều); Trung tâm nghiên cứu sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế (1.260 liều); Công ty TNHH International SOS Việt Nam tại Hà Nội (100 liều); Công ty cổ phần Cẩm Hà (150 liều); Công ty TNHH Trung tâm bác sĩ gia đình Hà Nội (150 liều) và Công ty cổ phần y tế Đức Minh (200 liều).
* Chiều 25.12, Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM tổ chức tiêm dịch vụ vắc xin “5 trong 1” Pentaxim cho trẻ. Đợt này trung tâm nhận được 2.000 liều vắc xin này. Trong buổi chiều qua, trung tâm đã tiêm cho 100 trẻ, bố trí 2 bàn khám để đảm bảo an toàn cho trẻ trước khi tiêm. Trung tâm sẽ triển khai tiêm cả hai ngày cuối tuần, từ 7 giờ 30 đến 16 giờ 30. Chỉ tiêm cho trẻ được đưa đến trực tiếp, không nhận đăng ký trước.    
Nam Sơn – Chí An – Lương Ngọc


Sẽ đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết như vậy tại Hội nghị tổng kết công tác dược và mỹ phẩm năm 2015, do Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) tổ chức ngày 25.12, ở Hà Nội.  Theo Bộ trưởng, năm 2015, thống kê của 26 bệnh viện (BV) thuộc Bộ Y tế cho thấy tiết kiệm được 30 – 35% tiền thuốc so với trước đó, là nhờ áp dụng đấu thầu thuốc theo Thông tư 01. Năm 2016, lần đầu tiên sẽ thực hiện đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia nhằm chấm dứt tình trạng, cùng một loại thuốc nhưng có giá cung ứng khác nhau giữa các BV.
Theo ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược, thuốc đưa vào đấu thầu cấp quốc gia là các loại được sử dụng nhiều, chi phí lớn, thuốc mua bằng tiền ngân sách nhà nước. Hội đồng đấu thầu thuốc quốc gia sẽ có thành viên của Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội VN. Dự kiến, sẽ có 59 loại là các thuốc điều trị ung thư, thuốc thuộc dự án phòng chống dịch bệnh nguy hiểm (lao, HIV/AIDS) nằm trong danh sách đấu thầu tập trung cấp quốc gia. Trong quý 1/2016 bắt đầu thực hiện đấu thầu thuốc cấp quốc gia trước với các thuốc điều trị ung thư. “Có thuốc trị ung thư chi phí điều trị lên đến 300 triệu đồng đến 1,2 tỉ đồng/năm/người bệnh. Khi đấu thầu theo Thông tư 01, có BV giá thuốc trị ung thư trúng thầu giảm giá đến 60 – 70% so với thời điểm 2013”, theo một trưởng khoa dược của BV tuyến T.Ư.
PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho rằng để đấu thầu thuốc tập trung có hiệu quả thì phải kiểm soát giá thuốc chặt chẽ hơn. “Cả nước hiện có hơn 2.000 nhà phân phối thuốc, có tình trạng buôn bán lòng vòng nhằm đẩy giá thuốc lên cao nên cần giải quyết”, bà Phong Lan nói.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến lưu ý vẫn còn tình trạng nhà thuốc BV bán thuốc giá cao hơn thị trường, đây là lý do làm tăng chi phí thuốc điều trị…
Liên Châu 

Nam Sơn – Chí An