Rất nhiều tham luận có giá trị của các PGS, TS, nhà nghiên cứu hàng đầu về Nguyễn Du và Truyện Kiều đã được trình bày tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia Kỷ niệm 250 năm năm sinh đại thi hào dân tộc Nguyễn Du.
Truyện Kiều vẫn ‘thách thức các nhà nghiên cứu’
Rất nhiều tham luận có giá trị của các PGS, TS, nhà nghiên cứu hàng đầu về Nguyễn Du và Truyện Kiều đã được trình bày tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia Kỷ niệm 250 năm năm sinh đại thi hào dân tộc Nguyễn Du.
Hội thảo diễn ra ngày 23.12 tại ĐH KHXH-NV, ĐH Quốc gia TP.HCM. 79 tham luận được chọn từ gần 100 tham luận gửi đến từ nhiều nơi cả trong và ngoài nước như Mỹ, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan…
60 bản dịch với 23 thứ tiếng
PGS-TS Đoàn Lê Giang (Trưởng ban tổ chức hội thảo, Trưởng khoa Văn học – Ngôn ngữ, ĐH KHXH-NV TP.HCM) nhận định: Tác phẩm của Nguyễn Du đã góp phần làm trường tồn dân tộc và Truyện Kiều đã trở thành tác phẩm văn học cổ điển VN được dịch ra nhiều ngôn ngữ nhất với 23 thứ tiếng và trên 60 bản dịch (Pháp, Anh, Trung Quốc, Nhật, Nga, Đức, Hàn Quốc, Hungary, Ý, Mông Cổ, Cuba, Tây Ban Nha…). Ông cũng cho rằng Truyện Kiều với vô số công trình nghiên cứu, song tới nay vẫn chưa ngừng phát huy giá trị to lớn và tiếp tục là một thách thức đối với các nhà nghiên cứu.
Cũng theo PGS-TS Đoàn Lê Giang, Nguyễn Du là một nghệ sĩ có chủ đích tìm đường đến trái tim của nhân dân. Tác phẩm của ông dung hợp giữa điển cố uyên bác trong thi liệu Trung Hoa với lời ăn tiếng nói dung dị của người dân Việt bình thường để sáng tạo ra một tiếng Việt văn hoá, tiếng Việt nghệ thuật đạt đến trình độ sâu sắc, tinh tế hiếm có.
PGS-TS Đoàn Trọng Huy (Đại học Sư phạm Hà Nội) đánh giá Nguyễn Du là nhà nhân đạo vĩ đại, có cảm thức nhân loại, đồng thời cũng là một nhà tư tưởng, nhà triết học lớn: “Chủ nghĩa nhân đạo của Nguyễn Du rất hiện đại, vượt thời gian. Nguyễn Du thương, tôn trọng và tin tưởng vào con người. Tư tưởng này đã nổi bật hẳn lên so với các tác phẩm khác trước đây, gần với chủ nghĩa nhân đạo cách mạng”.
1 trong 10 kiệt tác văn học phi phương Tây hay nhất thế giới
Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu chia sẻ: Truyện Kiều từng được học giả phương Tây xếp vào 1 trong 10 kiệt tác văn học phi phương Tây hay nhất thế giới. “Kiều không phải là một cá nhân, một phụ nữ, mà là một thân phận. Nên bất kỳ ai trong cuộc đời này bị đè nén nhưng muốn vươn lên bằng phẩm giá của mình thì đó là Kiều. Kiều là nhân loại, nhân loại là Kiều”, ông đánh giá. Và làm được điều đó là do Nguyễn Du đã sử dụng bi cảm trong thơ ca để đẩy xa hơn bi cảm về thân phận trong Truyện Kiều. Song, cái nhìn của Nguyễn Du không bi thảm, mà từ bi tới an bình, một vòng tròn trong đời Kiều cũng như đời con người là từ bi đến an bình.
Có lẽ cũng chính vì giá trị nhân văn đó mà Truyện Kiều đã được đón nhận rộng rãi ở nhiều nước suốt nhiều năm qua, với không ít công trình nghiên cứu. Theo TS Phan Thu Vân (Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), hơn 50 năm qua Truyện Kiều đã trở thành mối quan tâm ngày càng cao của học giả Trung Quốc và Đài Loan khi nhìn về văn học Việt. Kể từ bản dịch tiếng Trung đầu tiên của Hoàng Dật Cầu (1959), tới nay đã có thêm 3 bản dịch Truyện Kiều khác của các dịch giả Trung Quốc (La Trường Sơn – 2006, Kỳ Quảng Mưu – 2011, Triệu Ngọc Lan – 2013) cùng hàng trăm bài nghiên cứu với nhiều góc độ khác nhau. Dịch giả Trung Quốc Triệu Ngọc Lan (giảng viên tiếng Việt và văn học VN tại ĐH Bắc Kinh) từng xác nhận Truyện Kiều là một danh tác văn học cổ điển của VN.
Nhờ Truyện Kiều, Trung Quốc mới để ý Kim Vân Kiều truyện
Một điểm khá thú vị là Kim Vân Kiều truyện vốn không được giới học thuật Trung Quốc chú ý, nhưng chính nhờ sự nổi tiếng của Truyện Kiều tại VN đã dẫn tới trào lưu nghiên cứu Kim Vân Kiều truyện tại Trung Quốc bắt đầu từ những năm 1980. Trong tham luận Bàn về việc tiếp biến văn hoá Trung Quốc trong Kim Vân Kiều truyện của VN, TS Trung Quốc Vương Tiểu Lâm (ĐH Sư phạm Hồ Nam, Trung Quốc) cũng không khỏi băn khoăn về việc tại sao tác phẩm của Nguyễn Du hiện nay đã trở thành tác phẩm kinh điển của văn học thế giới, được toàn thế giới công nhận, nhưng tác phẩm gốc mà Nguyễn Du dựa vào là Kim Vân Kiều truyện (Thanh Tâm Tài Nhân) lại không có chút danh tiếng nào trong lịch sử văn học thế giới.
Tại hội thảo, GS-TS Ahn Kyong-hwan (Hàn Quốc) tặng Truyện Kiều và một số tác phẩm văn học Việt khác do GS dịch (Nhật ký trong tù, Nhật ký Đặng Thùy Trâm, Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp) cho thư viện Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM. PGS-TS Nguyễn Đăng Điệp, Viện trưởng Viện Văn học, thay mặt cho nhóm tác giả ở Nga cũng tặng Truyện Kiều ấn bản dịch tiếng Nga cho nhà trường. Hội thảo còn trưng bày các tác phẩm thư pháp, tranh và sách về Nguyễn Du, Truyện Kiều của các thư pháp gia Trương Lộ, Lâm Hán Thành, Huỳnh Hiến Bình, Trần Tiên Minh… Một số tác phẩm đã được bán để gây Quỹ hỗ trợ sinh viên ngữ văn khó khăn và in sách về Nguyễn Du.