09/01/2025

Phải giám sát được tài sản của cán bộ

Ngày 24-12, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng. Tuổi Trẻ đã phỏng vấn ông Lê Đông Phong – UV Ban thường vụ Thành uỷ, bí thư Đảng uỷ, giám đốc Công an TP.HCM.

 

Phải giám sát được tài sản của cán bộ

 

 

Ngày 24-12, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng. Tuổi Trẻ đã phỏng vấn ông Lê Đông Phong – UV Ban thường vụ Thành uỷ, bí thư Đảng uỷ, giám đốc Công an TP.HCM.



 

 

Giám đốc Công an TP.HCM Lê Đông Phong - Ảnh: T.T.D.
Giám đốc Công an TP.HCM Lê Đông Phong – Ảnh: T.T.D.

Ông Lê Đông Phong nói: “Để nâng cao hiệu quả phòng ngừa, phát hiện tham nhũng, tiêu cực, trước hết phải đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; phát huy dân chủ để cán bộ, nhân viên thấy được quyền và trách nhiệm của mình trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Kèm theo đó là minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, tạo điều kiện để người dân thực thi quyền giám sát của mình.

Chỉ huy các cấp, nhất là người đứng đầu, phải gương mẫu, quán xuyến mọi mặt công tác, thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của cấp dưới. Trách nhiệm của người đứng đầu phải được quy định thật cụ thể, chế tài xử lý trong trường hợp để xảy ra tham nhũng trong đơn vị.

Quan trọng hơn là phải có biện pháp cụ thể để quản lý, giám sát được thu nhập, tài sản của cán bộ công chức, viên chức.

Việc thu hồi tài sản tham nhũng phải quy định chặt chẽ, trong đó chú ý việc xác minh, truy tìm nguồn gốc tài sản, thu nhập bất minh của bản thân người đang bị thanh tra, điều tra về hành vi tham nhũng, kể cả các trường hợp đối phó bằng cách giao tài sản cho người khác đứng tên.

Ngoài ra, trong áp dụng pháp luật hình sự về các tội phạm tham nhũng cần có quy định cụ thể để thống nhất nhận thức như thế nào là chiếm đoạt tài sản, phân định rõ giữa trách nhiệm hình sự và dân sự trong việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Bổ sung những quy định cụ thể để phòng ngừa, ngăn chặn các thủ đoạn che giấu thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật gây ra trong các tổ chức tài chính, tín dụng có vốn nhà nước.

Và phải có quy chế phối hợp cụ thể giữa cơ quan điều tra tội phạm tham nhũng với viện kiểm sát, cơ quan ngoại giao nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác điều tra, xác minh thu thập tài liệu đối với các cơ quan, tổ chức, đối tượng liên quan đến tham nhũng ở nước ngoài”.

Quan điểm của cá nhân tôi và Đảng uỷ, ban giám đốc Công an TP là kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, không có ngoại lệ, mọi trường hợp vi phạm bị phát hiện đều được xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật và của ngành

Xử lý ngay từ cấp cơ sở

* Trong các vụ việc liên quan đến tham nhũng đã được điều tra, kết luận, cơ quan điều tra có kiến nghị xử lý trách nhiệm người đứng đầu không? Qua thực tế cho thấy việc này rất ít được chú trọng, thậm chí chỉ kiểm điểm qua loa, xuề xoà 
rồi thôi?

– Trong các vụ án tham nhũng đã điều tra, Cơ quan điều tra Công an TP đã có kiến nghị xử lý người đứng đầu về trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng nghiêm trọng trong cơ quan, đơn vị mình phụ trách, viện kiểm sát cũng thống nhất đề nghị của cơ quan điều tra. Điển hình như vụ tham ô xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh Bình Thạnh.

* Là người đứng đầu Công an TP.HCM, ông nhận xét công tác thanh tra, kiểm tra trong nội bộ lực lượng Công an TP về các vấn đề tiêu cực, tham nhũng như 
thế nào?

– Đối với công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ trong lực lượng Công an TP, ban thường vụ đảng ủy, ban giám đốc thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời ngăn chặn, phát hiện, xử lý đối với cán bộ chiến sĩ sai phạm, nhất là kiểm tra dấu hiệu, biểu hiện tham nhũng, tiêu cực trong đơn vị, chủ động đề ra các giải pháp để nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành nội quy, quy trình công tác của cán bộ chiến sĩ nhằm hạn chế thấp nhất tỉ lệ cán bộ chiến sĩ sai phạm.

Thời gian qua, công tác tự thanh tra, kiểm tra của các đơn vị cơ sở cũng có nhiều chuyển biến tích cực, chủ động hơn so với các năm trước, qua đó đã phát hiện nhiều vụ việc sai phạm để chấn chỉnh, xử lý ngay từ cấp cơ sở.

Quần chúng cùng 
tham gia giám sát

* Khi có hiện tượng tiêu cực được thông tin hoặc báo cáo trong nội bộ thì đảng ủy, ban giám đốc xử lý như thế nào, thưa ông?

– Không phải để đến khi xảy ra sai phạm thì mới thụ động tìm hướng xử lý. Thực tế các biện pháp thực hiện trong thời gian qua đã góp phần xây dựng lực lượng Công an TP trong sạch, vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn TP.

Tuy nhiên, vẫn còn một số cán bộ chiến sĩ thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức dẫn đến có hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, vi phạm quy trình công tác.

Đối với các trường hợp này, Đảng uỷ, ban giám đốc Công an TP đều chủ trương nhanh chóng làm rõ, kiên quyết xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật và 
của ngành.

* Trong thời gian qua, phải nói rằng hình ảnh người cảnh sát giao thông TP đã được cải thiện rất nhiều trong mắt người dân, nhưng hiện tượng những “con sâu” vẫn gây nên bức xúc trong dư luận. Công an TP đã có những giải pháp ngăn ngừa tiêu cực đặc biệt nào đối với lực lượng này?

– Nhằm ngăn ngừa vi phạm, tiêu cực trong hoạt động của cảnh sát giao thông, Công an TP đã xây dựng nhiều kế hoạch chuyên đề và các quy định cụ thể, trong đó trọng tâm là giáo dục chính trị tư tưởng, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình, quy chế công tác.

Để giám sát hoạt động tuần tra của lực lượng cảnh sát giao thông, Công an TP đã thành lập các tổ kiểm tra như tổ thanh tra đặc biệt có chức năng tiếp nhận, giải quyết nhanh tin báo phản ảnh, tố giác của quần chúng nhân dân về những sai phạm của lực lượng cảnh sát giao thông và tổ chức kiểm tra, nắm tình hình (kể cả biện pháp trinh sát) để phát hiện, đề xuất xử lý các trường hợp vi phạm quy trình công tác, tham nhũng 
tiêu cực…

Ngoài ra, Công an TP còn thiết lập đường dây điện thoại “nóng” nhằm tổ chức cho quần chúng nhân dân cùng tham gia giám sát, tố giác việc vi phạm, tiêu cực của lực lượng tuần tra kiểm soát giao thông…

Tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng

Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng chống tham nhũng trên địa bàn TP.HCM nhằm đánh giá khách quan, toàn diện kết quả 10 năm thực hiện luật. Qua đó đánh giá, rút kinh nghiệm để khắc phục những tồn tại, đề ra giải pháp tháo gỡ vướng mắc; nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành trong công tác quản lý, điều hành xã hội nói chung và công tác phòng chống tham nhũng nói riêng. Từ thực tiễn công tác phòng chống tham nhũng, TP sẽ có những đề xuất trung ương trong việc hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật trong phòng chống tham nhũng thời gian tới.

Trong chín tháng đầu năm 2015, Thanh tra TP đã tổ chức 176 cuộc thanh tra, phát hiện 80/341 đơn vị có sai phạm, chủ yếu là sai phạm về kinh tế nhưng chưa phát hiện các hành vi tham nhũng. Trong đó, Thanh tra TP phát hiện hơn 80 tỉ đồng sai phạm, thu hồi hơn 31 tỉ và 3 căn nhà. Kết quả thanh tra cũng thu hồi nộp ngân sách 141 tỉ đồng.

ÁI NHÂN

 

V.H.QUỲNH – MAI HƯƠNG