Khoảng trống toàn cầu về dạy nghề
Theo BBC, chưa bao giờ nhu cầu xã hội với giáo dục dạy nghề cần thiết như hiện nay.
Khoảng trống toàn cầu về dạy nghề
Theo BBC, chưa bao giờ nhu cầu xã hội với giáo dục dạy nghề cần thiết như hiện nay.
Một thợ học việc đang làm việc tại xưởng đóng tàu Newport News của Mỹ – Ảnh: Reuters |
Tình trạng người trẻ thất nghiệp, nhất là với người trẻ thiếu kỹ năng đào tạo hoặc không bằng cấp, đang trở thành vấn nạn tại nhiều quốc gia.
Cùng với tình trạng trên thì các chủ doanh nghiệp lại luôn lo lắng vì thiếu hụt thợ tay nghề cao, hoặc không thể tìm được đủ số nhân sự phù hợp với nhu cầu.
Một báo cáo của Tổ chức City and Guilds, đơn vị chuyên đào tạo và cung cấp các bằng nghề của Anh, cho thấy “sự không gặp nhau” giữa cung và cầu trong lĩnh vực lao động nghề đang trở thành vấn nạn quốc tế.
Ấn Độ: thiếu hụt lao động nghề
Hiện nay, thách thức thật sự với những tham vọng kinh tế của Ấn Độ chính là sự thiếu hụt các lao động nghề có chuyên môn cao.
Với tốc độ tăng dân số của Ấn Độ, trong hai thập kỷ tới, lực lượng lao động nước này sẽ tăng thêm 32%, theo đó sẽ có hơn 10 triệu lao động trẻ có nhu cầu tìm việc.
Dẫu vậy, hiện tại mới chỉ có 2,3% lực lượng lao động Ấn Độ được đào tạo nghề chính thức, con số quá ít nếu so với mức 80% ở Đức.
Báo cáo của City and Guilds cho rằng Ấn Độ sẽ không thể phát triển kinh tế bền vững nếu không có những giải pháp thúc đẩy tốt hơn giáo dục dạy nghề. Khi công việc chuyển từ nông nghiệp sang các lĩnh vực như xây dựng và công nghiệp ôtô, Ấn Độ sẽ cần thêm hàng triệu lao động được đào tạo.
Tuy nhiên, cũng giống như nhiều quốc gia, ở Ấn Độ vẫn tồn tại quan điểm cho rằng học nghề sẽ chỉ làm những công việc có vị thế xã hội thấp kém. Nhiều phụ huynh Ấn Độ chỉ muốn con em họ học tiếp lên các trường đại học.
Mỹ: thợ học việc đắt hàng
Tháng trước, tại Mỹ diễn ra Tuần lễ quốc gia dành cho thợ học việc, nhằm thúc đẩy hơn nữa sự quan tâm của dư luận với giáo dục dạy nghề. Báo cáo của City and Guilds cho thấy dạy nghề vẫn là cuộc chiến cam go ở Mỹ.
Hiện Mỹ có 410.000 thợ học việc, ít hơn một nửa so với Anh. Kết quả nghiên cứu cho thấy Mỹ còn thiếu khoảng 5 triệu lao động kỹ thuật có tay nghề. Nhưng tại quốc gia này vẫn tồn tại tâm lý thiên vị mạnh mẽ cho các lĩnh vực chuyên môn học thuật.
Việc triển khai những thay đổi trong hệ thống giáo dục dạy nghề ở Mỹ thậm chí còn khó khăn hơn, khi nó thật sự là một hệ thống bị phân mảnh, thiếu đồng nhất. Các bằng cấp nghề không được công nhận như nhau ở các khu vực khác nhau trên nước Mỹ.
Nam Phi: người trẻ thất nghiệp
Tại Nam Phi, việc có được bằng cấp, bất kể là bằng đại học hay bằng nghề, đều được xem như một lợi thế vượt trội trên thị trường lao động.
Trong khi tỉ lệ thất nghiệp tại Nam Phi là 54%, thì các chủ doanh nghiệp lại rất lo lắng về việc thiếu lao động có tay nghề cao. Nam Phi đang có tham vọng mở rộng cả lĩnh vực đào tạo đại học lẫn đào tạo nghề. Quốc gia này đã lên kế hoạch trong 20 năm tới sẽ có được 2,5 triệu người học trong các trường cao đẳng nghề, tăng gấp bốn lần hiện tại.
Tuy nhiên vẫn còn nỗi lo về sự chênh lệch giữa những nội dung đào tạo và nhu cầu của nhà tuyển dụng. Chẳng hạn, hiện có quá nhiều người học về kinh doanh, truyền thông và kế toán; trong khi lĩnh vực đang cần người là điện và các lĩnh vực kỹ thuật khác.
Anh: học nghề thì không… sang!
Báo cáo của City and Guilds cảnh báo về hệ thống đào tạo nghề ở Anh vẫn còn quá phức tạp nếu so với lộ trình từ phổ thông lên đại học. Với nhóm lao động ở độ tuổi trên trung học, còn ít thanh niên Anh được học nghề theo những tiêu chuẩn quốc tế.
Ở Anh cũng tồn tại những rào cản dai dẳng, như quan niệm các khoá học nghề chỉ dành cho người không thể học lên đại học…
Áo là quốc gia đứng đầu châu Âu về số người trẻ tham gia học nghề. Đây cũng là mấu chốt để giảm tình trạng thất nghiệp ở thanh niên. Các nước như Áo, Đức có tỉ lệ thanh niên học nghề tương đối cao đều là những nước mà tỉ lệ thanh niên dưới 25 tuổi thất nghiệp thấp nhất.