29/11/2024

Bệnh viện găm người bệnh vì sợ ‘mất khách’

BV tuyến trên giữ bệnh nhân sau khi đã điều trị ổn định, hoặc vẫn giữ các bệnh nhân mắc bệnh thông thường có thể chuyển điều trị tuyến dưới. Việc này làm tăng chi phí điều trị cho người bệnh.

 

Bệnh viện găm người bệnh vì sợ ‘mất khách’

 

 

Việc điều chuyển tuyến điều trị sẽ thuận lợi hơn cho bệnh nhân – Ảnh: Ngọc Thắng


Tại Hội nghị đánh giá về công tác chỉ đạo tuyến và thực hiện quy định chuyển tuyến điều trị, do Cục Quản lý khám chữa bệnh tổ chức ngày 15.12 ở Hà Nội, báo cáo của 18 bệnh viện (BV) thuộc Bộ Y tế cho biết 6 tháng đầu năm nay đã tiếp nhận 80.631 bệnh nhân được chuyển đến, trong đó có 1,38% trường hợp chuyển tuyến theo yêu cầu của người bệnh hoặc của người nhà bệnh nhân. Tại BV thuộc các sở y tế có gần 250.000 bệnh nhân chuyển đi, trong đó hơn 97% chuyển tuyến khi đủ điều kiện; gần 3% chuyển tuyến theo yêu cầu của người bệnh hoặc người nhà.

 
 
Bệnh viện găm người bệnh vì sợ 'mất khách' - ảnh 1
Ngay tại bệnh viện tuyến trên vừa qua cũng vẫn giữ bệnh nhân sau khi đã điều trị ổn định, hoặc vẫn giữ các bệnh nhân mắc bệnh thông thường có thể chuyển điều trị tuyến dưới. Việc này làm tăng chi phí điều trị cho người bệnh
Bệnh viện găm người bệnh vì sợ 'mất khách' - ảnh 2
 
Ông Cao Hưng Thái, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế)
 

Ông Cao Hưng Thái, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, cho biết mặc dù Bộ Y tế đã ban hành thông tư quy định về chuyển tuyến điều trị nhằm tạo thuận lợi cho người bệnh, đảm bảo người nặng được cứu chữa kịp thời ở tuyến trên, nhưng vẫn còn tồn tại tình trạng bệnh nhân vượt khả năng cứu chữa của cơ sở nhưng BV vẫn giữ lại khiến bệnh trở nặng. Nguyên nhân, theo ông Thái, một phần là bất cập về chuyên môn kỹ thuật của đơn vị và một phần do quy định về thanh toán bảo hiểm. Nếu BV chuyển bệnh nhân là mất “khách hàng”, nguồn quỹ BHYT thanh toán sẽ chuyển sang BV tiếp nhận bệnh nhân. “Ngay tại BV tuyến trên vừa qua cũng vẫn giữ bệnh nhân sau khi đã điều trị ổn định, hoặc vẫn giữ các bệnh nhân mắc bệnh thông thường có thể chuyển điều trị tuyến dưới. Việc này làm tăng chi phí điều trị cho người bệnh”, ông Thái nói.

Lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh cam kết, sẽ điều chỉnh quy định để chuyển tuyến điều trị được thuận lợi hơn. Hiện tại, với người bệnh nặng khi đến phòng khám muốn chuyển tuyến phải chờ hội chẩn, rất phức tạp, tới đây quy định này sẽ được cắt giảm. Những ca bệnh tuyến dưới không có chuyên khoa sâu, bệnh dễ diễn biến nặng như: ung bướu, tim mạch, nội tiết chuyển hoá, sản – nhi, ngoại chấn thương, bác sĩ có thể quyết định cho chuyển tuyến và chịu trách nhiệm về việc này, thay vì chờ hội chẩn của hội đồng, giảm thiểu bệnh nặng do trì hoãn chuyển viện.
Đáng lưu ý, Cục Quản lý khám chữa bệnh đánh giá nhiều BV công đang quá tải, nhưng BV tư dưới tải, thậm chí chỉ đạt 30 – 40% công suất, rất lãng phí nguồn lực đầu tư, nguyên nhân do năng lực chuyên môn. Theo chỉ đạo của Thủ tướng, triển khai BV vệ tinh (BV tuyến trên là BV hạt nhân, chuyển giao kỹ thuật cho BV tuyến dưới) giai đoạn 2016 – 2020 sẽ không phân biệt BV nhà nước hay tư nhân. Vừa qua, các BV Chợ Rẫy, Bạch Mai, Việt Đức đều đã có hợp tác, hỗ trợ cho các BV tư nhân. Trong đó, BV Vinmec Hà Nội đã trở thành BV vệ tinh BV Bạch Mai trong một số chuyên khoa.
Liên quan đến việc nhiều BV tư phàn nàn vì bị phân biệt đối xử, không được Bộ Y tế hỗ trợ về đào tạo chuyên môn cho nhân viên y tế, không được chuyển giao kỹ thuật phục vụ khám chữa bệnh, ông Thái khẳng định từ năm 2016 BV tư nhân cũng sẽ tham gia BV vệ tinh để tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật từ BV hạt nhân.

Liên Châu